Cụ bà nói tiếng Anh siêu đẳng, bán bánh nuôi chồng ốm đau

Khương Mỹ 2016-01-18 09:00
- “Nữ hoàng bánh đập” là danh hiệu mà nhiều du khách khen tặng cho bà Phạm Thị Hát (67 tuổi, trú P. Thanh Hà, TP. Hội An, Quảng Nam).
Gần nửa thế kỷ bán bánh đập
Hàng chục năm nay, có lẽ người dân và du khách đến Hội An đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão tóc bạc phơ gánh đôi thúng đựng bánh đập ra cây đa đầu làng gốm Thanh Hà để bán. Nhưng ít ai biết được, đằng sau gánh bánh nức tiếng ấy là cả một câu chuyện cảm động về sự tần tảo, đức hi sinh vì chồng con của “nữ hoàng bánh đập U70”. 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, lại đông anh em nên từ nhỏ bà Hát đã không được học hành. Được mẹ truyền dạy cho nghề bán bánh đập nên năm 18 tuổi bà Hát đã tự mình quẩy đôi quang gánh đi bán bánh đập ở phố cô Hội An.
Bà lão gần nửa thế kỷ nói tiếng Anh, bán bánh đập nuôi chồng và 5 người con

Bà Hát đã gắn bó với nghề bán bánh đập ở Hội An gần nửa thế kỷ

Vốn là người không biết chữ nhưng khách hàng đến ăn bánh của bà chủ yếu là người nước ngoài. Lúc đầu, bà Hát phải nhờ những người biết tiếng Anh phiên dịch giúp, nhưng về sau, bà học lỏm và bắt đầu tập nói bập bẹ được vài từ tiếng Anh giao tiếp. Cứ thế, tiếp xúc với ngày càng nhiều du khách Tây, đến bây giờ bà Hát đã có thể nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ thực thụ.
Bây giờ, khi Hội An trở thành thiên đường du lịch, khách du lịch nước ngoài đổ về ngày càng đông, với vốn liếng tiếng Anh có được, bà Hát không chỉ dùng để phục vụ cho việc bán bánh đập của mình mà bà còn thường xuyên giới thiệu cho du khách biết về văn hóa và con người Hội An.
Bà lão gần nửa thế kỷ nói tiếng Anh, bán bánh đập nuôi chồng và 5 người con

Điều làm nên vị ngon đặc biệt cho món bánh đập của bà Hát chính là cách pha chế nước chấm theo công thức gia truyền riêng 

Bà Hát có 7 người con nhưng hai người đã chết, chồng bà chẳng may bị tai nạn nên phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống đến vệ sinh đều phải nhờ đến đôi bàn tay của bà chăm sóc. Mọi gánh nặng gia đình mấy chục năm nay đều đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà. Cũng chính nhờ gánh bánh đập mà bà Hát đã gồng gánh bán buôn kiếm tiền thuốc thang cho chồng và nuôi 5 người con trưởng thành. Có lẽ vì vậy mà nhiều người dân phố Hội đã ví bà Hát với hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng… “.
Hồi chưa bị tai nạn, ông ấy đi làm để cùng tôi chăm lo cho đàn con ăn học, nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khiến ổng phải nằm một chỗ. Từ đó mọi chi phí trong gia đình đều phải do một tay tôi xoay sở. Cũng may có trong tay nghề bán bánh đập do mẹ truyền dạy cũng như vốn tiếng anh học lóm được khi tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên mấy chục năm nay tôi mới chăm lo cho gia đình được… “, bà Hát thật thà nói.
Để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách
Để có được những gánh bánh đập thơm ngon và mang đậm hương vị quê nhà, hàng ngày, bà Hát phải thức dậy từ lúc 1 giờ sáng để xay bột và tráng bánh. Sau đó lo cơm nước cũng như vệ sinh cho chồng xong xuôi rồi bà mới gánh hàng đi bán.
Bà lão gần nửa thế kỷ nói tiếng Anh, bán bánh đập nuôi chồng và 5 người con

Bánh tráng được bà đặt làm riêng ở một lò bánh nổi tiếng tại Điện Bàn (Quảng Nam) 

Theo như chia sẻ của những thực khách, một phần làm nên vị ngon của bánh đập do bà Hát chế biến chính là phần nước chấm. Nước chấm được bà Hát pha chế rất công phu theo bí quyết gia truyền với nhiều vị chua, ngọt, cay hòa quyện với nhau. Có lẽ chính vì vậy mà dù nằm cách xa khu trung tâm phố cổ, lại ở ít người qua lại, nhưng gánh hàng rong của bà Hát vẫn luôn luôn đông khách.
Trong phố cổ cũng có rất nhiều người bán bánh đập nhưng trước khi đến tham quan tôi đã được bạn bè giới thiệu nên đến tiệm của bà Hát ăn thì mới ngon. Hôm nay tôi đã đạp xe từ phố cổ đến tận đây hơn 5 km để được thưởng thức món bánh đập ngon nức tiếng này và quả thật đúng là danh bất hư truyền. Bánh đập ở đây vừa ngon tuyệt mà lại rẻ nữa chứ…”, chị Trần Thị Ly, khách du lịch đến từ Sài Gòn, chia sẻ.
Bà lão gần nửa thế kỷ nói tiếng Anh, bán bánh đập nuôi chồng và 5 người con

Bà Hát được nhiều du khách yêu mến gọi với cái tên "Nữ hoàng bánh đập" Hội An 

Đứng dậy trả tiền sau khi đã thưởng thức xong 5 chập bánh, anh Gabriella, du khách đến Anh, cho biết, đây là lần thứ 3 chị quay trở lại Hội An để du lịch và cũng là lần thứ 3 anh tìm đến thưởng thức món bánh đập của bà Hát. “Tôi thường xuyên ghé đến đây ăn bánh vì bánh ở đây có mùi vị rất thơm ngon và mùi vị đặc biệt, khác hẳn với những nơi khác, bà lão bán bánh cũng rất thân thiện… Tôi cầu mong cho bà lão được sống khỏe mạnh để những năm tiếp theo tôi có thể trở lại đây để thưởng thức tiếp những cái bánh đập thơm ngon của bà” .
Cụ bà nói tiếng Anh siêu đẳng, bán bánh nuôi chồng ốm đau

Món bánh đập mang đậm hương vị quê hương của bà lão giỏi tiếng anh chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách 

Trung bình một ngày bà Hát bán được gần 400 chiếc bánh, tuy bán được số lượng nhiều nhưng bà Hát chỉ lãi được chưa đến 100.000 đồng. Bởi mỗi chiếc bánh bà chỉ 2.500 đồng, rẻ hơn các quán khác ở Hội An với giá 4 đến 5 ngàn đồng/cái. Số tiền lời kiếm được, bà Hát dùng để chữa bệnh cho chồng và lo ngày ba bữa ăn cho cả gia đình.
Chúng tôi nói lời chia tay cũng là lúc một đoàn khách nước ngoài vừa đến để thưởng thức những chiếc bánh đập của bà Hát. Nhìn hình ảnh một bà lão có nụ cười phúc hậu vừa cẩn thận cuốn từng chập bánh, vừa nói chuyện bằng tiếng anh rôm rả với khách, lòng tôi bỗng trào dâng một niềm vui khó tả khi nghĩ rằng chính những người như bà Hát đã làm nên cái hồn mộc mạc của phố cổ Hội An và chắc chăn sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách…
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 cung hoàng đạo xinh đẹp ngời ngời lại tài năng xuất chúng khiến ai cũng ngưỡng mộ