Con phát bệnh vì bố mẹ gây áp lực, học sinh cáu gắt khi bạn hơn điểm

2016-05-24 09:18
- Cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái, luôn sắp đặt con đường đi sẵn cho con hay bắt con học quá nhiều… vô tình dẫn tới con bị rối loại tâm lý, trầm cảm nặng.

Học sinh ngoan trở nên cứng đầu “nổi loạn”

Lê Ngọc Anh đang học sinh lớp 12 tại Hà Nội, trước đây Anh đã từng là một đứa trẻ ngoan, học sinh giỏi. Thời gian gần đây em có dấu hiệu rối loạn về tâm lý. Lâu dần, Ngọc Anh không còn hứng thú trong học tập.

Anh Nam, bố Ngọc Anh cho biết: “Dấu hiệu buồn chán, bỏ bê học hành và xa lánh bố mẹ của cháu cũng chỉ mới xuất hiện. Cháu có thái độ không hợp tác, bởi luôn cho rằng bố mẹ đang kiểm soát. Do cháu học nhiều căng thẳng tôi muốn thể hiện sự quan tâm bằng cách chở cháu đi học, khi cháu đi về muộn bố mẹ gọi hỏi thì con cho rằng đang theo dõi cháu”.

Bố của Ngọc Anh khẳng định với bác sĩ về việc gia đình không hề gây áp lực với con trong chuyện học tập hay thi cử. “Tôi định hướng cho con một là sau khi học xong cấp 3 gia đình sẽ cho con đi du học nước ngoài. Định hướng thứ hai của tôi muốn cháu thi vào trường nơi bố đang giảng dạy”, anh Nam nói.

Con phát bệnh vì bố mẹ gây áp lực, học sinh cáu gắt khi bạn hơn điểm

Rối loạn tâm lý trước thi và sau khi thi đại học đang có xu hướng gia tăng trong học sinh (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Khám bệnh - Cận Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương: “Cách mà anh Nam kỳ vọng và định hướng tương lai cho con vô hình đã gây ra ức chế tâm lý cho đứa trẻ. Thực chất anh Nam đang nhào nặn con và điều khiển con theo ý của mình. Khi con không đi theo con đường anh vẽ ra. Dù không biểu hiện bằng vũ lực ép buộc con nhưng dùng cách “mưa dầm thấm lâu” nói và phân tích những điều bố mẹ đưa ra, tuy nhiên anh chưa thấu hiểu được cảm xúc của con, mong muốn của con là gì và ước mơ của con ra sao…”

“Đã lâu lắm rồi cháu đã không biết đến ước mơ của mình là gì?…”

Dù không bị cha mẹ gây áp lực phải học hành nhưng Ngọc Anh lại bị áp lực từ chính danh tiếng của mẹ. Vì mẹ em là người có địa vị và học vị cao trong xã hội nên em cứ phải gồng mình để đạt được điểm cao.

Cũng từ đó mà mâu thuẫn trong gia đình, cách ứng xử của bố mẹ với người thân khiến cho em càng mất đi niềm tin vào cuộc sống. Em thường nghĩ ra cách làm cho mình đau đớn để quên đi những buồn phiền trong lòng. “Cháu không biết ước mơ của cháu là gì. Cháu cũng không nhớ nổi lần cuối cùng ước mơ của cháu là gì?” – Ngọc Anh chia sẻ với bác sĩ.

Bác sĩ Sáu cho biết: “Áp lực của Ngọc Anh không phải học nhiều hay quá mệt về ôn thi… Áp lực dẫn đến sự buồn phiền, dễ cáu giận, bức bối khó chịu không hài lòng với mọi thứ xung quanh  đến từ bố mẹ. Thứ nhất là do sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ. Thứ hai là cách định hướng học để làm vừa lòng gia đình. Chứ việc học tập không xuất phát từ niềm đam mê. Trong khi người lớn cứ mải mê định hướng con đường tương lai cho con, lại quên đi những ước mơ của con. Khi những khát khao và mơ ước của trẻ thì không được đáp ứng... khiến cho cậu bé dễ nóng giận và không kiểm soát được mình”.

Cũng theo bác sĩ Sáu, trường hợp trầm cảm của Ngọc Anh là không hề hiếm. Bác sĩ đã khám cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải vấn đề khi học hành căng thẳng, áp lực thi cử dẫn tới trầm cảm. Nhưng phía gia đình nghĩ các em không sao dù đã có dấu hiệu khép mình xa lánh người thân. 

Tâm lý ganh đua

Việc rối loạn tâm lý của trẻ không chỉ đến từ việc học nhiều, áp lực kỳ vọng từ gia đình mà nó đến từ chính bản thân đứa trẻ muốn ganh đua hơn kém với bạn. Thạc sĩ, bác sĩ Quách Thúy Minh, Trung tâm tư vấn điều trị Tâm bệnh, Bệnh Viện Quốc tế Vinmec cũng đã tiếp xúc với một trường hợp bệnh nhân rất đặc biệt. Trường hợp của em Mai đang là học sinh lớp 12 thường xuyên có thái độ cáu gắt với bố mẹ nhưng khi bình tĩnh lại cảm thấy mình có lỗi.

Theo bác sĩ, tâm lý này xảy ra khi trong lớp có bạn hơn điểm. Lúc đó, em học sinh nói trên thường có cảm giác khó chịu, bực tức, ăn rất nhiều, la hét và làm cho bản thân bị đau đớn. Tuy nhiên, khi đi ra ngoài tiếp xúc với mọi người rất bình thường. Theo bác sĩ Quách Thúy Minh, đây một trong những biểu hiện rối loạn tâm lý do bản thân đứa trẻ tự gây áp lực cho mình.

Bác sĩ chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết trầm cảm sớm ở học sinh

Tâm trạng: Buồn chán, cáu giận hoặc kỳ cục

Cảm giác: Tuyệt vọng, thấy vô dụng, có lỗi, tự ti, ít quan tâm tới hoạt động  nhà trường

Thiếu sinh lực, thiếu nhiệt tình, khó tập trung chú ý

Xa lánh người lớn, giao tiếp kém

Thường xuyên nghĩ tới các chết, gây tổn hại cho bản thân, tự tử

Thấy khó chịu trong cơ thể: đau đớn, nhức nhối, tức giận, hận thù, nguy hiểm, la hét, bật khóc Kết quả học tập sa sút

Dễ nghiện rượu bia, chơi game, chơi với bạn bè xấu…

Mời quý độc giả đón đọc kỳ sau để nghe bác sĩ cảnh báo về rối loạn tâm lý ở trẻ đáng lo ngại như thế nào trên Emdep.vn lúc 7h ngày 25/5/2016.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thịt gà xé phay trộn thêm nguyên liệu này, ngon cuốn lưỡi, chẳng cần ra ngoài hàng