Những điều 'khó nói' của những bệnh nhân ung thư phải cắt bỏ ngực để điều trị bệnh

Thu Hà 2017-10-26 13:44
- Ung thư vú tàn phá khủng khiếp cơ thể người phụ nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống tình dục đôi lứa. Nhưng theo chuyên gia, không nên vì điều đó mà chị em chấp nhận tắt lửa “yêu”.

Hóa chất không chỉ cướp đi mái tóc dài, cướp đi sinh lực mà còn làm chị em ung thư vú kiệt quệ về tinh thần. Chị em mắc căn bệnh này phải đối diện với rất nhiều nỗi khổ thầm kín khi trở về căn phòng riêng tư của mình. 

Bị cắt ngực, phần nữ tính nhất trên cơ thể

Điều kinh khủng nhất chị em phải đối diện khi bị bệnh là nguy cơ bị cắt ngực. Nhiều chị em ung thư không dám soi gương vì không đủ can đảm đối diện với hình hài của mình sau một quá trình điều trị.

Những nỗi khổ “khó nói” của chị em ung thư vú khi làm chuyện ấy

Cắt đi phần nữ tính nhất trên cơ thể, những vết sẹo khiến chị em ngại ngùng trước mặt người bạn đời. Ảnh minh họa. 

Ra đường, đôi khi chúng tôi cũng phải ăn mặc “khác người” một chút. Chỉ cần ngồi nói chuyện một lúc, chúng tôi sẽ phải kéo ngực lại đến mấy lần. Vì chúng tôi đã đoạn nhũ. Đau đớn nhất là khi trở về với căn phòng riêng tư, chúng tôi phải đối diện với cơ thể, hình hài thật sự của mình. Đầu trọc, ngực bị cắt, có chị em tắt kinh, hết ham muốn khi tuổi đời còn rất trẻ”, chị Trần Thị Cẩm Bào, một bệnh nhân ung thư vú khuyết vòng một tâm sự.

Cuộc sống tình dục bị đảo lộn

Theo chị Cẩm Bào cảm nhận, cuộc sống tình dục của chị em ung thư vú bị đảo lộn hoàn toàn từ khi căn bệnh này ghé thăm và tàn phá. Tùy từng người có cách giải quyết khác nhau.

Người thì cố chịu đựng cuộc sống hôn nhân đã tắt lửa tình dục. Người nhắm mắt làm ngơ để chồng bồ bịch “giải quyết” nhu cầu sinh lý. 

Những nỗi khổ “khó nói” của chị em ung thư vú khi làm chuyện ấy

Chị Trần Thị Cẩm Bào đã kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư vú trong nhiều năm qua. Ảnh: Thu Hà

“Thật khó khăn để nói với người đàn ông của mình về nỗi đau không phải ai cũng hiểu này. Thật may, người đàn ông của tôi đã kéo tôi về phía anh. Ung thư không đẩy chúng tôi cách xa nhau mà còn là chất keo gắn kết tôi và anh nhiều hơn nữa”, chị Cẩm Bào chia sẻ.

Từ câu chuyện của mình, chị Cẩm Bào vẫn thường khuyên chị em đồng bệnh hãy có thái độ cởi mở trong vấn đề quan hệ tình dục sau khi điều trị ung thư vú. 

“Chị em nên mở lòng ra và dám đương đầu với tất cả. Không phải ai trọc, cắt ngực cũng xấu. Nếu bạn tự ti, thì bạn sẽ xấu toàn diện. Còn nếu bạn tự tin thì bạn sẽ tỏa sáng, cho dù ung thư có làm gì cơ thể bạn đi chăng nữa”, chị Cẩm Bào nói.

Chị cho rằng, để chị em ung thư vú vượt qua nỗi mặc cảm cơ thể bị ung thư tàn phá  cũng như nỗi mặc cảm trong cuộc sống phòng the, chỉ có thể nhờ tấm lòng yêu thương, cảm thông đủ lớn của người bạn đời mà thôi!

Chị lạc quan nói: “Suy cho cùng, tình dục không phải là thứ quan trọng nhất. Vì điều quan trọng nhất là tôi vẫn còn sống và sống một cách vui vẻ trong suốt năm năm ung thư vú ghé thăm”.

TÁI TẠO CẢM HỨNG không khó!

Một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật ung bướu, sản phụ khoa (Pháp) đã bày tỏ sự cảm thông với những nỗi khổ thầm kín mà chị em ung thư vú phải chịu đựng trước, trong khi và sau khi điều trị.

Ông nói: “Trong các bệnh ung thư, ung thư vú là căn bệnh kinh khủng nhất với phụ nữ vì nó khiến chị em phải cắt một phần hoặc toàn phần ngực – nơi vốn được coi là biểu tượng nữ tính của phái nữ”.

Hóa chất, thuốc nội tiết có thể khiến chị em ung thư vú sống cuộc sống của một người…đã già. Chị em thấy tự ti về cơ thể chính mình, không muốn khỏa thân trước mắt bạn đời.

Ham muốn tình dục tắt ngấm và âm đạo khô như một hệ quả tất yếu. Việc quan hệ tình dục sẽ trở nên rất đau đớn và chị em thấy khó khăn trong việc “yêu” chồng.

Những nỗi khổ “khó nói” của chị em ung thư vú khi làm chuyện ấy

Tái tạo cảm hứng cho phụ nữ ung thư vú bằng sự cởi mở, yêu thương hết lòng. Ảnh minh họa. 

Ông cho biết thêm, một thống kê cho thấy sau một năm nhận “thông báo ung thư”, có tới 40% phụ nữ bị trầm cảm và rối loạn cảm xúc vì không hòa hợp được đời sống tình cảm lứa đôi. Chị em sốc khi vì cảm giác hai vợ chồng không còn được “phiêu” như trước nữa.

“Bôi trơn chỉ là giải pháp phần ngọn. Vấn đề mấu chốt là phải làm sao để tái tạo lại cảm hứng cho những người phụ nữ kém may mắn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh. 

Ông khẳng định sau khi chữa trị ung thư, chị em vẫn có thể “yêu”. Ông tư vấn: “Cởi mở chia sẻ những khó khăn trong đời sống tình cảm với chồng, bạn tình, chị em đồng bệnh. Gặp bác sĩ tâm lý để có được lời khuyên, cách trị liệu thấu đáo. Đó là những điều chị em cần làm để có thêm cảm hứng. Mọi chỉ dẫn chỉ là lý thuyết. “Yêu” theo cách nào cũng được, miễn là chị em cảm thấy thoải mái và cần thông báo cho bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề nào gặp phải”.

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ, Thầy thuốc Ưu tú, bác sỹ Cao cấp Hoàng Đình Chân nhận định: “Bạn đời là người quan trọng nhất có thể tái tạo cảm hứng sinh hoạt tình dục cho bệnh nhân ung thư vú. Theo tôi, bạn đời cần quan tâm, động viên, chia sẻ với vợ ung thư, để giúp vợ thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo sợ, tự ti, mặc cảm với bệnh tật và ngoại hình của mình. Đặc biệt, nếu như người vợ đang rất mệt mỏi và chán nản, người chồng đừng nên đòi hỏi chuyện vợ chồng. Hãy để mọi thứ diễn ra trong tâm lý thoải mái, sẵn sàng nhất có thể”.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thường xuyên tập 5 bài tập này, bắp tay ngấn mỡ, quá khổ cũng thon dài như nàng thơ Lisa