Khuỷu tay đột ngột đau rát, tê dại, bà nội trợ cảnh giác với căn bệnh 'giấu mặt' này

2017-12-02 06:45
- Khi cánh tay khó cầm nắm, mỏi và thường xuyên đau rát, bà nội trợ phải cảnh giác.

Không đi làm công sở, chị Nguyễn Bích Hải (38 tuổi) ở nhà lo nội trợ, đi chợ, cơm nước cho chồng con. Thời gian gần đây, chị Hải cảm thấy những cơn đau nhẹ ở tay. Ban đầu chị Hải chỉ nghĩ do thiếu canxi hoặc loãng xương khi chuẩn bị vào giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, cơn đau ngày một tăng dần, đặc biệt sức cầm nắm của tay giảm, tay đau nhiều khi phải dùng sức để vác đồ nặng.

Theo chị Hải, trước đó, không có tổn thương gì tại vùng cánh tay, khuỷu tay. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị Hải bị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài hay còn gọi là hội chứng "Tenis elbow". Hội chứng này thường gặp ở người chơi thể thao nhưng cũng gặp ở những người làm công việc nội trợ.

Khuỷu tay tự dưng đau rát tê dại bà nội trợ “ngã ngửa” khi biết lý do

Hội chứng đau khuỷu tay "Tennis elbow" có thể xảy ra với người làm công việc nội trợ, thường xuyên phải băm chặt thịt.

Nguyên nhân do chị Hải thường xuyên phải dùng lực mạnh để băm chặt thức ăn. Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu Tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO cho hay hội chứng này xảy ra khi các gân cơ bám lồi cầu ngoài có thể bị tổn thương do vận động khuỷu tay quá mức hoặc động tác mạnh lặp đi lặp lại hàng ngày, như là cầm vặn ốc, lau chùi cửa, chơi tennis…

Hội chứng "Tenis elbow" còn gặp ở một số người làm công việc thường xuyên phải sử dụng lặp đi lặp lại hoặc dùng sức mạnh cơ bắp cẳng tay như: họa sĩ, thợ ống nước, thợ mộc, người lao động chân tay, đầu bếp, và thậm chí người nội trợ chặt thịt ... Đối tượng của hội chứng đau khuỷu tay ở trong độ tuổi từ 30 và 50. Tất cả mọi người đều có yếu tố nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ với PV Emđẹp, người mắc phải hội chứng này thường có những cơn đau nhẹ, sau đó những cơn đau tăng lên trong vài tuần, bệnh nhân thường không có chấn thương liên quan.

Bệnh nhân có cảm giác đau hoặc rát trên phần ngoài của khuỷu tay, sức cầm nắm yếu. Triệu chứng đau sẽ tăng khi cử động cánh tay và cẳng tay như: vắt khăn, cầm búa, bắt tay, cầm ca nước...

Bài tập tăng cường cho tay

“Cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân là để cho cánh tay nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể thao, làm việc nặng trong vài tuần”. bác sĩ Xuân Anh nói.

Bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc kháng viêm không steroid làm giảm đau và sưng. Nếu tình trạng đau trầm trọng hoặc kéo dài, thuốc uống không hiệu quả thì bác sĩ có thể tiêm kháng viêm tại chỗ.

Ngoài nghỉ ngơi, uống thuốc thì bệnh nhân nên áp dụng theo bài tập kéo dãn cơ như sau, duỗi thẳng khuỷu tay và gập cánh tay rồi giữ vài giây, thả lỏng, lặp lại như vậy khoảng 10-20 lần, chú ý tập 3 lần/ngày. Người bệnh nên băng thun hoặc nẹp thun khuỷu tay trong khi làm việc hay chơi thể thao có thể làm giảm tổn thương gân và giảm đau.

 “Nếu khuỷu tay đau có thể chườm đá chỗ khuỷu tay đau 3 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút. Trường hợp đau mãn tính, chườm nóng trước khi tập luyện, làm việc và chườm đá để giảm sưng đau sau làm việc, tập luyện”, bác sĩ Xuân Anh cho hay. Bệnh nhân sẽ được điều trị theo cách phẫu phuật khi mọi biện pháp can thiệp nội khoa không hiệu quả.

Ng. Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ngồi xem TV vẫn có thể giảm cân siêu tốc nhờ 5 bài tập cực dễ ai cũng tập được