Yên Bái: Báo động tình trạng phụ nữ bị lôi kéo vượt biên

2016-11-18 20:39
- Hơn 1 năm trở lại đây, 90 chị em người dân tộc thiểu số, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã bị dụ dỗ, lôi kéo rời khỏi địa phương. Nhưng con đường vượt biên không giống như trong giấc mơ của họ, đó là một đoạn đường đắng cay, tủi nhục và đẫm nước mắt.   

Nước mắt vượt biên  

Mỵ, ánh mắt dè dặt, gương mặt vẫn còn hoảng hốt khi nhớ lại quãng thời gian như địa ngục, bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Vừa trở về từ bên kia biên giới, Mỵ là phụ nữ may mắn duy nhất trong 15 phụ nữ của thôn bỏ nhà đi nơi khác, được Công an Trung Quốc trao trả về địa phương.  

Tôi gặp Mỵ trong chuyến công tác tại một huyện vùng cao Tây Bắc. Trên chuyến xe ngược đèo, Mỵ kể cho tôi nghe câu chuyện của đời mình.  

Sinh ra tại một vùng đất nghèo huyện Trạm Tấu, có chồng và 2 con, cuộc sống của cô cũng khá ổn định, không giàu có nhưng êm ấm, một người chồng hết mực yêu thương. Nhưng cũng giống bao chị em phụ nữ khác, khi nghe một người xấu cùng thôn dụ dỗ, vẽ ra cho Mỵ những  viễn cảnh lấy chồng giàu sang, sống ở nơi đô thị phồn hoa như trên mấy bộ phim Mỵ đã từng xem nên Mỵ đã dao động.     

    Một nạn nhân trở về sau vượt biên.     

Lần đầu tiên, tôi ngồi nghe một người phụ nữ kể chuyện về cuộc đời của mình trong nước mắt. Mỵ bảo: “Họ gạ gẫm tôi một vài lần, cho tiền đi ô tô và tôi đã bỏ lại gia đình, chồng con ở nhà để trốn đi”.   

Câu chuyện của Mỵ nhiều lần bị ngắt quãng, cô liên tục lấy vạt áo chấm những giọt nước mắt lăn dài trên má. “Họ nói ở Trung Quốc không cần lao động vất vả, được lấy chồng giàu có, sống ở thành phố. Lúc đầu tôi không tin, nhưng họ cứ gọi điện thúc giục, cho tiền đi xe và bảo tôi vượt biên. Vì vậy mà tôi tin và đi theo".  

Nghe theo những lời ngon ngọt, Mỵ xuống huyện và được hai người thanh niên lạ mặt đi xe máy đến đón đi từ 12h trưa. Đi mãi đến tận Lào Cai họ mới cho cô ăn một bữa, rồi họ lại đưa Mỵ qua những con đường đầy đá sỏi lởm chởm. “Họ để tôi ở một con đường mòn nhỏ, tôi nghe được họ nói đấy là con đường giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau đó là liên tục những đợt gọi điện trao đổi buôn bán".  

Theo dòng cảm xúc của quá khứ đau buồn hiện lên trong tâm trí, Mỵ kể: “Tôi mệt mỏi vì đi liên tục, nhưng họ không cho nghỉ. Con đường biên đất đá lởm chởm, heo hút khiến tôi ứa nước mắt, tôi ân hận nhưng không thể trốn về. Đến khi xe dừng lại, bước xuống xe, tôi thấy một bản làng cheo leo trên đỉnh núi, chẳng khác gì bản làng Sán Trá. 4 ngày liên tục, với những cuộc mua đi bán lại, có lúc tôi muốn chết đi cho xong".  

Nhưng có lẽ Mỵ lại là người may mắn hơn rất nhiều chị em phụ nữ có cùng cảnh ngộ. Trên đường mòn mà cô không biết địa danh, Mỵ được Công an Trung Quốc giải cứu cùng với một người phụ nữ khác. Sau đó được bàn giao về địa phương trong những ngày cuối tháng 3.  

Trong cuộc đời còn lại của Mỵ, chắc hẳn chẳng bao giờ cô quên những ngày tháng mà cô từng trải khi ôm ước vọng đổi đời. Sau tất cả những gì Mỵ trải qua, gia đình cô, chồng cô luôn sẵn lòng giang rộng vòng tay, tiếp tục yêu thương Mỵ. “Về nhà tôi được gia đình nhà chồng tha thứ. Tôi coi đây là bài học không bao giờ quên. Tôi muốn nói với chị em, đừng bao giờ nghe lời người xấu xúi giục để vượt biên".  

Thực trạng đáng báo động  

Số phận của những phụ nữ vượt biên hầu hết đều giống nhau, đó là ở nhà cảm thấy cuộc sống còn khó khăn hoặc mâu thuẫn với chồng và gia đình nên nạn nhân bị rủ rê lôi kéo rời khỏi địa phương. Những người may mắn khi đến cửa khẩu được Công an nước bạn ngăn chặn đưa về, hoặc tìm được người thân và trốn về nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều số phận giờ không biết sống chết ra sao.  

Chị Mè Thị Lẩu (thôn Pa Te, xã Túc Đán), chồng mất sớm, chị lại bị khuyết tật ở chân nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, mấy mẹ con sống lương tựa vào nhau. Vào khoảng tháng 8/2014, con gái lớn của chị Lẩu là Lèo Thị Y (SN 2000), đang học lớp 8 thì bỏ học, đi theo một số người trong thôn, nói là đi làm nhưng đến nay không rõ tung tích.  

“Khi con tôi cùng mấy người đi làm ăn xa, nó mới được 14 tuổi. Vì gia đình tôi khó khăn quá nên năm ngoái nó đã bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi gia đình và mấy em ăn học. Mới đầu tưởng đi làm ở trong nước thôi, ai ngờ giờ đi xa quá. Gia đình chỉ biết nó đang ở Trung Quốc, nhưng cụ thể không biết ở đâu, làm gì. Gia đình tôi không yên tâm, thương con và sợ có chuyện gì không may xảy ra với cháu".  

Chị Phàng Thị Dê, 35 tuổi, trú tại thôn Păng Dê xã Bản Mù, là một trong những nạn nhân được Công an Trung Quốc trao trả về địa phương vào đầu tháng 12/2015. Trước đó chị Dê đã nghe lời của một người đàn ông dân tộc Mông, giới thiệu mình ở Lào Cai, nói là thương hoàn cảnh của chị vì chồng mất sớm, một mình chị phải chăm nuôi 5 đứa con nhỏ nên muốn lấy chị về làm vợ và lo cho mẹ con chị một cuộc sống ấm lo.  

Vì nhẹ dạ cả tin nên chị đã đi theo và bị người đàn ông đó bán sang Trung Quốc lúc nào không hay. Sau khi đi được mấy hôm, chị phát hiện mình bị lừa, được sự giúp đỡ của một hộ dân Trung Quốc, chị Dê đến Công an Trung Quốc trình báo sự việc. “Vì nghe theo lời người xấu bảo lo cho mẹ con mình cuộc sống ấm lo, nên mình đã bị họ lừa đưa đi Trung Quốc. Họ đã đưa mình đi xem mặt một số người, trong đó có cả người đã già hơn 60 tuổi rồi. Khi mình phát hiện ra mình bị lừa, được sự giúp đỡ của một gia đình tốt bụng, nên mình đã đi trình báo Công an Trung Quốc và được trả về", chị Phàng Thị Dê chia sẻ.     

    Những đối tượng thường bị lợi dụng là những chị em vùng cao, ít hiểu biết và thường có mâu thuẫn trong gia đình.     

Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu, bà Lưu Thị Quế cho biết: "Nguyên nhân chính của việc "mất tích" tại huyện Trạm Tấu, Yên Bái được xác định là do phong tục tập quán còn lạc hậu, con gái dễ tin kẻ xấu; đời sống kinh tế khó khăn và những mâu thuẫn trong gia đình gây áp lực. Tội phạm mánh khóe đã nghĩ ra nhiều chiêu thức đánh vào tâm lý của người phụ nữ, vốn không được chiều chuộng, hoặc vừa bị chồng mắng chửi…Điều này làm họ tủi thân, nên họ đã nghe người khác nói vượt biên để sang Trung Quốc, lấy được chồng vừa tử tế, vừa giàu có, họ tin ngay, dù không biết thực tế như thế nào".  

Theo bản thông kê chính thức của huyện, tính đến 7/2016 cả huyện có 90 chị em “mất tích”. Trong đó nhiều nhất tập trung vào 3 xã: Xã Túc Đán (24 người); xã Xà Hồ (12 người); xã Trạm Tấu (12 người). Hiện nay, chỉ có 7 chị em trở về trong tổng số 90 chị em bị “mất tích”.  

Trong số 90 nạn nhân của những vụ “buôn người”, và tự nguyện bỏ đi khỏi địa phương có hơn một nửa bị mù chữ hoặc chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những tên “buôn người”.     

    Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động chị em cảnh giác trước việc lôi kéo của các đối tượng xấu."     

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, ông Nguyễn Văn Xa cho biết: "Phần lớn trong số 90 chị em phụ nữ đều vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Đối tượng chủ yếu là chị em phụ nữ ít học, có hoàn cảnh khó khăn, bị rủ rê lôi kéo với giấc mơ lấy được chồng giàu, thoát khỏi cuộc sống nông thôn nhưng sự thật lại không như chị em mong đợi".  

Trước thực trạng diễn ra ở địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các ban ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ cảnh giác trước việc lôi kéo của các đối tượng, đồng thời các đoàn thể chủ động thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ yên tâm lao động sản xuất, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.  

Theo Báo Công Lý   

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mẹ chồng thuộc 3 con giáp này thì xác định cuộc đời con dâu sung sướng không ai sánh bằng