Ho trong những ngày hè, khi nào cần phải nhập viện?

2018-05-31 06:45
- Thời tiết nóng bức khiến cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm rất dễ mắc bệnh đường hô hấp.

Ho là một triệu chứng thường gặp vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp. Vào mùa hè, trong những ngày thời tiết nóng bức, trẻ được nghỉ học thường đi chơi, về quê, đi du lịch di chuyển tới nhiều nơi khiến trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút. 

Khi trẻ có triệu chứng ho, cha mẹ thường rất lo lắng và vội vàng đưa con tới viện. Chuyên gia khuyến cáo, trong những ngày hè, khi trẻ bị ho cần phải quan sát, không nên vội vàng đưa con tới viện để tránh trường hợp trẻ bị lây chéo và mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Ho trong những ngày hè khi nào cần phải nhập viện

Trẻ ho kèm sốt, ngực lõm cần phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện, ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay trẻ ho là một phản xạ tốt để tống dị vật (đờm, nước, rãi…) trong đường thở, vi khuẩn, vi rút ra ngoài phế quản giúp bảo vệ họng và phổi. Nếu trong những ngày hè trẻ có những tiếng ho về đêm, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Thay vì vội vàng đưa trẻ đi viện thì chăm sóc trẻ tốt hơn để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Hiện nay, có nhiều cha mẹ cho rằng con ho nhiều sẽ dẫn tới viêm phổi, ho ít sẽ không đáng lo. Đây là một quan niệm rất sai lầm. Bởi vì, tùy trường hợp với trẻ dưới 3 tháng tuổi, có khi bị viêm phổi sẽ ho rất ít.

Chuyên gia khuyến cáo không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà trẻ mắc phải như: viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

“Cha mẹ chăm sóc trẻ cần phải quan sát. Nếu ho kèm theo sốt, khó thở, thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực cần nghi ngờ trẻ bị viêm phổi. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện ngay lập tức để tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Nhiều trẻ tới viện ít ho hơn nhưng không ngờ rút lõm ngực mà mẹ không hề hay biết”, PGS.TS Dũng nói.

PGS.TS Dũng cho biết thêm, ho nhiều có thể là hệ quả của một bệnh khác. Trước đây, bác sĩ đã gặp trường hợp trẻ ho suốt 4-5 tháng không dứt, khi đi khám không ngờ  bị trào ngược dạ dày. Nguyên nhân là do cách cho ăn của người lớn, ép trẻ ăn quá nhiều hoặc xay nhuyễn tất cả các đồ ăn.

Dinh dưỡng khi trẻ bị ho trong những ngày hè

Theo TS. Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện y học ứng dụng, khi trẻ bị ho rất dễ bị nôn trớ, vì vậy để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cần phải chia nhỏ các bữa ăn. Khi trẻ mệt, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn loãng (cháo, súp) tránh cho trẻ ăn những đồ ăn lạnh.

Khi trẻ bị ốm, ho, cha mẹ nên xay nhuyễn đồ ăn để giúp trẻ dễ nuốt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Sơn, cha mẹ nên hạn chế xay nhuyễn thức ăn có thể thay đổi mùi vị khiến trẻ biếng ăn.

Để trẻ không bị ho vào những ngày hè cần chú ý:

Trẻ đi nắng về cần lau mồ hôi trước khi ngồi quạt và vào phòng đều hòa để tránh bị thấm ngược mồ hôi gây lạnh.

Không tắm ngay khi trẻ vừa đi chơi về và khi tắm xong không ngồi quạt ngay

Không để điều hòa quá thấp, quạt thẳng vào người trẻ.

Hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn đồ ăn lạnh.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 mỹ nhân Hoa ngữ chạm ngưỡng U50 - U60 vẫn trẻ đẹp, body siêu nuột 'ăn đứt' gái đôi mươi