Người mẹ 10 năm cùng con vượt qua căn bệnh không bao giờ khỏi, mọi nỗ lực dạy dỗ phải kiên trì hàng năm trời

2017-10-10 06:45
- Chị Tuyết có con trai mắc tự kỷ cho rằng, căn bệnh này không khỏi được nhưng phải kiên trì chứ không thể vội vàng.

Chấp nhận sự thật con không thể khỏi hoàn toàn

Nhìn Đỗ Thái Khang (sinh năm 2004, Trung Hòa, Cầu Giấy) đang chăm chú xem các bạn biểu diễn văn nghệ, ít ai ngờ được cậu bé đã đồng hành với căn bệnh tự kỷ và tăng động hơn 10 năm nay. Hiện nay, Thế Khang có thể cầm bút vẽ, tự ăn cơm, bày tỏ cảm xúc yêu thương với mẹ. Thậm chí, cậu bé còn biết chào người lạ trong lần đầu tiên gặp gỡ.

Sự tiến bộ của Thế Khang là nhờ có người mẹ “tuyệt vời” luôn theo sát con. Mẹ của em đã tự mày mò, tìm hiểu về chứng bệnh tự kỷ mà con đang mắc. Trước đó, thông tin về căn bệnh này rất ít.

Chị Đỗ Thị Tuyết (mẹ Thế Khang) chia sẻ, chị phát hiện con trai mắc bệnh từ khi cháu hơn 1 tuổi. Khi đó, mỗi khi gọi tên, Thế Khang gần như không có phản xạ quay lại. Chị Tuyết đưa con vào bệnh viên Nhi trung ương khám, bác sĩ kết luận Thế Khang bị tự kỷ.

Kinh nghiệm mẹ có con tự kỷ: Trẻ tiến bộ phải tính bằng năm nên đừng nóng vội

Khang cùng mẹ đi đón Trung thu.

“Lúc biết con bị tự kỷ, tôi bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này. Khi biết đây là căn bệnh không thể chữa khỏi được mà chỉ cải thiện giúp con sống tốt hơn, tôi rất buồn. Tuy nhiên, cả nhà xác định phải chấp nhận sự thật. Tôi bắt đầu đăng ký tham gia các khóa hội thảo về tự kỷ với học phí 1-2 triệu/ buổi. Tôi cũng tìm cách liên hệ với các bà mẹ có con bị tự kỷ khác để học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu, tôi cũng nản nhưng tự nhận ra đối với trẻ tự kỷ sự tiến bộ phải tính bằng năm chứ không đơn giản là vài ba ngày”, chị Tuyết nói.

Dạy trẻ từ những thứ nhỏ nhất và không kỳ vọng quá lớn

Thời điểm đó, cả gia đình chị Tuyết đã cùng nhau dạy cho Thế Khang bởi cả nhà coi Thế Khang là một đứa trẻ mới sinh, phải dạy dỗ tất cả mọi thứ từ đầu.

“Con chưa thể giao tiếp bằng lời thì gia đình tôi dạy bằng hành động. Theo tôi, khó nhất là dạy con tập trung và nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Trong lần đầu tiên, trẻ sẽ sợ nhưng tập nhiều lần sẽ quen và làm được. Khi dạy cho Thế Khang, tôi áp dụng từng bước một. Ban đầu, tôi hướng dẫn các từ đơn giản, sau đó là từ đơn rồi chuyển sang câu, chị Tuyết chia sẻ.

Trẻ tự kỷ có đặc điểm chỉ giao tiếp khi có nhu cầu. Vì vậy, phụ huynh nên hướng dẫn sâu sát để tạo thói quen cho trẻ. “Ví dụ khi trẻ nhặt được một tờ giấy kẹo trên đường, chứng tỏ trẻ chú ý tới tờ giấy đó. Theo tôi, chỉ từ một tờ giấy kẹo, người mẹ có thể dạy cho trẻ 1 tháng mà không hết chuyện. Ví dụ, bố mẹ hướng dẫn trẻ về màu sắc của tờ giấy, chữ trên tờ giấy, chất liệu giấy, cách in giấy… Hay như trẻ thích ô tô không chỉ đơn thuần là tìm hiểu tên xe, hãng xe mà có thể mở rộng ra dạy đếm bánh xe, màu sắc xe, vật liệu của xe…”, chị Tuyết chia sẻ.

Kiên trì là bí quyết vàng

Khi Thế Khang tiến bộ hơn, chị Tuyết phát hiện con mắc thêm chứng tăng động. Chị và gia đình đã phải cho con đi học ở trường dành cho trẻ tăng động. Nhờ sự giúp đỡ của các cô giáo và dạy dỗ, quan tâm của gia đình, Khang đã tiến bộ rất nhiều.

Chị Tuyết tâm sự, có những khi chị và gia đình cảm thấy mệt mỏi và chán nản do con không tiến bộ nhưng vẫn phải vượt qua. Trải qua biết bao nhiêu vất vả, hiện nay, Thế Khang đã tự đánh răng được, có thể đọc và viết tốt, tự đi xe đạp một mình.

Năm nay, Thế Khang 13 tuổi, đây cũng là giai đoạn bé bước vào tuổi dậy thì với tính cách có rất nhiều thay đổi. Chính vì vậy, chị Tuyết luôn phải để ý đến con hơn.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm con và dạy con tự kỷ - tăng động, chị Tuyết cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì của gia đình. Hãy bắt đầu dạy trẻ từ việc nhỏ nhất như cài khuy áo, đi dép đúng, xỏ quai dép… những hành động nhỏ này phải mất tới 1-2 tháng dạy dỗ mới làm được hoặc có thể lâu hơn. Với những gia đình không có kinh tế để thuê giáo viên về nhà dạy có thể cho trẻ đi học ở những trường chuyên dạy cho trẻ tự kỷ.

Cha mẹ nên học hỏi kinh nghiệm của các mẹ có con tự kỷ để dạy lại cho con mình. Khi dạy con nên tạo không khí thoải mái nhất, áp dụng cách vừa học vừa chơi. Phụ huynh nên đưa trẻ đi ra ngoài chơi nhiều hơn để trẻ tiếp xúc với mọi người và thế giới xung quanh.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Không ngờ con trai Ly Kute đã lớn thế này: Ngoại hình bảnh bao, lại còn 'ga lăng' làm một việc giúp mẹ