2 điều tự làm khi mắc sốt vi rút chẳng những VÔ TÁC DỤNG lại NGUY HIÊM TÍNH MẠNG

2017-09-14 11:00
- Mắc sốt vi rút không nên quá thờ ơ nhưng cũng không cần quá lo lắng đặc biệt không mua thuốc kháng sinh tự uống tại nhà.

Thấy con bị sốt cao nên chị Nguyễn Kim Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) không mở cửa và bắt con ở trong phòng kín cả ngày.

Chị Oanh cho rằng, cách cho con ở trong phòng kín sẽ tránh được vi khuẩn, vi rút bên ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể nên sẽ khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên, sau 4 ngày sốt cao liên tục, các triệu chứng của bệnh không hề giảm. Khi chị Oanh đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt vi rút đã có dấu hiệu biến chứng viêm phổi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốt vi rút là bệnh lưu hành quanh năm nhưng bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa thu – đông và xuân. Đây là khoảng thời gian vi rút có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh nhất. Khi mật độ vi rút trong môi trường sống cao thì nguy cơ mắc bệnh là rất lớn.

Khi sốt vi rút tuyệt đối không đóng cửa để cả nhà không bị mắc bệnh

Khi bị sốt vi rút thay vì ở trong phòng quá kín nên mở cửa sổ vừa đủ cho thoáng khí.

Sai lầm rất cơ bản khi điều trị sốt vi rút mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhận thấy là thói quen ít làm sạch môi trường sống ở các gia đình có người mắc bệnh. Những ngôi nhà cao tầng xây theo hình ống thường xuyên đóng kín cửa, không có ánh nắng mặt trời vào nhà là môi trường thuận lợi cho vi rút phát triển. Do điều kiện môi trường sống không thông thoáng sẽ làm cho mật độ vi rút trong nhà và trên các vật dụng cao nên nguy cơ cả nhà mắc bệnh là điều dễ hiểu.

“Làm sạch môi trường sống bằng cách mở cửa nhà đón nắng giúp cho phòng thông thoáng, giảm số lượng mật độ vi rút trong nhà (tuyệt đối không đóng cửa). Ngoài ra, khi bị sốt vi rút cần phải ăn uống đa dạng, không nên kiêng khem để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Dùng thuốc kháng sinh và truyền dịch... vô tác dụng

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi bị sốt vi rút không ít người lại coi nhẹ và cho rằng đó là cảm cúm thông thường chỉ cần uống thuốc hạ sốt là hết bệnh. Tâm lý chủ quan nên vẫn đi làm với cường độ cao khiến cho miễn dịch cơ thể yếu đi, khi có biến chứng mới vào viện đã rất nguy hiểm.

Bên cạnh một số người chủ quan thì có nhiều người lại tỏ ra lo lắng thái quá khi bị sốt vi rút. Để nhanh khỏi, không ít người ra hiệu thuốc yêu cầu bán loại kháng kinh liều cao.

“Dùng kháng sinh trong trường hợp bị sốt do vi rút hoàn toàn vô tác dụng. Không có chuyện uống thuốc kháng sinh hôm nay thì ngày mai bệnh sẽ khỏi ngay. Theo cơ chế của bệnh, vi rút khi xâm nhập vào cơ thể ngày thứ 2 sẽ có số lượng nhiều nhất trong người và gây ra những triệu chứng ở cơ quan mà nó tấn công. Tới ngày 3,4,5 số lượng vi rút giảm, cơ thể sẽ loại thải ra dần. Từ ngày 6-7, hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh lên sẽ tự tiêu diệt vi rút. Sốt vi rút có thể tự khỏi sau 1-2 tuần mà không cần phải dùng thuốc”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, hiện nay, điều trị sốt vi rút chủ yếu là điều trị triệu chứng có nghĩa là bệnh nhân có triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng đó. Chưa có thuốc đặc hiệu để diệt được vi rút, trên thế giới đã nghiên cứu thuốc để tiêu diệt vi rút nhưng để diệt được vi rút vẫn đang là một thử thách hết sức khó khăn đối với ngành y tế.

Một số người khi bị sốt vi rút thường tự ý đi truyền dịch, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, điều này rất nguy hiểm. Việc có nên truyền dịch khi bị sốt vi rút hay không phải có sự chỉ định của bác sĩ. Việc truyền dịch không phải là cách giúp nâng cao đề kháng chỉ sau một ngày. Truyền dịch sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị sốt cao liên tục, không thể bổ sung được nước bằng đường uống. Khi đó, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tóc Tiên tiết lộ sốc về bản thân: "Cấp 3 tôi bỏ nhà đi, khi lớn hơn tôi bỏ nhà theo trai"