Ép hoa quả lấy nước tưởng tốt hoàn toàn nhưng lại đang bỏ đi chất quan trọng này với cơ thể

Ngọc Minh 2017-06-20 06:45
- Nước ép trái cây chỉ lấy được dinh dưỡng và khoáng chất nhưng lại bỏ sót một số dưỡng chất quan trọng.

Có nên dùng nước ép thay thế ăn hoa quả?

Mùa hè này, nhiều gia đình lựa chọn ép trái cây lấy nước hoặc xay nhuyễn ra để ăn. Nước ép trái cây được các chị em cho là một giải pháp thay thế khi trẻ lười ăn hoa quả miếng, tiết kiệm thời gian, đơn giản dễ thực hiện.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nước ép trái cây là một lựa chọn tốt trong điều kiện nếu không ăn đủ rau xanh và trái cây. Trong trường hợp trẻ ăn được ít rau xanh và trái cây thì bổ sung nước ép trái cây là rất cần thiết, giúp cho trẻ đủ dưỡng chất dễ hấp thu. Tuy nhiên, nước ép trái cây không thể thay thế được việc ăn hoa quả trực tiếp.

Lãng phí dinh dưỡng nếu chỉ dùng nước ép trái cây

Nước ép trái cây chỉ lấy được vitamin và khoáng chất nhưng lại bỏ lại chất xơ, ảnh minh họa.

“Nước ép trái cây chỉ lấy được vitamin và chất khoáng nhưng lại bỏ đi chất xơ. Chất xơ trong hoa quả có vai trò quan trọng tốt cho tiêu hóa phòng tránh các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Sử dụng nước ép trái cây sẽ không lấy được một phần dưỡng chất quan trọng có trong vỏ. Vỏ trái cây thường là phần giàu vitamin và chất chống oxy hóa nhất. Ví dụ, vỏ táo nhiều xơ, vitamin C và vitamin A. Nghiên cứu cho thấy vỏ hoa quả có thể giúp giảm nguy cơ béo phì và ung thư. Tuy nhiên, chỉ nên ăn vỏ khi tin tưởng vào tính an toàn của trái cây”, TS.BS Trương Hồng Sơn nói.

Việc dùng nước ép trái cây có thể làm cho đường huyết của trẻ bị tăng đột ngột nếu uống các loại nước như cà rốt, củ cải đường… khi không ăn thêm thức ăn gì khác. Trong nước ép trái cây sẽ có một lượng tinh bột nhất định vì vậy nếu uống quá nhiều có thể khiến tăng cân, ở trẻ thừa cân béo phì sẽ không kiểm soát được cân nặng.

TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, khi cha mẹ dùng nước ép trái cây cho trẻ thường cho thêm một lượng đường nhất định. Mục đích lượng đường cho vào giúp tạo vị ngọt cho trẻ dễ uống. Nhưng việc cho thêm đường sẽ làm cho trẻ có thói quen ăn đồ ngọt. Ăn quá ngọt dễ dẫn tới thừa cân béo phì và nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa.

Ăn trái cây như thế nào để tốt cho sức khỏe?

TS.BS Trương Hồng Sơn cho hay, trái cây là thực phẩm lành mạnh tốt cho cơ thể, ít chất béo, Na thấp, K cao, nhiều vitamin và các vi chất khác. Trái cây là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Chất xơ trong trái cây giúp cơ thể giảm được bệnh tim mạch và giảm cholesterol xấu trong máu. Chế độ ăn giàu các loại hoa quả giảm nguy cơ được bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Chất xơ có trong trái cây, rau củ sẽ làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu.

Để tận dụng được toàn bộ dinh dưỡng trong trái cây nên ăn cả vỏ. Tuy nhiên, khi ăn cả vỏ phải đảm bảo nguồn gốc của trái cây an toàn. Trước khi ăn cần ngâm trái cây trong nước sau đó rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ các chất tồn dư có trong quả.

“Khi ăn hoa quả cần phải lưu ý một số loại hoa quả vị chua có tính axit cao có thể gây ra sỏi thận. Hoa quả vừa có vị chua và chát có thể gây vón tắc ruột. Người mới phẫu thuật, người có nhu động ruột kém không nên ăn loại hoa quả có nhiều vị chua và chát. Không dùng hoa quả ăn thay thế bữa ăn chính. Khi cơ thể thiếu chất bột đường nó sẽ huy động từ các nguồn khác nhau. Thiếu chất bột đường có thể ảnh hưởng tới hoạt động của não và khiến cho cơ thể dễ bị mệt mỏi. Hạn chế ăn những loại hoa quả sấy vì lượng đường thường rất cao dễ gây thừa đường”, TS.BS Trương Hồng Sơn chia sẻ.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đến Seoul chụp ảnh ở đâu là đẹp nhất?