Nhà 5 người, tiêu 3 triệu/tháng: "Ăn gì nổi với 5.000 đồng/bữa"

2016-07-06 08:53
- Sau khi cách chi tiêu "cao thủ" của một bà nội trợ lan truyền trên mạng, nhiều người tự đặt câu hỏi ăn gì với 60.000 đồng/ngày cho 4 người lớn.

Những ngày qua, các bà nội trợ xôn xao với bà mẹ "cao thủ" chi tiêu 5 người chỉ tốn 4,3 triệu đồng/tháng và tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng. Sự vun vén đến mức khó tin này "gây bão" trên mạng. Không ít ông chồng chê trách vợ không biết co kéo, còn nhiều bà vợ tự đặt câu hỏi cách tối ưu nào đã giúp bà mẹ bỉm sữa tiêu tiết kiệm đến mức đáng kinh ngạc.

Nhìn bảng chỉ tiêu được đăng tải trên mạng xã hội, chị Thương (Đống Đa, Hà Nội) tự truy vấn bản thân không hiểu vì sao gia đình này có thể tiêu tiết kiệm đến mức như vậy. Theo lời chị Thương, thu nhập hai vợ chồng chị mỗi tháng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ tất cả các khoản chi tiêu như: tiền học cho con, tiền ma chay cưới hỏi, tiền ăn uống, tiền hoa quả, tiền xăng xe và điện thoại, mua sắm...cũng chỉ dư được 1-2 triệu đồng đã là cả một sự cố gắng. Thậm chí như tháng Tết Nguyên đán cần chi tiêu nhiều, chị Thương còn phải "giật gấu vá vai", cố gắng dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu.

Nhà 5 người, tiêu 3 triệu/tháng: 'Ăn gì nổi với 5.000 đồng/bữa'

Cách chi tiêu gây "bão mạng" của mẹ Sâu

"Theo cách chi tiêu của bà mẹ bỉm sữa đăng tải trên mạng xã hội, mỗi ngày chỉ tiêu hết 60.000 đồng tiền ăn cho 4 người lớn/ngày là điều không tưởng. Tính chi li với 60.000 đồng chia cho 4 người mỗi ngày tức là mỗi người chỉ có 15.000 đồng/ngày. Mỗi ngày có 3 bữa như vậy trung bình mỗi bữa chỉ tốn 5.000 đồng. Ăn gì nổi với 5.000 đồng/bữa. Nếu ăn xôi buổi sáng còn có vẻ hợp lý, còn hai bữa trưa và chiều mà ăn 5.000 đồng thì tôi chưa hình dung sẽ ăn gì. Cơm văn phòng hay cơm sinh viên rẻ nhất cũng đã 15.000 đồng - 20.000 đồng/suất. Bữa tối chỉ có 5.000 đồng/người, chắc chỉ ăn rau luộc hoặc trứng luộc mới đủ", chị Thương nói.

Trong khi đó, không ít người lại đặt câu hỏi, theo bảng chi tiêu được liệt kê chỉ mới là ăn uống và một số khoản lớn, còn cuộc sống có rất nhiều phát sinh khác.

"Tiền thuốc của con mà chỉ 100.000 đồng thì tôi không biết dùng thuốc gì nữa. Khi con bị ốm, nếu đưa con đi bác sĩ khám cũng đã phải tốn trên dưới 100.000 đồng tiền khám, chưa kể thuốc kháng sinh kèm theo phải ít nhất 200.000 đồng - 300.000 đồng. Ngoài tiền thuốc còn phải tiền bồi dưỡng cho con nữa. Bố mẹ phải mua hoa quả, thịt gà hầm hay cháo bồ câu để con bồi dưỡng lấy lại sức cũng tốn thêm 100.000 đồng -200.000 đồng/bữa chứ không đùa", anh Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt câu hỏi.

Mỗi tháng chồng chị Thảo (Hà Đông, Hà Nội) đưa cho 4 triệu đồng cộng với 4 triệu đồng chị trích từ tiền lương của mình, dù co kéo đến mấy cũng chỉ đủ "cầm cự" đến kỳ lương mới.

"Nhà tôi chỉ có 3 người, trong đó có 2 vợ chồng mà bữa sáng cũng tốn tới 50.000 đồng, trưa và chiều nếu tiết kiệm đến mấy cũng tốn 40.000 đồng - 60.000 đồng/bữa. Như vậy tính ra một tháng, riêng tiền ăn đã tốn tới 1,5 triệu đồng cho bữa sáng và ít nhất 1,2 triệu đồng - 1,8 triệu đồng cho bữa trưa và tối. Tổng cộng tiền ăn đã tốn ít nhất gần 3 triệu đồng. Trong khi còn có tiền học cho con 1 triệu đồng/tháng ở trường công lập, rồi bao nhiêu thứ gia vị mắm, muối, tiền điện nước, tiền gas....", chị Thảo lắc đầu ngao ngán.

Cả nhà không bao giờ ăn hoa quả!?

Hầu hết các bà nội trợ cho rằng, tiền ăn không đáng bao nhiêu nhưng tiền tiêu pha hàng ngày mới là vấn đề gây ra tốn kém. Bởi, mỗi ngày có rất nhiều khoản phát sinh. Nhìn thực đơn của bà nội trợ chi tiêu "cao thủ" được lan truyền trên mạng xã hội, chị Thủy (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) tự đặt câu hỏi "Vậy gia đình này chỉ ăn mỗi cơm và thức ăn rất rẻ tiền hoặc ăn rất đạm bạc rau dưa qua ngày với mức chi phí 60.000 đồng/người/ngày chia cho 3 bữa?".

Theo lời chị Thủy, ngoài tiền cơm, thức ăn còn phải bổ sung dinh dưỡng bằng các cách khác như hoa quả, sữa, thậm chí cuối tuần có thêm món cải thiện cho gia đình. "Không thể cả tuần chỉ ăn cơm, rau dưa như vậy được. Cuối tuần bà nội trợ phải tự cải thiện trên cơ sở số tiền mình có để chi tiêu chứ. Chưa kể là hàng ngày còn phải mua hoa quả để cả nhà tráng miệng, trời nóng còn ăn sữa chua, các loại nước giải khát. Cho nên tôi nghĩ đây là các khoản chi tiêu lớn có thể liệt kê, còn vô số hóa đơn khác phải thanh toán và tiền phát sinh lẻ tẻ chưa được đưa ra", chị Thủy nói.

Còn anh Phi (Quận 12, Tp.HCM) cho rằng, chưa thể nhìn vào một bảng liệt kê chi tiêu như vậy mà các bà nội trợ hay các ông chồng vội xuýt xoa và bắt đầu "ca cẩm" về việc tiêu tiền của gia đình. Bởi nếu chi tiêu như vậy, cả nhà sẽ thiếu chất vì ăn mỗi bữa có 5.000 đồng sẽ không đủ no và không đủ chất.

"Tiền xăng 200.000 đồng cho 2 vợ chồng là hợp lý nếu như gia đình này ở ngay cạnh công ty. Nếu đi lại 5-10km chỉ để đi làm cũng tốn tới 300.000 đồng - 400.000 đồng, đó là chưa nói đi xe máy để về quê, đi đám cưới, sang nhà bạn bè hay họ hàng chơi", anh Phi phân tích một chi tiết.

 Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trẻ sinh giờ này, phúc lộc vô biên, bé trai thông minh, tài giỏi, bé ngoan ngoãn, hiếu thảo