Xót lòng người cha gầy teo tóp, suy kiệt nặng vì u bướu và lao ruột

2017-04-07 14:15
- Nằm lịm trên giường bệnh, cơ thể anh gầy teo tóp chỉ còn một nhúm xương với những chiếc xương sườn lộ rõ. Căn bệnh u bướu và lao ruột đã cướp đi sức khỏe của anh khiến đàn con nheo nhóc phải nghỉ học đi chăm bố dưới viện.

Đó là câu chuyện về cuộc đời anh Phùng Sinh Hội, 40 tuổi (thôn Tả Lán, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Anh Hội nhập viện trong tình trạng suy kiệt nặng do bị u bướu và bệnh lao ruột cùng với vết mổ phẫu thuật đang bị nhiễm trùng. Nằm trên giường bệnh, cơ thể anh xanh xao yếu ớt. Đến việc thở cũng trở nên khó khăn. 

Kể về căn bệnh của mình, anh khó nhọc thều thào cho biết, tháng 11/2016, anh thấy cơ thể yếu và gầy đi nhanh chóng. Cộng thêm những cơn đau kéo đến thường xuyên khiến anh không thể làm được việc gì.

Bình thường, sức khỏe của anh cũng yếu, chẳng làm được việc nặng. Nhưng đến thời điểm cuối 2016, đến những việc đơn giản như mang vác một vật nặng khoảng 5kg cũng trở nên khó khăn đối với anh.

Xót lòng người đàn ông chưa đầy 30kg do mắc bạo bệnh

Anh Hội tiều tụy trong cơ thể nặng chưa đầy 30kg.

Biết là đi viện sẽ tốn kém rất nhiều tiền nhưng vì đau quá, anh Hội vẫn phải vay tiền để đi khám xem bệnh tình của mình ra sao. Tại bệnh viện đa khoa huyện Quản Bạ, 2 lần khám ở đây nhưng anh Hội không phát hiện ra bệnh gì. Vì thế anh lại về nhà.

Nhưng khi về nhà, những cơn đau vẫn cứ kéo đến triền miên. Vì thế, khi ăn Tết xong, ngày 22/2/2017, anh Hội lại khăn gói một mình lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán anh bị lao ruột, u bướu, sức khỏe suy kiệt nặng.

Xót lòng người đàn ông chưa đầy 30kg do mắc bạo bệnh

Anh Hội đang nằm viện điều trị vết nhiễm trùng sau phẫu thuật và điều trị bệnh u bướu.

Ngày 20/3, anh được phẫu thuật cắt toàn bộ ruột non. Sau đó anh được chuyển sang bệnh viện lao phổi Hà Giang để điều trị tiếp. Sau khi phẫu thuật, vết mổ của anh Hội lại bị nhiễm trùng. Hiện tại, anh vẫn đang phải nằm viện điều trị bệnh u bướu và điều trị vết nhiễm trùng sau phẫu thuật lao ruột.

Kể về gia đình mình, anh Hội thều thào: “Tôi là người dân tộc Dao, hai vợ chồng có 4 đứa con gái. Cháu lớn nhất năm nay mới 17 tuổi. Cháu bé vừa tròn 5 tháng tuổi. Sức khỏe của tôi ốm yếu từ lâu nên chẳng làm được việc nặng. Vì vậy kinh tế trong nhà cũng eo hẹp. Hai vợ chồng chỉ cố gắng cho mấy đứa trẻ được ăn học nếu chúng còn học được. Nhưng giờ tôi đi viện thế này, tiền chẳng có một đồng. Trong nhà chỉ có vài bao ngô. Đi vay họ hàng, làng xóm được hơn 1 triệu để đi viện. Cũng còn chưa biết viện phí tất cả hết bao nhiêu. Nhưng bác sỹ nói, tôi còn phải điều trị ở đây rất lâu nữa mới được xuất viện”.

Cụ thể, vợ chồng anh Hội có 4 người con. Cô bé Phùng Thị Tiến (17 tuổi) là con gái đầu lòng hiện đang theo học lớp 11 tại trường THPT Quản Bạ; bé Phùng Thị Liên (đang học lớp 7), học bán trú ngoài thị xã; em Phùng Thị Linh (lớp 5) và con gái út là Phùng Thị Chi (5 tháng tuổi).

Trò chuyện với bé Phùng Thị Tiến (17 tuổi), con gái lớn của anh Hội đang chăm bố trong viện. Cô bé cho biết: “Cháu đang là học sinh lớp 11 trường THPT Quản Bạ. Đi học bán trú ngoài thị xã. Nhưng mấy hôm nay bố ốm, nhà chẳng có ai chăm sóc nên cháu nghỉ học 2 tuần để về viện chăm bố”.

Nói về bệnh của bố mình, cô bé kể rằng, bố ốm quanh năm suốt tháng. Ở nhà cũng chưa bao giờ làm được việc nặng. Tất cả đều đè nặng lên đôi vai của mẹ em tên Đặng Thị Mai năm nay đã gần 40 tuổi.

Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ ruột non, anh Hội lại bị nhiễm trùng vết mổ khiến cơ thể anh vốn đã yếu, nay lại càng trở nên yếu hơn. Mỗi bữa anh chỉ ăn được một hộp cháo nhỏ. Hàng ngày các bác sĩ vẫn truyền thuốc và tiêm.

Xót lòng người đàn ông chưa đầy 30kg do mắc bạo bệnh

Chị Đặng Thị Mai, vợ anh Hội chị cho biết, bình thường ở nhà chị có cháu thứ 3 và cháu út 5 tháng tuổi. Từ cuối tháng 2 đến nay, dù chồng đang phải nằm viện điều trị nhưng chị còn con nhỏ, bò lợn ở nhà không ai chăm và hàng ngày chị vẫn phải đi làm nương nên không thể xuống chăm chồng được. Vì thế, các con lớn của chị phải nghỉ học và thay nhau xuống chăm sóc bố.

“Chồng tôi vốn ốm yếu từ lâu nên không lao động được việc nặng. Nhà đông con, làm nương chẳng được mấy nên để đưa chồng đi viện, tôi đã chạy vạy khắp họ hàng. Đến giờ thì chẳng vay ai được nữa rồi. Thỉnh thoảng có người họ hàng xuống viện thăm cho 100-200 ngàn thì có tiền tiêu, chứ chẳng biết nhờ cậy vào ai nữa”, chị Mai than thở.

Hiện tại, anh Hội vẫn phải nằm viện điều trị tại khoa CC-HSTC&CĐ Bệnh viện lao phổi Hà Giang. Trao đổi với bác sỹ Dũng, người trực tiếp điều trị cho anh Hội, bác sĩ cho biết: "Tình trạng bệnh nhân Hội đang phục hồi vết nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nhưng lỗ dẫn lưu ổ bụng còn nhiều dịch thấm băng. Bệnh nhân đang được điều trị lao ruột theo công thức lao. Thời gian xuất viện của bệnh nhân chúng tôi vẫn chưa thể thông báo cụ thể vì sức đề kháng của cơ thể anh Hội rất kém. Vì thế, tiên lượng việc điều trị sẽ lâu hơn".

Nói về hoàn cảnh gia đình anh Hội, ông Triệu Lùng Lèng, trưởng thôn Tả Lán, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: "Nhà chú Hội éo le lắm. Từ mấy năm trở lại đây, chú ấy có đi làm được gì đâu. Chỉ ở nhà loanh quanh nấu cơm cho vợ con. Đã nghèo nhưng lại vợ chồng lại đẻ nhiều nên kinh tế khó khăn. Được cái mấy đứa trẻ học giỏi. Gia đình chú ấy thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn mấy năm nay rồi. Cứ thế này không biết bao giờ mới thoát nghèo".

Vị trưởng thông này cũng cho biết thêm, bình thường gia đình chú Hội đã chẳng đủ ăn, nay còn gánh thêm tật bệnh, thêm gánh nợ như vậy thì sống sao được. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nhưng cũng chỉ được phần nào. Mấy con nhà chú Hội đi học bán trú được hỗ trợ giảm 50% tiền học phí, gạo cũng được nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 15kg. Ngoài ra nhà nước cũng có hỗ trợ 500 ngàn, cả tiền ăn và tiền trọ cho hai cháu bé nhà chú Hội. Nói chung gia đình nhà họ thực sự đang rất túng quẫn và khó khăn.

Dương Tuệ Mẫn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập giảm mỡ bụng cho dân văn phòng