Những gốc tre “hóa” tiên bụt dưới đôi bàn tay của “dị nhân” ở phố cổ Hội An

Khương Mỹ 2015-08-09 06:00
- Từ những gốc tre vô tri vớt được trong một trận lụt, “dị nhân” ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã chế tác thành nhiều sản phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị

Nhiều năm qua, cái tên Huỳnh Phương Đỏ (SN 1973) đã quá quen thuộc với du khách mỗi khi có dịp đến phố cổ Hội An. Bởi anh chính là cha đẻ của nghề sáng chế nên hàng trăm kiệt tác độc đáo từ những gốc tre tưởng chừng như bỏ đi...

Đổi đời nhờ… trận lụt

Tìm đến căn nhà thuộc loại khang trang nhất nhì khối phố Tân Thành (P. Cẩm An, Tp.Hội An, Quảng Nam) để thăm người đàn ông có biệt danh “út sún”, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi thấy hàng nghìn tượng Phật, tượng Phúc – lộc Thọ và chân dung các danh nhân được tái hiện rõ nét qua… những gốc tre khô xù xì, thô ráp…

Độc đáo những gốc tre “hóa” tiên bụt dưới đôi bàn tay của “dị nhân” ở phố cổ Hội An

Cửa hàng trưng bày những sản phẩm bằng gốc tre độc đáo của tỷ phú “Đỏ tre” (Ảnh: Khương Mỹ)

Dù đang loay hoay với cái đục, cái cưa bên những tác phẩm chưa hoàn tất của mình. Nhưng thấy khách đến thăm, bỏ qua nỗi bộn bề của công việc thường nhật, anh Đỏ ngồi chia sẻ rất chân thành về con đường lập nghiệp mà ít người lựa chọn này.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về "dị nhân" ấy là một người đàn ông với thân hình nhỏ bé, làn da đen rám nắng, khuôn mặt trông rất "lạ... Đặc biệt nhất là mỗi khi anh cười lại lộ rõ hàm răng bị sún đã rụng gần hết...

Cái duyên đến với nghề của anh "út sún" này cũng rất tình cờ và đầy thú vị. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo. Từ nhỏ, cha mẹ muốn sau này anh sẽ trở thành giáo viên. Nhưng với bản tính đam mê điêu khắc, anh nhất quyết theo nghề mộc. Thương con, cha đành dẫn anh đến gửi cho nghệ nhân Huỳnh Sướng nổi tiếng khắp làng mộc Kim Bồng để học nghề. Gặp sư phụ giỏi, cộng với đam mê của mình, anh nhanh chóng trở thành một tay điêu khắc có tiếng thời bấy giờ.

Độc đáo những gốc tre “hóa” tiên bụt dưới đôi bàn tay của “dị nhân” ở phố cổ Hội An

Qua đôi bàn tay tài hoa của “Đỏ tre”, những gốc tre tưởng chừng như bỏ đi trở thành sản phẩm độc đáo và có hồn…  (Ảnh: Khương Mỹ)

Thế nhưng, chỉ mới 2 năm sau khi thạo nghề, anh lại nản lòng bởi không cam phận làm thuê nên bỏ ra Đà Nẵng kiếm sống. Những ngày phiêu bạc nơi đất khách quê người, anh trải qua nhiều công việc từ bốc vác, sửa xe đến bán bánh chưng, bắp nếp dạo…

Sau bao năm chắt chiu, dành dụm, anh cũng tích góp được ít vốn và kết duyên với chị Trần Thu Vân, một cô thôn nữ đảm đang, tháo vát. Sau ngày lấy vợ, anh về Hội An sinh sống và mở một xưởng mộc cho riêng mình.

Thế nhưng, cuộc đời đâu chiều lòng người, xưởng mộc mở chưa được bao lâu thì đã bị phá sản bởi không đủ vốn để cạnh tranh. Sau nhiều lần thất bại, chàng trai trẻ tưởng chừng như sẽ gục ngã. Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất thì cái duyên đến với nghề “độc” của anh "Đỏ tre" cũng rất tình cờ và đầy thú vị .

Hồi tưởng lại quá khứ, anh Đỏ cười để lộ rõ hai hàm răng sún nhưng rất có duyên: “Năm 2002, trong một trận lụt, do nước lũ lớn quá, tui phải trèo lên tận nóc nhà để tránh lũ. Do bản tính hiếu kỳ, nhiều ngày phải ngồi một chỗ nên ngứa ngáy tay chân. Bỗng thấy có những gốc tre trôi nổi theo dòng nước lũ, trong đầu tui chợt nảy ra ý tưởng về những pho tượng bằng gốc tre."

Độc đáo những gốc tre “hóa” tiên bụt dưới đôi bàn tay của “dị nhân” ở phố cổ Hội An

Những bức tượng bằng gốc tre rất được du khách yêu thích (Ảnh: Khương Mỹ)

Nghĩ là làm, ngay sau khi nước lũ rút, anh chèo bè đi khắp nơi để vớt những gốc tre trôi nổi mang lên nóc nhà ngồi điêu khắc… Nhiều người thấy anh suốt ngày cặm cụi vào mấy gốc tre mục nát nên bảo anh bị “ấm đầu”. Thế nhưng, bỏ ngoài tai tất cả những lời dèm pha, anh vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng “điên rồ” của mình. Và rồi, sau thời gian cần mẫn đục đẽo, gọt dũa, cuối cùng những pho tượng độc nhất vô nhị cũng dần hình thành dưới đôi bàn tay tài hoa của “dị nhân” này khiến ai cũng phải ngỡ ngàng, thán phục.

Làm được vài cái đầu tiên và được du khách đón nhận một cách nhiệt tình, anh bắt đầu đam mê và bỏ thời gian nghiên cứu để chế tác thêm nhiều sản phẩm khác nhau. Qua bàn tay anh Đỏ, những nhân vật như Quan Vân Trường, Chư vị Thập bát La hán, Quan Công… hiện lên rất có hồn.

Ước mơ đưa gốc tre Việt Nam "xuất ngoại"

Cứ thế, sau hai năm kiên nhẫn với cái dùi, cái đục cùng sự giúp sức của người vợ trẻ đảm đang. Những bức tượng độc đáo bằng gốc tre của anh Đỏ ngày càng được du khách ưa thích. Nhiều lúc, các gốc tre làm ra không đủ bán, anh Đỏ phải thức thâu đêm, quên luôn cả việc ăn ngủ để kịp hoàn thành các sản phẩm lưu niệm cho khách mang về.

Khi những sản phẩm tượng tre bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, đầu năm 2004, anh Đỏ quyết định thuê nhà để mở cơ sở chế tác, trưng bày sản phẩm. Hiện nay, cửa hàng quà lưu niệm của anh Đỏ mỗi ngày đón hàng trăm lượt người đến tham quan và mua sắm, đặc biệt là những khách du lịch nước ngoài.

Không chỉ bán lẻ cho du khách mà bây giờ những tác phẩm bằng tre của anh Đỏ đã được nhiều khu du lịch trong nước đặt hàng tới tấp. Vào những tháng giáp tết, vợ chồng anh phải huy động thêm 5 thợ, làm việc cật lực từ sáng đến tối nhưng vẫn "cháy hàng".

Độc đáo những gốc tre “hóa” tiên bụt dưới đôi bàn tay của “dị nhân” ở phố cổ Hội An

Anh Huỳnh Phương Đỏ chính là cha đẻ của nghề tạc tượng bằng gốc tre (Ảnh: Khương Mỹ)

Trung bình một ngày anh Đỏ chế tác được khoảng 20 gốc tre loại thường, còn với những gốc tre có thế lạ, anh phải mất ít nhất 1 buổi, có khi một ngày, thậm chí là cả tuần để cho ra tác phẩm ưng ý và tất nhiên giá sẽ rất cao...

Anh cho biết thêm, để tạo ra được một sản phẩm như vậy thì phải mất thời gian dài 6 tháng ngâm gốc tre dưới bùn. Tiếp theo phải xử lý hết đất đá bên trong, vệ sinh sạch sẽ và sau đó phơi khô hơn 10 nắng, rồi mới tiến hành tạo hình dựa vào thế đã có sẵn…

Từ một ý tưởng mưu sinh tự nghĩ ra, cái nghiệp tạc tượng gốc tre đã biến anh Đỏ thành người nghệ nhân tài hoa, một doanh nhân thành đạt đang làm giàu trên chính quê hương của mình. Từ đôi bàn tay trắng, giờ đây anh đã tạo nên được một cơ ngơi khá bề thế, một thương hiệu độc tôn trong làng điêu khắc và trên hết là một gia đình hạnh phúc cùng người vợ hiền và hai đứa con ngoan.

Bây giờ, tuy mỗi tháng nhập về hàng ngàn gốc tre đủ loại kích cỡ ở khắp các làng quê, nhưng cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi thì anh lại tự mình lặn lội khắp nơi để tìm kiếm những gốc tre ưng ý. Mỗi sản phẩm làm ra, anh bán với giá từ 100 nghìn đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ và thời gian làm ra tác phẩm. Ước tính mỗi năm, anh Đỏ có thể kiếm được hơn 500 triệu đồng từ những sản phẩm độc đáo, mới lạ do mình làm ra.

Anh “út sún” bên sản phẩm mới hoàn thành của mình (Ảnh: Khương Mỹ)

Không chỉ điêu khắc giỏi, anh Đỏ còn là một tay bán hàng nổi tiếng bởi lấy lòng “thượng đế”. Đặc biệt, dù chưa tốt nghiệp cấp 3 trường làng, cũng chưa một lần đến trung tâm ngoại ngữ, thế nhưng anh Đỏ lại nói được nhiều thứ tiếng nước ngoài một cách răm rắp. "Đồ yêu chi chứ mấy thứ tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Campuchia tui đều nói được tuốt… Nhưng còn cái khoản viết thì tui chịu à", anh Đỏ nhấp chén trà, cười khà khà chia sẻ.

Được biết, hơn 10 năm qua, anh Đỏ đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên, trong đó có những trẻ em cơ nhở và người khuyết tật. Hiện có 3 học trò đang theo anh học nghề, lương mỗi tháng cũng được trên 5 triệu đồng.

Chia sẻ về dự định trong tương lai của mình, anh Đỏ cho biết, sắp tới sẽ mở thêm cơ sở sản xuất và trưng bày, quảng bá ở thành phố Đà Nẵng. Không chỉ có vậy, trong tương lai, anh còn ấp ủ ước mơ sẽ đưa những sản phẩm gốc tre nghệ thuật của mình "xuất ngoại".

Bài, ảnh: Khương Mỹ 

(Theo Congluan)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giải mã những lời đồn 'dựng tóc gáy' quanh ngày trăng tròn