Sốc: Ăn chia tiền bỏ mặc người leo núi giữa tuyết lở ở Nepal?

Hoàng Minh 2014-10-21 10:59
- (Em đẹp) - Một người Israel tiết lộ về sự thật giữa vụ lở tuyết khiến nhiều người sốc.
>>>Cô gái Việt Nam và câu chuyện sống sót trong bão tuyết Nepal

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời những người sống sót cho biết, họ đã bị đẩy vào chỗ chết bởi chủ một quán trà trên đèo Thorung La. Trước đó ông này đã đồng ý dẫn đoàn người xuống núi an toàn với điều kiện phải trả 2.000USD. Sau khi nhận tiền và ăn chia với người khuân vác, ông ta đã bỏ mặc họ giữa đường khiến cả đoàn phải tự xoay sở trong cơn bão tuyết dữ dội.

Eitan Edan, 31 tuổi, nhân viên công tác xã hội người Israel cho biết, trong số 8 người xấu số có tới 4 người là bạn của anh. Anh Edan còn tiết lộ, lúc đầu đoàn có gần 100 người, chủ yếu là người Israel và Ba Lan. Cả đoàn đang leo núi trên tuyến đường nổi tiếng Annapurna, chuẩn bị hướng tới đèo Thorung La thì cơn bão tuyết đổ xuống và nhấn chìm mọi người trong bóng tối.

Sau quãng đường di chuyển khó khăn, tưởng như mọi người đã được an toàn vì bắt gặp một quán trà ở trạm nghỉ trên độ cao hơn 5.400m. Thế nhưng, ở đây đã có rất đông những người leo núi khác và chủ quán trà đột ngột thông báo đóng cửa quán và yêu cầu mọi người phải rời khỏi căn nhà.

Khi những người leo núi phàn nàn, điều kiện thời tiết bên ngoài là quá nguy hiểm, chủ quán dọa rằng, mọi người sẽ chết nếu không rời khỏi đây sớm, và ông ta sẽ dẫn mọi người tới nơi an toàn nếu chịu trả 2.000USD.

"Khoảng 2 hay 3 giờ chiều, người chủ tuyên bố chuẩn bị đóng cửa căn nhà, mọi người phải rời khỏi đây. Điều kiện thời tiết rất nguy hiểm vì chúng tôi đang ở độ cao 5.400m, không khí rất loãng. Ông ta nói rằng, bản thân thông thạo đường đi và sẽ dẫn chúng tôi tới nơi an toàn với điều kiện mỗi người phải trả 1.000 Rupi Nepal (tức 16USD/người) cho ông ta”, Edan kể lại với phóng viên khi đang được điều trị ở bệnh viện Kathmandu.

Những người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện Kathmandu. (Ảnh: Telegraph)

Một nhóm các nhà leo núi mặc cả và đồng ý trả trước một nửa số tiền, nửa còn lại sẽ trả nốt khi họ tới được làng Muktinath dưới núi – nơi đội cứu hộ đang chờ sẵn. Đồng ý với thỏa thuận, chủ quán trà dẫn nhóm người xuống núi, đi cùng còn có Pasang Tamang – 45 tuổi, người khuân vác địa phương được thuê đi cùng đoàn từ lúc đầu. Theo lời kể của những người sống sót, Tamang và chủ quán trà đã thỏa thuận chia nhau số tiền của những người leo núi.

Trong lúc xuống núi, cả đoàn gặp một phụ nữ Ấn Độ kêu cứu thảm thiết nhưng người chủ quán trà chỉ lạnh lùng nói rằng bàn chân của cô ấy "đã không còn" và "cô ta sắp chết rồi".

"Chúng tôi tiếp tục xuống núi. Đi đến một đoạn thì dừng lại và người chủ quán có vẻ như không biết đường. Ông ta bảo chúng tôi đi về bên tay trái và tiếp tục leo xuống. Chúng tôi đi theo chỉ dẫn, nhưng khi quay lại thì ông ta đã biến mất", Eitan Edan kể.

Vào thời điểm đó, đoàn người chỉ còn khoảng 30 đến 40 người. Trời tối như mực, khoảng 11 giờ đêm, cả đoàn đã đi bộ suốt 9 tiếng đồng hồ. Edan ngã gục xuống tuyết vì kiệt sức, anh đã nghĩ rằng sẽ không sống nổi.

"Tôi bị kiệt sức và không thể đi tiếp nữa. Lúc này gió vẫn thổi mạnh, tôi nói với các bạn hãy đi tiếp nếu còn sức, còn tôi sẽ nằm đây chờ chết. Thế nhưng cuối cùng bốn người bạn của tôi đã chết. Họ đều chỉ mới ở trong độ tuổi 20-30", Edan nói.

Sau khi đắp chăn và ngủ trên nền tuyết trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, ăn một thanh kẹo sôcôla trong túi, Edan lấy lại sức để đi tiếp và xuống tới làng Muktinath một cách an toàn.

Mặc dù còn giữ được tính mạng nhưng Edan rất bất bình trước cái chết của những người bạn, anh đổ lỗi cho chủ quán trà và người khuân vác đã đẩy mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm để kiếm lời.

"Họ lừa chúng tôi rằng phải xuống núi nếu muốn sống nhưng sự thật là tất cả những người ở lại quán trà đều sống sót. Những người bạn của Tamang đang cố biến ông ta trở thành anh hùng. Họ không hề có ý định dẫn đường nếu như mọi người không đưa tiền và cũng không quan tâm tới sự an toàn của mọi người trong suốt hành trình. Họ chỉ quan tâm tới tiền, Tamang và chủ quán trà đã có thỏa thuận với nhau", Edan bức xúc.

Câu chuyện về người khuân vác 45 tuổi đang trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trên các mặt báo. Trước đó, Pasang Tamang được báo chí địa phương ca ngợi như một anh hùng khi đã hi sinh tính mạng để cứu sống gần 20 người leo núi. Laxman Ghimire – Sếp của Tamang ở Đại lý lữ hành Swissa cho biết: "Lẽ ra anh ấy đã sống sót. Anh ấy đã cứu sống 2 cô gái người Israel và anh ấy mất mạng khi đang cố cứu những người khác… có người đã đồng ý trả tiền để anh ấy cứu họ, nhưng anh ấy đã chết trước khi nhận được bất cứ đồng nào".


Bản đồ khu vực xảy ra lở tuyết.

Thế nhưng theo lời kể của những người Israel còn sống sót đang được điều trị tại bệnh viện Kathmandu, sự thật hoàn toàn trái ngược. Pasang Tamang có thỏa thuận chia tiền với người chủ quán trà và ông ta chết vì kiệt sức và thiếu ôxi, chứ không phải vì cứu người bị nạn. Lời kể trên càng củng cố cho những nghi ngờ trước đó, khi đội cứu hộ tìm thấy trên người của Tamang có 22.500 Rupi trong người.

Tuy nhiên, ông Laxman Ghimire cho rằng, đây là số tiền Tamang nhận được từ lần dẫn khách trước, chứ không phải từ thỏa thuận với người chủ quán trà. "Những người khuân đồ thường rất nghèo và họ cần tiền. Anh ấy muốn cứu sống mọi người và anh ấy cũng muốn kiếm tiền nữa… Nếu anh ấy không cố giúp những người khác thì anh ấy vẫn còn sống rồi. Anh ấy bị kiệt sức, khi mọi người nhìn thấy Tamang bị vùi dưới tuyết, anh ấy chỉ nói rằng: "Tôi sẽ chết như thế này", vị giám đốc này cho hay.

Để có thể chinh phục dãy núi Himalaya, du khách thường phải trả từ 2.000USD đến 4.000USD và bắt buộc phải có người dẫn đường, khuân vác đồ đạc đi cùng. Thế nhưng, những người này thường chỉ nhận được rất ít tiền cho mỗi chuyến đi và phần lớn họ đều sống trong cảnh nghèo khó. Trong trường hợp của Tamang, ông chỉ được trả 15USD/ngày.

Bên cạnh đó, những người dẫn đường và khuân vác cũng không được đảm bảo an toàn tính mạng và điều kiện sức khỏe. Hồi tháng 4 vừa qua, một trận lở tuyết nghiêm trọng khác xảy ra trên đỉnh Everest đã khiến ít nhất 6 người dẫn đường bản địa thiệt mạng. Sau sự cố, mỗi gia đình nạn nhân chỉ được chính phủ Nepal hỗ trợ 40.000 Rupi (khoảng 662USD) để lo phí ma chay, thấp hơn nhiều so với số tiền 10.000USD gia đình họ phải chi trả để làm lễ cầu siêu.

Hoàng Minh
(Dịch theo Telegraph)
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 điểm du ngoạn thú vị không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình