Những nỗi đau dai dẳng ở nơi "thung lũng da cam"

Thanh Hằng_K.Vương 2016-05-11 07:00
- Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng những người dân ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đang gồng mình gánh chịu nỗi đau dai dẳng bởi thứ chất độc mang tên da cam/dioxin gây ra.
Từ những nỗi đau chung mang tên “da cam”
Tìm về mảnh đất được mệnh danh là “thung lũng da cam”, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều gia đình có chung một nỗi đau tột cùng do thứ chất độc hóa học mang cái tên  “mỹ miều” nhưng thật khủng khiếp và đáng sợ gây ra.
Có lẽ, trong số hơn 200 người gồng mình gánh chịu nỗi đau mang tên “da cam/dioxin” ở xã Đại Hồng thì gia đình anh Tám và chị Trần Thị Sáu, ở thôn Hà Vi là hoàn cảnh đáng thương nhất. Vợ chồng anh Tám có 2 đứa con đều bị nhiễm chất độc da cam, đau lòng hơn, đứa con trai đầu là cháu Huỳnh Tấn Đạt đã qua đời khi mới chỉ 14 tuổi.
“Vợ chồng tui sinh được 2 đứa con mà cả 2 đều bị chất độc da cam. Đứa con trai xấu số của tui đã chết, giờ còn đứa con gái, hắn vẫn đi học nhưng lúc tỉnh lúc mê nên tui lo lắm, nếu đứa con gái ni mà có chuyện chi nữa thì chắc tui chết mất…”, chị Sáu tâm sự trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Nỗi đau thế hệ và những câu chuyện cổ tích mang tên “da cam”

Em Bùi Thị Thúy bị nhiễm chất độc da cam nên không có nhận thức được gì

Cùng chung số phận với hai đứa con của anh Tám, em Bùi Thị Thúy (22 tuổi) cũng bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, hơn 6 tuổi mà em mới biết đi chập chững và nói tiếng được tiếng mất, thấy người lạ vào nhà là em lại khóc ré lên như ai vừa cầm roi vụt vào thân thể vậy.
Gia đình em thúy thuộc hộ khó khăn nhất nhì của xã Đại Hồng. Cha em là chú Bùi Xanh bị tật nguyền ở chân nên không lao động được, toàn bộ gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đè nặng lên vai người mẹ già ốm yếu.
Cô Hồ Thị Năm (mẹ Thúy) nước mắt lưng tròng: “Sao gia đình tôi lại khổ quá vậy? Chồng tàn tật đã đành rồi mà đứa con gái duy nhất cũng bất hạnh như vậy. Tôi lo quá, không biết mai này tôi mà chết đi thì không biết ai sẽ lo cho nó đây chứ?!”.
Rời khỏi thôn Ngọc Kinh Đông, chúng tôi đến thăm cô bé Nguyễn Thị Tú Trinh. Thấy khách đến, Trinh nở một nụ cười thật thánh thiện. Mới nhìn thì có lẽ chẳng ai dám nghĩ cô bé này đang mang trong mình căn bệnh quái ác. Lúc cất tiếng khóc chào đời, Trinh vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên, đến 3 tuổi mà thấy Trinh vẫn không biết đi, chỉ nhích đôi chân có thể bị ngã ngay, thường lên cơn co giật và nên gia đình vội đưa con đến viện khám và cả nhà như chết lặng đi khi nghe bác sỹ kết luận Trinh bị chất độc da cam.
Nỗi đau thế hệ và những câu chuyện cổ tích mang tên “da cam”

 Tú Trinh có nụ cười thánh thiện như thiên thần nhưng em lại phải mang trong mình căn bệnh chất độc màu da cam quái ác

Năm nay Tú Trinh đã 17 tuổi, mặc dù đầu óc không được tỉnh táo nhưng em vẫn có thể nhận biết được mọi người xung quanh, điều đáng tiếc ở cô bé này là em không thể đi lại và nói chuyện như những người bình thường được…
Chia tay em Trinh, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Văn Thịnh. Thịnh là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam từ ông nội mình. Ông nội Thịnh là Nguyễn Đức Thắng (86 tuổi), từng là thanh niên tình nguyện trong chiến tranh chống Mỹ tại chiến trường miền Trung.
Theo người thân, từ lúc sinh ra Thịnh đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, cháu bị yếu cơ nên không thể đi lại được, môi cháu bị sứt nặng nên dù đã 11 tuổi nhưng nói cứ ấm ớ như trẻ mới lên 2, ngoài ra Thịnh còn bị bại não nên không nhận biết được gì, mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống đi vệ sinh đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác…
…đến nghị lực vượt lên số phận!
Hơn 200 nạn nhân chất độc da cam ở làng da cam này là hơn hai trăm nỗi đau khác nhau và còn có cả hàng ngàn nỗi đau của những người thân, những người đang từng ngày vật vả với những khó khăn đeo bám họ trong cuộc sống.
Những bậc làm cha làm mẹ của những nạn nhân da cam ấy ngày càng chết dần, chết mòn vì những đứa con tật nguyền của họ. Và nếu như không có một phép nhiệm màu nào đó thì sợ rằng một ngày nào đó các em sẽ phải tạm biệt thế giới này để đến với một thế giới yên bình khác, khi mà những đấng sinh thành của các em đang rơi vào bĩ cực, đã cạn kiệt sức lực...
Không ai được quyền chọn gia đình để sinh ra, số phận đắng cay khiến cho các em trong mình căn bệnh quái ác. Tưởng chừng như những bất hạnh đó sẽ làm gục ngã tất cả các em. nhưng không, vượt lên số phận những "mảnh đời da cam" ấy đã có thể làm được những điều khiến những người bình thường cũng phải ngưỡng mộ, khâm phục.
Những nỗi đau dai dẳng ở nơi 'thung lũng da cam'

Ở "Thung lũng da cam" xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có nhiều gia đình bị nhiễm chất độc da cam qua thế hệ thứ 2, 3

Có lẽ, từ lâu cái tên Trương Thị Thương đã quá quen thuộc không chỉ với người dân xứ Quảng mà còn nổi tiếng khắp cả nước. 12 năm trời trên con đường làng đất sỏi, cha của Thương, một người nông dân ít học hằng ngày vẫn miệt mài cõng con vượt một quãng đường dài hàng chục cây số để đến trường, dù nắng hay mưa không vắng học một buổi nào…
Không phụ lòng kỳ vọng của cha và người thân, trong 12 năm học, Thương luôn là học sinh giỏi xuất sắc và được tuyển thẳng vào trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng. Không chỉ vậy, suốt 4 năm trên giảng đường đại học, cô gái nhỏ bé chỉ cao 70cm và nặng hơn 20kg càng khiến nhiều người khâm phục khi em luôn là sinh viên dẫn đầu lớp về thành tích học tập cũng như những suất nhận học bổng của trường, thành phố. Trương Thị Thương đang trở thành một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí vượt khó của nhiều bạn trẻ.
Bên cạnh Thương thì ở “làng da cam” này vẫn còn nhiều tấm gương vượt lên số phận khác như em Trần Quốc Danh đã được hội nạn nhân độc da cam cho sang Nga để du học 1 tháng và giờ đây em đang tiếp tục theo đuổi ước mơ vào giảng đường Đại Học. Dẫu biết rằng để thực hiện được ước mơ đó thì cần rất nhiều sự nỗ lực phi thường ở em. Nhưng với những gì đã nhìn thấy, đã cảm nhận được ở Danh thì chúng tôi tin rằng một ngày mai tương sáng sẽ đến với cậu học trò tật nguyền này, bởi cuộc đời luôn dành những phần thưởng xứng đáng cho những ai bền chí.
Thanh Hằng_K.Vương

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Người cần sẽ đến, người phải đi sẽ đi