Mẹ Việt gây sốt vì con lớp 5 nấu được mâm cơm tươm tất

2016-08-11 06:48
- Câu chuyện chị Thùy Anh (Hà Nội) chia sẻ về cô con gái học lớp 5 đã có thể tự chuẩn bị bữa cơm khá tươm tất đang gây chú ý trên mạng xã hội.

Trò chuyện với PV Emdep, chị Thùy Anh cho biết do được sinh ra trong một gia đình có mẹ khá nghiêm khắc nên từ bé chị đã được hướng dẫn rất nhiều kỹ năng về nấu nướng. Điều đó cũng ảnh hưởng tới cách chị dạy con mình sau này.

Ngay từ khi con gái mới lên 4-5 tuổi, chị Thùy Anh đã dẫn con vào bếp để tìm hiểu việc nấu nướng. Món đầu tiên mà con gái nấu là mỳ tôm. Từng bị người lớn tuổi trách móc có thể khiến con gặp nguy hiểm, chị Thùy Anh luôn hướng dẫn con cẩn thận, giám sát các việc con làm, khi yên tâm mới cho bé tự tay chuẩn bị mọi thứ.

"Tôi không muốn con thụ động, chỉ ngồi xem tivi hay chơi điện thoại. Tôi cũng hay đi công tác nên muốn con tự lập khi mẹ vắng nhà. Có thể con không vào bếp thì cũng cần tham gia các hoạt động như tập thể dục, đạp xe cùng bạn bè chứ không phải ngồi một chỗ", chị Thùy Anh nói.

fffffff

Con gái chị Thùy Anh cẩn thận làm theo những điều mẹ đã chỉ dạy (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bản thân chị Thùy Anh luôn xác định hướng con đến tình yêu với nữ công gia chánh chứ không ép buộc. Kinh nghiệm của chị là luôn biết động viên và khen con. Theo lời chị Thùy Anh, dù chỉ nhờ con nhặt rau hay giúp các việc lặt vặt, không bao giờ quên cảm ơn con đầy trìu mến. Mỗi khi còn làm hỏng bất cứ món gì, chị không bao giờ trách móc hay mắng mỏ. 

Phương châm hướng dẫn con các việc trong bếp của chị Thùy Anh là không vội vàng. Bởi chị cho con quan sát mẹ làm mọi việc, sau đó con sẽ tự làm và hỏi đến đâu sẽ giải đáp đến đấy.

fffffff

Mâm cơm mà con gái chị Thùy Anh chuẩn bị, dù đơn giản nhưng rất tươm tất (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chưa dừng lại ở ở đó, chị Thùy Anh còn đưa các con về vùng khó khăn để trải nghiệm. "Có khi vào những bản ở vùng cao, tôi cho con đi cùng và đưa kẹo để con tự chia cho các bạn nhỏ. Có hoàn cảnh nào đáng thương, tôi lại dừng một chút hỏi con về những suy nghĩ của bé. Bây giờ trẻ con thành phố sướng quá nên không biết trân trọng những gì đang có. Tôi muốn con phải hiểu thế nào là thiếu thốn, khó khăn", chị Thùy Anh tâm sự.

Dẹp bỏ những sai lầm khi nuôi con

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thu Hương (Giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Việc cho con vào bếp từ 4-5 tuổi như người mẹ nói trên đã thực hiện là điều nên làm. Ngay như gia đình tôi, con gái cũng vào bếp để học các kỹ năng cơ bản từ lúc 3-4 tuổi. Đến 5 tuổi, con học cách cạo cơm cháy trong nồi, rửa nồi sạch sẽ. Khi con tôi 7 tuổi có thể nấu bữa cơm đơn giản cho gia đình. Đến khi con tôi học lớp 5, bé không chỉ nấu được một bữa cơm mà còn có thể nấu 7-8 đĩa thức ăn trong một mâm cỗ để cúng hay dịp Tết nhất".

 

Mẹ Việt gây sốt vì con lớp 5 nấu được mâm cơm tươm tất

TS Vũ Thu Hương

Theo lời TS Vũ Thu Hương, phụ huynh phải xác định rằng trẻ không thể sống mãi trong vòng tay của gia đình. Khi phải sống một mình, xa nhà, các kỹ năng cơ bản như nấu nướng, thái thịt, rửa rau, dọn dẹp nhà cửa lại trở nên vô cùng cần thiết.

"Các kỹ năng cơ bản như vậy phải hướng dẫn trẻ càng sớm càng tốt", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh và cho biết từ 0-6 tuổi là thời điểm vàng để trẻ tiếp cận và được bố mẹ hướng dẫn những điều đơn giản trong cuộc sống. 

"Tại Đức, trẻ mầm non từ 2 tuổi đã được học cách cầm dao (cắt thức ăn khi ăn), dĩa. Đến 3-4 tuổi, trẻ tự ngồi vào bàn ăn, cầm đĩa đến nơi lấy cơm ở lớp học. Còn ở Việt Nam, vẫn còn hình ảnh các cháu mầm non dù 4-5 tuổi vẫn được giáo viên bày biện đồ ăn sẵn sàng trên bàn. Trong khi trẻ ở nước ngoài phải tự lập ngay từ việc đi lấy cơm, lấy đồ ăn...", chuyên gia nói.

 

Song song với việc giáo dục con tự lập sớm, TS Hương lưu ý bố mẹ cần phải có những lời động viên, khích lệ. Bản thân bố mẹ phải tập cho con từ những việc nhỏ nhất để con thấy trách nhiệm một phần phù hợp lứa tuổi với gia đình. 

"Để con thích thú với học các kỹ năng cơ bản hay làm việc nhà phù hợp lứa tuổi, bản thân bố mẹ phải tránh xa tivi, điện thoại để đồng hành cùng con. Bố mẹ phải tạo được sự hứng khởi, đam mê cho con. Đơn giản như khi cắt một lát dưa chuột, có thể nói "hôm nay cắt miếng dưa chuột có hình lạ quá" hay khích lệ bằng cách "con có muốn đập một quả trứng gọn gàng như mẹ không...". Bằng những lời nói, khích lệ như vậy sẽ giúp con thích thú với việc nhà", chuyên gia bật mí.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Váy dài tay bay bổng mùa xuân