Người phụ nữ gắn bó nghề trèo dừa suốt 3 thập kỷ

2015-11-24 08:14
- Với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đã ngả màu, bà Mười Hai nhẹ nhàng tiến lại cây dừa rồi bất ngờ leo nhanh thoăn thoắt khiến ai cũng phải nể phục.
Gừng càng già càng cay
Tìm về ấp Bờ Xe (xã Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi mở lời hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Mười Hai (53 tuổi), không ai là không biết.
Người dân địa phương rỉ tai chúng tôi, bà Mười Hai được xem là nhân vật trèo dừa “huyền thoại”. Bởi ở cái tuổi đã quá “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” nhưng bà Mười Hai vẫn cho thấy sự nhanh nhẹn trong công việc leo trèo. 

Bà Mười Hai chuẩn bị dụng cụ đi trèo dừa.

Dù đã qua nhiều năm nhưng khả năng trèo dừa của bà Hai vẫn không ai qua mặt được. Thậm chí, có nhiều thanh niên làm nghề trèo dừa cũng phải cúi đầu thán phục mỗi khi nhìn bà Mười Hai trèo dừa. Cứ thế, người dân địa phương thường gọi bà Mười Hai với cái tên thân thương "nữ quái trèo dừa".
Với dáng người nhỏ nhắn và nước da đen xạm đúng chất của một người từng trải, bà Mười Hai chia sẻ: “Mặc dù, biết nghề trèo dừa là nguy hiểm nhưng nó đã ăn vào máu của tôi từ khi nào cũng không hay nữa. Chỉ cần một một hôm không được “ôm ấp” cây dừa là tôi cảm thấy ngứa ngáy chân tay như thiếu đi một cái gì đó rất quan trọng”.
Điều đáng nói là khả năng trèo dừa điêu luyện của bà Mười Hai không chỉ người dân ở trong ấp mới biết. Theo đó, cứ nghe danh đến bà, nhiều người ở huyện khác lại tìm tới để thuê bà Mười Hai trèo dừa cho họ.
Mỗi ngày bà Mười Hai trèo hàng trăm cây dừa từ lớn tới bé, hái hàng ngàn quả dừa để mưu sinh. Trên cuộc hành trình mưu sinh ấy, bà Mười Hai cũng không ít lần gặp những tai nạn ngoài ý muốn. Nhưng với nghị lực phi thường của người phụ nữ miền sông nước, bà Mười Hai chỉ xem những tai nạn đó như những vết thương ngoài da và không có gì đáng để nhắc lại.. 
Khi chúng tôi hỏi về những cảm nhận về cái nghề “độc dị” đã tạo nên tên tuổi của bà Hai, ông Đỗ Văn Lợi (SN 1963, chồng của bà Mười Hai) chia sẻ: “Vợ tôi chọn cái nghề này thật sự là rất nguy hiểm. Nhiều lần, tôi khuyên vợ chuyển sang nghề khác mưu sinh nhưng bà vẫn một mực không chịu từ bỏ. Nhiều hôm, đứng dưới đất nhìn vợ trèo trên những ngọn dừa cao chót vót mà tim tôi cứ đập thình thịch hồi hộp. Những lúc như thế, tôi thấy mình giống như đang xem một trò chơi mạo hiểm vậy, mà nhân vật chính trong trò chơi là vợ của mình”.
Nghề trèo dừa không đơn giản
Nhấm nháp một hớp chè xanh còn nóng hổi, ông Lợi nói thêm: “Bản thân tôi cảm nhận được công việc trèo dừa thuê không dễ chút nào. Ngay cả những đấng mày râu như tôi sau một lần thử sức cũng phải lắc đầu bỏ chạy khiếp vía chứ đừng nói gì là phụ nữ. Tôi đã cố tập leo dừa hàng trăm lần với hy vọng có thể phụ giúp được phần nào công việc cực nhọc của vợ. Thế nhưng, cứ leo được vài mét, tôi lại sợ hãi bỏ cuộc. Vậy mà, vợ tôi đã gắn bó với cái nghề mạo hiểm này suốt 30 năm nay”.
Từ lời chia sẻ của ông Lợi, chúng tôi đã có cuộc thử nghiệm thực tế với những cây dừa đứng sừng sững trước nhà bà Mười Hai. Khi chúng tôi vừa leo lên được khoảng chừng 5m thì buộc phải tụt xuống với vận tốc gần như rơi tự do. Thậm chí, những vết xước đỏ in hằn trên bụng, mặt. Cuộc thử nghiệm thực tế giúp chúng tôi phần nào hiểu được nghề trèo dừa vất vả.

Dù tuổi đã lớn nhưng bà Mười Hai vẫn trèo dừa nhanh thoăn thoắt.

Cũng vì cái nghèo đeo bám nên bà Mười Hai mới chọn nghề mạo hiểm này. Lấy chồng năm 23 tuổi nhưng hai vợ chồng bà không có một mảnh đất cắm dùi. Và cũng từ đó, nghề trèo dừa thuê đã gắn bó với bà như một “định mệnh”. Nói về những khó khăn trong thời gian đầu đến với nghề, bà Mười Hai chia sẻ: “Những lần đầu tiên tập tành trèo dừa, đối với tôi giống như một cực hình. Bàn tay khô rát, còn đôi chân thì phỏng nước đau đớn vì những vết cứa của sợi dây kéo cũng như những miếng dăm nhỏ bám trên thân dừa. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng tập trèo dừa hết ngày này qua ngày khác. Sự kiên nhẫn suốt mấy tháng trời đã giúp cho tôi vượt qua những khó khăn của công việc trèo dừa”. 
Hàng ngày, bà Mười Hai trèo hái dừa thuê, còn chồng chở dừa đi bỏ cho các mối. Cuộc sống của hai vợ chồng bà cứ quần quật như vậy từ ngày này qua tháng khác. Khi ngoảnh mặt nhìn lại, bà Mười Hai không dám tin mình đã gắn bó với nghề trèo dừa suốt 30 năm qua. 
Người phụ nữ gắn bó nghề trèo dừa suốt 3 thập kỷ

Đôi bàn tay đã bị chai sạn và tàn úa sau 30 năm gắn bó với nghề trèo dừa.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Hai cho biết: "Vì gia cảnh khó khăn nên khi các con còn nhỏ tôi đành phải lấy nước gạo cho chúng uống để thay sữa. Nhiều khi con đói khóc, tôi xót xa đến thắt lòng nhưng chẳng thể xoay chuyển được tình thế. Cho đến bây giờ, các cháu đã lớn khôn và có gia đình nhưng kinh tế cũng chẳng khấm khá hơn được bao nhiêu". 
Gắn bó với nghề trèo dừa suốt ba thập kỉ, bà Mười Hai đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của cuộc đời. Hết lớp cây dừa này ngã xuống, lớp cây khác lại đứng lên nhưng chỉ riêng bà Mười Hai là vẫn còn đứng mãi. Vết bụi của thời gian trong 30 năm trời đã làm mờ đi miền ký ức của một bà lão nông dân. Bà không còn nhớ nổi trong đời mình đã từng trèo qua bao nhiêu cây và hái bao nhiêu quả dừa để làm thực phẩm phục vụ cho đời. 
Phạm Thị 
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Buổi sáng cứ ăn những món ăn này đường ruột ngày càng khỏe mạnh