Bi kịch chấp nhận cả nhà nghèo đói để...cưới được vợ

Thụy Du 2016-03-03 17:00
- Di cư từ nông thôn ra thành phố và sự mất cân bằng giữa hai giới đã tạo nên những cuộc hôn nhân đắt đỏ ở Trung Quốc.
Sau những ngày đám cưới tưng bừng, tiếng nhạc tiếng pháo hân hoan, ông Zhang Hu và vợ trở về nhà với trái tim nặng trĩu. Để có thể tổ chức đám cưới cho con trai, gia đình nghèo của họ đã tiêu tốn toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong mấy chục năm và gánh thêm một món nợ tới 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu VNĐ). Đây là một khoản tiền rất lớn đối với một gia đình sống ở một ngôi làng miền núi nghèo ở Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Bi kịch chấp nhận cả nhà nghèo đói để...cưới được vợ
Để có thể tổ chức đám cưới cho con trai, nhiều gia đình ở nông thôn Trung Quốc phải tiêu hết số tiền mà họ tích cóp cả đời
"Làng chúng tôi rất nghèo nên rất hiếm cô gái muốn kết hôn trai trẻ ở đây" - ông Zhang Hu nói. Ông cho biết dân làng sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền để sắm quà đính hôn khi con trai họ muốn lấy được vợ. Thế nhưng tình trạng này lại xảy ra rất phổ biến ở những khu vực kém phát triển, đặc biệt một nơi toàn cao nguyên như ở Tây Bắc, Trung Quốc.
"Tình yêu không còn là cảm xúc thiêng liêng nữa mà đã trở thành vấn đề tiền bạc" - Liu Yanwu, một giáo sư xã hội học tại Đại học Vũ Hán cho biết.
Liu đã khảo sát những thay đổi về chi phí kết hôn ở các vùng nông thôn trong các thập kỷ: từ năm 1970 đến năm 1980, hôn nhân hầu như không là gánh nặng trong một gia đình nông thôn; trong những năm 1990, một cuộc hôn nhân có giá tương đương thu nhập của một người lao động nông thôn trong 3-4 năm. Nhưng kể từ năm 2000, chi phí này đã gia tăng mạnh khi tương đương với công sức làm việc trong suốt 20 năm của một con người. Gia đình chú rể sẽ phải sắm nhà và thậm chí cả một chiếc xe hơi cho các cặp mới cưới.
Tại các khu vực nông thôn của Khánh Dương, giá trị của món quà hứa hôn đã tăng từ khoảng 10.000 nhân dân tệ trong năm 2004 lên đến 150.000 nhân dân tệ vào năm ngoái. Do đó, cuộc hôn nhân của con trai ông Zhang gần như đã đẩy gia đình này vào cảnh đói nghèo.
Một lý do khiến việc cưới được nàng dâu có giá đắt đỏ như vậy là bởi tỷ lệ giới tính mất cân bằng ở Trung Quốc. Cứ 100 bé gái sơ sinh lại có 115 bé trai chào đời trên khắp đất nước này. Ở các khu vực nông thôn, tỷ lệ chênh lệch giữa nam giới và phụ nữ trong độ tuổi kết hôn thậm chí còn cao hơn.
Một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, sự di cư của người dân nông thôn tới thành phố cũng là một trong những nguyên nhân. Ngày càng nhiều người dân vùng nông thôn đến thành phố để có thể tìm được những công việc có mức lương cao hơn, cải thiện cuộc sống. Kết quả là số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở các khu vực nông thôn bị giảm mạnh, dẫn đến những chàng trai nơi này không có đủ người để chọn làm vợ. 
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn ở các khu vực nghèo khó như Khánh Dương. Vì phụ nữ không muốn được gả vào các gia đình nghèo nên gia đình của chú rể sẽ phải trả giá cao hơn cho những món quà hứa hôn.
Để kìm chế chi phí đám cưới tăng cao, chính quyền Khánh Dương đã đưa ra các quy định nhưng vẫn không thể thay đổi được điều gì.
Việc tăng mức chi phí kết hôn ở các vùng nông thôn cũng đã dẫn đến các vấn đề xã hội khác. Nhiều người đàn ông Trung Quốc đã nghĩ ra cách mua con gái từ các nước Đông Nam Á như Myanmar và Việt Nam về làm vợ thông qua công ty môi giới hôn nhân hay những kẻ buôn người. 
Tất nhiên, đó là những cuộc hôn nhân bất hợp pháp và rất nhiều cô dâu đã phải tìm đường chạy trốn. 
Bởi vậy, Zhang Yi cho rằng việc tái cân bằng tỷ lệ giới tính của Trung Quốc rất cần thiết. Chính quyền địa phương cũng cần phát triển nền kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân, khuyến khích phụ nữ vùng nào kết hôn với đàn ông vùng đó.
 
Thụy Du - Dịch theo CD

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nhan sắc 10 hot girl Việt không kém cạnh sao Thái Lan