Gặp cụ ông mù lòa bán bánh nuôi vợ

Thành Đạt 2015-06-16 07:45
- Dù bị mù nhưng ông Quang hàng ngày vẫn miệt mài cùng vợ bán từng cái bánh mưu sinh. Đối với ông, niềm vui là được lao động và thấy mình vẫn còn có ích cho đời.

Nỗi đau số phận và hành trình mưu sinh

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Trương Minh Quang (SN 1949) giữa trưa hè nắng nóng tại một con hẻm nhỏ khi ông và vợ đang miệt mài làm bánh để chuẩn bị cho một ngày bán mới. Tại đây, ông tâm sự về cuộc đời đầy trắc trở cùng mối lương duyên với người vợ hết lòng vì mình. Ông cho biết, quê ông vốn ở Tiền Giang, năm lên 9 tuổi vì mắc phải bệnh đậu mùa nên hai mắt của ông bị mù. Từ đó, cuộc sống của ông chìm trong bóng tối, có những lúc ông gục ngã và thấy cuộc đời thật bất công với mình.

Nhưng nhờ được sự thương yêu của cha mẹ, ông dần lấy lại được niềm tin trong cuộc sống và luôn phấn đấu để trở thành một người có ích. “Ngày đó mỗi lần nghe đám bạn nó chơi đùa mà tôi khóc thật nhiều. Rồi những lúc đi đứng đụng hết người này đến người khác càng khiến mình thấy bực bội trong người”, ông nói.

         Người đàn ông mù bán bánh nuôi vợ ốm: “Tôi thấy vui vì mình vẫn là người có ích cho cuộc sống”

Nhìn thấy con trai như vậy, bố mẹ ông quyết định cho ông theo học trường dành cho học sinh khiếm thị. Lên 12 tuổi, ông được đưa lên Tp.HCM để theo học các khóa kỹ năng dành cho nhưng người khiếm thị. Sau những năm tháng nỗ lực, cuối cùng ông cũng được về nhà. Từ đây, ông bắt đầu tự lo cho cuộc sống của mình. Nhưng cuộc sống ở quê khó khăn khiến ông một lần nữa lên lại thành phố để kiếm kế sinh nhai.

“Lúc mới về quê, tôi ở nhà với cha mẹ được một năm. Nhưng khi thấy mình cũng đã lớn cần phải làm gì đó mà tự sống, chứ không thể nào nhờ cha mẹ hoài được. Sau đó, tôi quyết định quay lại thành phố kiếm việc”, ông kể lại.

Lên lại thành phố, ở một mình ông xoay đủ nghề để kiếm sống. Nhưng mỗi lần kiếm việc là mỗi lần ông nhận được lời từ chối của người khác. Cuối cùng, ông quyết định đi bán vé số để kiếm cơm sống qua ngày. “Ở thành phố kiếm nhiều việc khác nhau nhưng không được, cuối cùng tôi quyết định lấy vé số đi bán”, ông nhớ lại.

Thế nhưng mọi thứ không hề dễ dàng với ông, khi mà một người mang tật đi bán từng tấm vé số. “Lúc mới đầu đi bán, mọi thứ cũng êm xuôi nhưng dần dà khi đi bán lâu thì bị người ta giật vé số. Có ngày tôi bị giựt hai đến ba lần, mỗi lần như vậy mình cũng không biết làm gì ngoài việc đành chấp nhận”.

Mối lương duyên với người vợ

Những ngày rong ruổi khắp nơi bán vé số, ông gặp được bà Nguyễn Thị Cưu (SN 1947) người con gái hiền lành bán bánh thửng bên đường. Sau những lần trò chuyện, cả hai nảy sinh tình cảm và yêu đương.

Ông nói: “Khi đó đi bán vé số tôi cứ hay ghé qua chỗ của bà này bán bánh thửng. Cứ trò chuyện qua lại nhiều lần, nào ngờ yêu nhau khi nào cũng không biết. Nhiều lúc cũng thấy sợ vì không biết mình có mang lại hạnh phúc cho người mình yêu không”.

Sau những ngày quen nhau, bà cũng dẫn ông về ra mắt và mong muốn lấy ông làm chồng. Nhưng cha mẹ bà liền phản đối vì không thấy được tương lai gì khi gã con gái cho một người khiếm thị. Nhưng nhờ sự kiên trì, cuối cùng bà và ông cũng đến được với nhau.
        Người đàn ông mù bán bánh nuôi vợ ốm: “Tôi thấy vui vì mình vẫn là người có ích cho cuộc sống”

Bà Cưu người vợ một lòng một dạ vì chồng mình.

Nhắc lại chuyện, bà Cưu chỉ biết cười và nói: “Cái duyên cái số nó dính vào người rồi. Lúc đó, thấy cảm mến rồi yêu chứ không nghỉ ngợi gì nhiều. Mới đầu lấy nhau cũng khó khăn, nhưng hai vợ chồng ai cũng cố gắng nên dần dần cũng vượt qua được hết”.

Sau khi cưới vợ về, thấy công việc bán vé số không còn thuận lợi nên ông chuyển sang bán bánh cùng vợ. Ông cho biết thêm, lúc đầu đi bán ông đi khắp nơi, có những hôm đi bán rồi lạc xuống tới tận quận 2. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông luôn cố gắng làm sao bán được 80 cái bánh để có đủ tiền sinh hoạt.

Hạnh phúc của hai vợ chồng khi lần lượt hai người con trai chào đời. Nhưng rồi hạnh phúc cũng ngắn ngủi khi mà người con trai lớn mắc bệnh rồi qua đời. “Giờ tôi chỉ biết trông chờ vào con trai út, nhưng thấy nó làm cũng đủ ăn nên tôi cũng ít khi nhờ vả”.

Nói đến mong muốn của mình, giờ đây ông chỉ mong sao hai vợ chồng thật sự khỏe mạnh. Có một ngôi nhà nhỏ để an hưởng tuổi già khi không còn đi làm được nữa. “Ngôi nhà đang ở đây lúc trước là của tôi. Nhưng vì vợ bệnh, nên đem bán để có tiền chạy chữa. Giờ mỗi tháng tôi thuê lại với giá 1 triệu”, ông Quang cho biết.

Thành Đạt
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trẻ nhỏ sinh vào 7 ngày này, tương lai thành danh, bố mẹ mở mày mở mặt