Giá điện vừa tăng, người thuê trọ "méo mặt"

2015-03-30 08:15
- Từ khi giá điện tăng thêm 7,5% cũng là lúc nhiều chủ phòng trọ viện cớ tăng giá điện.
Người thuê trọ đau đầu
Tình trạng giá điện tại các khu trọ thu với giá cao đã tồn tại nhiều năm nay. Dù bức xúc vì bị ép giá nhưng sinh viên và người lao động không còn lựa chọn nào khác bởi ở hầu hết các khu trọ đều như vậy.
Từ ngày 16/3, EVN đã tăng giá điện thêm 7,5% tức là tăng hơn 1.600 đồng/kWh. Như vậy, với giá điện bán lẻ cho sinh hoạt, mức cao nhất lên đến 2.587 đồng/kWh. Nếu với người tiêu dùng con số này đã là cao thì những người đi thuê trọ còn phải chịu mức giá được “hét” lên rất nhiều của các chủ nhà trọ. 
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (thuê trọ ở quận Nam Từ Liêm – Hà Nôi) cho biết: “Phòng trọ của tôi trước đây áp dụng mức giá 3.500 đồng/số điện. Từ sau khi có thông báo tăng giá điện, chủ trọ tăng thêm 1.000 đồng với mỗi số điện. Như vậy tính sơ qua thì mỗi tháng tiền điện cũng “ngốn” của tôi từ 150.000 đến 200.000 đồng".
Đối với những phòng thuê theo hộ gia đình, con số này còn lớn hơn nhiều. Bởi ngoài những thiết bị thông thường như bóng đèn, quạt điện…còn có thêm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa...
Chị Hoa (Thuê trọ ở Phường Dịch Vọng – Cầu giấy) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người gồm vợ chồng và hai con nhỏ, mỗi tháng tiền điện tốn từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Giờ điện tăng giá, thiết bị điện trong nhà lại nhiều nếu dùng thoải mái chắc cũng gần đến cả triệu đồng, nhưng chả nhẽ bỏ đó không dùng nữa”. Cũng theo chị Hoa, mùa hè sắp đến các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa, quạt điện không thể không sử dụng nhưng khi nghĩ đến hóa đơn tiền điện lại cảm thấy nản.
Đối với những công nhân lao động tại các khu công nghiệp, lương thấp khiến họ phải tìm ở những khu trọ tồi tàn giá rẻ. Thế nhưng không những không thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của công nhân, các chủ trọ còn thi nhau "hét" giá điện khiến cuộc sống của họ vốn khó khăn nay lại càng thêm chật vật. Chị Hương – công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long than thở: “Lương tôi mỗi tháng được hơn 4 triệu. Ngoài chi phí ăn ở, mỗi tháng tôi phải hết sức tiết kiệm gửi về quê gần 2 triệu. Lương đã thấp, trăm thứ tiền phải lo, nay lại tăng thêm tiền điện khiến công nhân chúng tôi đến là khổ".
Tại các khu trọ tồi tàn dành cho người lao động nghèo, giá điện vấn rất cao
Tiền điện tăng cũng là nỗi ám ảnh với những sinh viên trọ học xa nhà. Mặc dù đồ đạc sử dụng điện không có nhiều, nhưng với khoản trợ cấp vừa đủ của gia đình, nhiều sinh viên không khỏi lo lắng về việc phát sinh thêm nhiều chi phí cho tiền điện.
Thái – sinh viên Đại học Giao thông cho biết: “Sinh viên bọn mình không dùng nhiều đồ điện, nhưng tiền điện cứ tăng thế này khiến mình không lo không được. Nay giá điện phòng trọ mình đã lên đến 4.000 đồng trên một số điện, cuối tháng phải trả thêm ít nhất 50.000 đồng so với những tháng trước"
Không chỉ sinh viên, người lao động thu nhập thấp mà cả các hộ kinh doanh cũng không vui khi giá điện tăng. Anh Hưng – chủ một cửa hiệu giặt, là khô ở khu vực Cầu Giấy cho hay: “Thời buổi làm ăn, giá cả cạnh tranh nhau từng đồng một, giá điện tăng nhưng tôi cũng không giám tăng giá vì sợ mất khách, chỉ đành phải chấp nhận tự bù tiền điện và lãi ít đi thôi chứ biết làm sao”
Bên cạnh việc tăng giá tiền điện lên cao ngất ngưởng, nhiều chủ trọ cũng tiện tăng luôn giá nước một thể với lý do “bù tiền điện chạy máy bơm nước”. Chính vì thế mà giá nước cũng “leo thang” chóng mặt. Tại các khu vực  đông sinh viên như Cầu Giấy, Chùa Láng, Mai Động, Thanh Xuân đều có mức giá nước cao từ 20 nghìn thậm chí 25 nghìn/m3 nước.
Bên cạnh giá điện, giá nước cao "ngất ngưởng" cũng khiến người đi thuê trọ "méo mặt"
Không biết kêu ai
Tiền điện tăng kéo theo nỗi lo các mặt hàng tiêu dùng khác đồng loạt tăng theo. Bên cạnh đó, hóa đơn điện, nước mỗi tháng dường như đã trở thành nỗi ám ảnh của những người lao động nghèo và sinh viên đi thuê trọ. 
Dùng điện, nước là nhu cầu không thể thiếu. Thế nhưng giá điện, nước ngất ngưởng khiến nhiều người không khỏi “tái mặt”. Để giảm chi phí họ buộc phải tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện, nước.
Để tiết kiệm, nhiều công nhân thay việc dùng bếp từ bằng bếp ga hoặc dùng bếp than, các thiết bị điện như quạt, tivi cũng hạn chế sử dụng. Bên cạnh đó để tiết kiệm tiền nước thì các loại nước đã qua rửa rau, giặt quần áo được tái sử dụng vào việc khác nhằm tiết kiệm hết mức có thể.
Để đối phó với sự leo thang của giá điện, nước, không ít sinh viên đã thực hiện chính sách “tiết kiệm” tối đa bằng nhiều hình thức như cùng nhau nấu ăn chung, gom bát vài bữa mới rửa một lần, dùng chung một quạt, dùng chung laptop…
Theo lời một số bạn sinh viên, việc đưa giá điện như vậy là để bù vào những chỗ thất thoát, như bóng thắp sáng đường đi chung, nhà vệ sinh, hay điện dùng để chạy máy bơm nước… Khách thuê không đồng ý có thể đi chỗ khác chứ họ không ép. Tuy nhiên ở đâu cũng tính giá như vậy nên người đi thuê đành ngậm ngùi chấp nhận mà không biết kêu ai.
Thùy Linh
(Theo Congluan.vn)
 
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bạn đã biết mẹo bôi kem chống nắng đúng cách chưa?