Chấn động vụ 26 tỉ, kế toán phủ nhận ký giả mạo

2016-08-26 16:54
- Liên quan vụ “26 tỉ đồng trong tài khoản biến mất”, nhân viên kế toán phủ nhận giả mạo chữ ký bà Trần Thị Thanh Xuân - giám đốc Công ty Quang Huân.

Ngày 25-8, ông Phạm Văn Trinh - nguyên kế toán Công ty Quang Huân, người bị bà Trần Thị Thanh Xuân (giám đốc Công ty Quang Huân) cáo buộc đã cấu kết với một số cán bộ, nhân viên của VPBank rút tiền trong tài khoản của công ty - đã lên tiếng phủ nhận những gì mà bà Xuân cung cấp trong vụ “26 tỉ đồng biến mất trong tài khoản” (Tuổi Trẻ 25-8).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trinh thừa nhận chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, nhưng là do bà Xuân nhờ. “Bà Xuân nói tôi ký tạm rồi ngày hôm sau sẽ làm thủ tục đổi chữ ký lại. Nhưng hôm sau khi tôi lấy giấy tờ từ ngân hàng (NH) về để làm thủ tục đổi chữ ký lại, bà Xuân đổi ý nói thôi để chữ ký của tôi vì tôi thường xuyên đi giao dịch NH, cứ để như vậy để khi nào cần rút nộp tài khoản thì dễ thực hiện” - ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, trong quá trình làm tại công ty, ông đã nhiều lần thực hiện rút/nộp tiền ở tài khoản này theo yêu cầu của bà Xuân. Mỗi lần nộp hay rút tiền đều đi 3-4 người bằng xe của gia đình bà Xuân và có sự giám sát của con bà Xuân. Tiền sau đó đem về giao cho bà Xuân hoặc nộp vào tài khoản tại NH khác. “Với séc, tôi mua giùm rồi đem về đưa cho bà Xuân giữ, khi cần mới xé ra từng tờ để sử dụng” - ông Trinh cho biết thêm.

Chấn động vụ 26 tỉ, kế toán phủ nhận ký giả mạo

 Bà Xuân cho rằng bị giả chữ ký trên chứng từ giao dịch với ngân hàng 

Trong khi đó, bình luận vụ việc này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có lỗ hổng trong vấn đề chữ ký chủ tài khoản. Theo ông Hiếu, dù NH Nhà nước (TT 23/2014) quy định đối với việc mở tài khoản thanh toán của tổ chức, NH không phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản nhưng trách nhiệm của NH là phải đối chiếu, đảm bảo khớp đúng giữa dấu, chữ ký của chủ tài khoản trên hợp đồng với mẫu dấu, mẫu chữ ký của chủ tài khoản trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán.

“Tại sao chữ ký trong hồ sơ đăng ký mở tài khoản không phải của chủ tài khoản mà là chữ ký của người khác? Khi đồng ý cho mở tài khoản, NH có thực hiện theo đúng quy định là đảm bảo khớp đúng chữ ký của chủ tài khoản hay chưa?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Đồng thời cho rằng dù khách hàng không cần ký trước mặt NH nhưng NH phải kiểm tra để đảm bảo đúng là chữ ký của chủ tài khoản bằng cách so sánh với các văn bản khác. Với các giao dịch không do chủ tài khoản thực hiện mà ủy quyền cho người khác, theo ông Hiếu, phải có giấy ủy quyền.

Trong khi đó, giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH lớn tại TP.HCM cho rằng về nghiệp vụ, nhân viên NH không chỉ kiểm tra chữ ký mà còn kiểm tra cả chữ viết khi giao dịch, bởi có thể giả được chữ ký nhưng rất khó giả chữ viết.

“Với khách hàng lớn, nếu giao dịch thường xuyên ở một chi nhánh thì nhân viên NH có thể nhận diện được. Nếu người giao dịch là người được ủy quyền phải có văn bản, giấy tờ thể hiện và trên đó phải có chữ ký của người ủy quyền và người được ủy quyền” - vị này nói.

Cũng theo vị này, séc là giấy tờ có giá nên việc quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, NH phải theo dõi trên hệ thống séc đã cấp cho khách hàng nào, khi sử dụng phải kiểm tra chữ ký số dư tài khoản và gọi điện thoại xác nhận với chủ tài khoản.

Giấy in séc cũng là mẫu giấy đặc biệt, có yếu tố chống giả. Việc mua séc phải do người có trách nhiệm của công ty thực hiện, nếu giao cho nhân viên thì phải có giấy ủy quyền. Nhân viên NH không được tự ý nhận séc giùm cho khách hàng.

“Trong trường hợp này, DN cũng có phần lỏng lẻo vì không theo dõi tài khoản thường xuyên để kịp thời phát hiện nếu thấy vấn đề bất thường. Hơn nữa, DN thường có kết sổ cuối tháng vì sao tài khoản biến động như vậy mà mãi sau mới phát hiện” - vị này nói thêm.

Theo Tuổi Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giấu nhẹm khuyết điểm đôi chân thô kệch với 3 kiểu quần dài đơn giản này