Mẹ mang thai mắc bệnh tim, bé sinh ra có nguy cơ mắc bệnh này hay không các mẹ?

2017-07-30 15:00
- Bệnh tim bẩm sinh vốn là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, có khả năng gây tử vong cao. Vậy nên nhiều ông bố bà mẹ mắc bệnh tim lo lắng sinh con ra sẽ khiến con bị bệnh tim bẩm sinh.

Chị Vũ Thị Như (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mang thai đã 7 tuần tuổi, mặc dù vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc vì sắp sửa đón đứa con đầu lòng nhưng bản thân chị Như lại vô cùng lo lắng. Lý do là bởi trong một lần khám thai tổng thể, chị phát hiện mình bị bệnh tim, chị lo sợ con sinh ra sẽ bị di truyền mắc bệnh tim giống mẹ. Vợ chồng chị quyết định đi khám và tư vấn bác sĩ.

"Tôi bị mắc bệnh hở van tim hai lá do bị thấp tim nên rất sợ khi sinh con sẽ khiến con bị bệnh tim bẩm sinh di truyền giống mẹ. Nhưng cũng thật may khi bác sĩ cho biết bệnh tim của tôi không thuộc tuyp bệnh di truyền. Thể bệnh của tôi là 1/4 nên thuộc dạng nhẹ, chỉ cần thăm khám thường xuyên, sinh hoạt điều độ, theo dõi cẩn thận thì tôi vẫn có thể sinh con bình thường" - chị Như nhẹ nhõm cho biết.

bệnh tim

Thực tế, câu hỏi về việc liệu bố mẹ mang bệnh tim thì có di truyền cho con cái hay không là điều được rất nhiều người quan tâm. Nói về vấn đề này, bác sĩ Đinh Hùng Vỹ - bác sĩ sản khoa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: "Bệnh tim có khả năng di truyền nhưng phần lớn trường hợp bố mẹ bị mắc bệnh tim bẩm sinh mới có khả năng di truyền cho con. Những trường hợp bố mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh tính chất di truyền thường gặp là bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hoặc dạng rối loạn nhịp tim có thể gây đột tử... có khả năng di truyền cao, đặc biệt là những bệnh liên quan cấu trúc buồng tim, cấu trúc mạch máu tim."

Theo bác sĩ, mẹ bị bệnh tim bẩm sinh có khả năng di truyền cho con có xác xuất là từ 2 - 22%. Còn đối với những phụ nữ mắc các bệnh tim nhưng không phải bệnh tim bẩm sinh mà do những nguyên nhân bên ngoài khác thì nên đi khám tổng thể trước khi có ý định mang thai để đảm bảo sức khoẻ khi sinh con.

Bác sĩ Vỹ cho biết, thực tế, những thể bệnh tim có khả năng di truyền đều liên quan đến gen của bố mẹ. Nếu bố mẹ mang gen bệnh đột biết trong cấu trúc dẫn đến bệnh tim thì sẽ sinh con ra dễ bị mắc bệnh tim. Nếu cả bố và mẹ đều mang gen bệnh thể lặn trong người thì khả năng sinh con bị bệnh tim bẩm sinh xác xuất rất cao. Cũng có khả năng gen bệnh thuộc thể lặn nên không thể hiện ra ở đời con nhưng ở đời cháu sau này thì có thể xuất hiện. Vậy nên nếu bố mẹ mắc bệnh tim thì nên đi khám bác sĩ để biết được tình hình bệnh, nguyên nhân bệnh, xác định xem bệnh tim mình có khả năng di truyền cao hay không.

"Không chỉ những ông bố bà mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh rõ ràng mới phải đi kiểm tra, ngay cả những cặp vợ chồng bình thường, không có biểu hiện bệnh cũng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản, kiểm tra thai kỳ để biết thai nhi triệu chứng bệnh tim bẩm sinh hay không" - bác sĩ Vỹ cho biết.

Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, một số bệnh tim mà người mẹ mắc phải nhưng không phải bệnh tim bẩm sinh thì không di truyền cho con, do những căn bệnh này hình thành do những tác động bên ngoài. Nhưng không có nghĩa việc mẹ bị bệnh tim sẽ không ảnh hưởng đến con. Nếu mẹ mắc bệnh tim thì thai nhi sẽ yếu hơn, dễ sẩy, nhiều khả năng sinh non... Bản thân người mẹ mang thai khi bị bệnh tim cũng dễ mắc các tai biến như phù phổi, loạn nhịp tim,... Vậy nên người mẹ nếu phát hiện mắc bị bệnh tim thì nên đi khám thường xuyên, nhận những lời tư vấn từ bác sĩ để biết được khả năng sinh nở của mình, chế độ chăm sóc thế nào để sinh con an toàn và khỏe mạnh.

Ngoài ra, nếu thai phụ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, lupus ban đỏ, tiếp xúc với chất gây nguy cơ ảnh hưởng đến thai như rượu, thuốc lá; dùng các chất ức chế sinh tổng hợp, thuốc chống động kinh hay nhiễm virus bệnh như Rubella, Panovirus... thì cần đi kiểm tra sàng lọc tim thai. 

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mách bạn những mẹo đơn giản để điện thoại không bị hacker 'ghé thăm'