Nguyên nhân bé gào khóc khi máy bay hạ cánh, bố mẹ sẽ hối hận khi không biết sự thật đằng sau

Thu Hà 2017-09-02 06:00
- Đi du lịch bằng máy bay đã trở thành điều phổ biến, tuy nhiên, mọi người luôn lo lắng việc trẻ nhỏ khóc thét mỗi khi máy bay cất, hạ cánh vì áp suất không khí chênh lệch đã làm chúng bị đau tai.

Chuyến du lịch “ám ảnh”

Nghỉ lễ kéo dài 3 ngày là dịp để các gia đình nghĩ tới một chuyến đi chơi xa. Thế nhưng, chị Lưu Thu Hà (Q. Long Biên, Hà Nội) lại khẳng định, kể cả cho thêm tiền chị  cũng không dám cho con đi máy bay nữa. Chị vẫn ám ảnh chuyến du lịch Đà Nẵng dịp 2/9 năm ngoái, 5 gia đình cùng rủ nhau đi chơi, tổng cộng có 10 đứa trẻ. 

Tuy nhiên, sự việc gần 10 đứa trẻ cùng thi nhau gào khóc khi máy bay cất cánh đã làm cả đoàn được phen sợ xanh mặt. “Chúng cứ ôm tai khóc thét lên, không thể dỗ nổi. Nhiều người ngoái lại nhìn chúng tôi với ánh mắt bực bội”, chị Thu Hà nhớ lại.

Trẻ khóc dữ dội khi đi máy bay, sự thật không phải trẻ “hư” như mọi người nghĩ

Trẻ gào khóc khi đi máy bay khiến bố mẹ rất bối rối. Ảnh minh họa. 

Sự việc này khiến chị ám ảnh đến nỗi cứ nghĩ tới việc cho con lên máy bay là sợ hãi. Nghiên cứu của Đại học Southern California tại Los Angeles cho thấy, có đến 1/3 hành khách máy bay chịu đựng các vấn đề về tai như khó chịu, đau hay thậm chí mất thính giác tạm thời khi máy bay cất cánh hay hạ cánh.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn (Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam), trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp phải triệu chứng chấn thương tai khi đi máy bay. Triệu chứng chấn thương tai khi đi máy bay cũng gặp cả ở người lớn.

Tai cũng sợ…độ cao

Mỗi tai có một ống nối giữa tai giữa tới họng và mũi, có tên là ống Ot-tát. Ống Ot-tát có nhiệm vụ điều chỉnh áp suất trong tai. Sự chênh chênh lệch áp suất trong tai giữa và khoang máy bay sẽ xảy ra khi máy bay thay đổi độ cao đột ngột. Ống Ot – tát sẽ bị tắc gây ra chứng ù tai, đau tai.

“Ống Ot-tat của trẻ em với đặc trưng nhỏ hơn và nằm ở vị trí hơi khác so với người lớn nên rất dễ bị tắc. Đó là lý do khiến trẻ nhỏ thường gào khóc dữ dội mỗi khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh”, bác sĩ Hồng Sơn lý giải.

Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận thấy một áp lực đè nặng bên trong tai, tai như bị “bít lại”, khó nghe. Nhưng sau khi máy bay ổn định độ cao hoặc tiếp đất, cảm giác này hoàn toàn biến mất.

Trẻ khóc dữ dội khi đi máy bay, sự thật không phải trẻ “hư” như mọi người nghĩ

Ống Ot-tát của trẻ ngắn hơn so với người lớn là nguyên nhân khiến trẻ đau tai khi đi máy bay. Ảnh minh họa. 

Trẻ cũng có thể bị chấn thương tai nghiêm trọng với các biểu hiện như đau tai dữ dội, chảy máu tai, mất thính giác, tổn thương màng nhĩ.

“Nếu cảm giác đau trở nên nặng hơn và có máu chảy ra từ tai, khi kết thúc chuyến bay, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám xem tai có bị nhiễm trùng hoặc rách, thủng màng nhĩ hay không để có hướng can thiệp kịp thời”, Tiến sĩ Hồng Sơn khuyến cáo.

Mẹo nhỏ tránh chấn thương tai

Để đề phòng chấn thương tai, Tiến sĩ Hồng Sơn khuyên cha mẹ hãy tránh cho trẻ đi máy bay nếu trẻ đang có bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc dị ứng.

Nhưng nếu không thể tránh đi máy bay, trước khi bay một ngày, cha mẹ hãy cho trẻ uống thuốc thông mũi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngay trước khi lên máy bay, trẻ cần được sử dụng thuốc xịt mũi cho trẻ em một lần theo chỉ dẫn. Thuốc này giúp mở vòi nhĩ mà không cần phải dùng thêm thuốc nào nữa.

Trong khi bay, hãy nhắc trẻ làm động tác “ngáp - nuốt” nếu có cảm giác màng nhĩ bị bít lại để mở vòi nhĩ. Hoặc cho trẻ sử dụng loại nút tai được thiết kế đặc biệt để giảm thiểu đau tai khi bay.

“Trước khi hạ cánh khoảng 45 phút, có thể sử dụng thuốc xịt mũi. Ngồi thẳng lưng để áp lực cân bằng dễ dàng hơn”, Tiến sĩ Hồng Sơn tư vấn.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 sao Việt có nhan sắc cùng thần thái ngày càng 'lên hương' sau khi sinh