Cặp vợ chồng khiếm thị cưu mang 50 mảnh đời bất hạnh giữa Tp.HCM

Hoàng Trung 2016-05-21 08:20
- Tuy không có một đôi mắt lành lặn nhưng đôi vợ chồng khiếm thị Đến – Loan đã không ngừng vượt khó vươn lên, để rồi hôm nay ngoài tự lo cuộc sống cho bản thân còn giúp đỡ những số phận kém may mắn.

Chuyện tình của đôi vợ chồng khiếm thị

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, nhắc đến đôi vợ chồng anh Nguyễn Văn Đến (46 tuổi, quê gốc Trà Vinh) và chị Bùi Thị Kim Loan (42 tuổi, quê gốc Khánh Hòa) hầu như người dân địa phương này đều biết. Bao năm qua đôi vợ chồng khiếm thị này khiến không ít người nể phục bởi ý chí, nghị lực và tình yêu đẹp như trong truyện cổ tích của họ.

Cặp vợ chồng khiếm thị cưu mang 50 mảnh đời bất hạnh giữa Tp.HCM

Anh Đến và Chị Loan là đôi vợ chồng khiếm thị giàu nghị lực được nhiều người nể phục

Tiếp chúng tôi trong mái ấm nhỏ do hai vợ chồng tự lập ra để cưu mang những người bất hạnh, khi chúng tôi hỏi về câu chuyện của hai vợ chồng thì chị Loan có vẻ hơi ngượng ngùng. Ngồi suy nghĩ một hồi lâu chị Loan cho biết, vào thời điểm năm 1995 khi đó chị còn đi học văn hóa thì có đến phòng trọ một người bạn chơi. Qua mai mối từ một số người sống chung xóm trọ, chị Loan gặp anh Đến dù bị khuyết tật nhưng có thể đàn hay, hát giỏi.

Chị Loan nhớ lại: "Ban đầu nghe nói về người thanh niên mù lòa nhưng đàn hay, hát giỏi nên tôi cũng thấy rất ngạc nhiên. Sau khi nghe anh ấy hát, tôi thấy cảm phục tài năng. Lâu dần tôi cảm thấy mê tiếng hát nên lúc rảnh tôi hay tìm đến bầu bạn, kể chuyện cho nhau nghe. Sau nhiều lần trò chuyện chúng tôi thấy hợp nhau rồi yêu nhau lúc nào cũng không biết”.

Quen nhau khoảng được một năm thì hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của hai bên gia đình. Gia đình bên nội cho rằng, anh Đến bị tật nguyền nhưng vẫn có khả năng lo toan, làm ăn. Gia đình anh muốn anh tìm được 1 người phụ nữ lành lặn để lo cho cuộc sống sau này chứ không muốn anh tiếp tục cưới một người phụ nữ cùng chung cảnh mù lòa.

Dù cuộc hôn nhân vấp phải sự phản đối, nhưng rồi đám cưới vẫn được diễn ra. Ngày tổ chức lễ cưới, không có bố mẹ nhà trai làm chủ hôn, đôi vợ chồng trẻ phải nhờ một người họ hàng xa của chú rể đến. Tuy nhiên, ít ai có thể nghĩ rằng đôi vợ chồng mù có thể vượt qua nghịch cảnh để đi đến bến bờ hạnh phúc mai sau.

Sau ngày cưới, 3 đứa con của anh chị ra đời. May mắn thay, cả 3 đứa trẻ đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Nhìn thấy vợ chồng sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau và có những đứa cháu nội khỏe mạnh nên gia đình anh Đến cũng dần dần chấp nhận chị Loan và yêu thương chị như con trong nhà.

Mái ấm của những người cùng khổ

Sau khi cưới nhau, anh Đến quyết định bỏ nghề bán vé số và đi theo học nghề đàn, nhạc theo niềm đam mê trước kia của mình. Do đã có khiếu đam mê âm nhạc nên học chẳng bao lâu thì anh Đến biết đàn thành thạo.

Khi đã có nghề trong tay anh Đến bắt đầu sống bằng nghề đàn hát mà vốn dĩ mình đã yêu thích từ lâu. Sau nhiều năm làm ăn tích góp, đến năm 2012 vợ chồng anh Đến, chị Loan quyết định mở một quán cà phê để kinh doanh. Vào thời điểm này, anh Đến biết được một số người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa anh đều giúp đỡ và tạo điều kiện cho về quán mình tá túc qua đêm. Lâu dần anh còn dạy một số người bán vé số, chơi đàn, hát,...

Khi cuộc sống đã dần ổn định, anh Đến bắt đầu có ý tưởng thành lập một mái ấm để cưu mang những người có hoàn cảnh khó khăn và giúp họ có công ăn việc làm. Khi anh đề xuất ý kiến này với chị Loan thì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía vợ. Ngay sau đó, vợ chồng anh đã thành lập một mái ấm lấy tên là “Mây Bốn Phương”

Chia sẻ với chúng tôi về cái tên gọi mái ấm Mây Bốn Phương, anh Đến cho biết, vợ chồng anh xem mỗi phận người có số phận không may là một áng mây lẻ loi trên bầu trời. Ước mơ của vợ chồng anh là được tập hợp những áng mây đó lại để có thể đùm bọc cưu mang lẫn nhau. Mây Bốn Phương sẽ là nơi tụ họp của những hoàn cảnh khó khăn để đây thật sự là một gia đình lớn của những mảnh đời bất hạnh.

Hiện tại, mái ấm Mây Bốn Phương là nơi nuôi dưỡng hàng chục trẻ em, những người có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Ngoài việc, dạy nhạc cho những người này, vợ chồng anh Đến còn mở cả dịch vụ cho thuê âm thanh và phục vụ văn nghệ cho các dịp lễ lớn để kiếm thêm thu nhập. Lâu dần mái ấm Mây Bốn Phương thật sự đã trở thành một tổ ấm mơ ước của những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Khi nhắc đến vợ chồng anh Đến, chị Loan, ông Nguyễn Văn Lãm (cán bộ ấp Phú Hòa) cho biết: “Ở địa phương hiếm có cặp vợ chồng nào được như vợ chồng anh Đến, chị Loan. Ngoài việc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương thì họ là những tấm gương đi đầu trong ấp. Mái ấm của họ cũng là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Bản thân tôi nhận thấy đây là đôi vợ chồng rất tốt để mọi người noi gương”.

Hoàng Trung

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Kem chống nắng NGON - BỔ - RẺ dành cho HS-SV