Thu Hà Nội về, mùa cốm xanh non đầu mùa "hớp hồn" chị em Hà thành

2017-09-08 06:50
- Buổi sáng tinh mơ se se lạnh nhắc nhở người Hà Nội rằng, mùa thu đã bắt đầu về trước cửa ngõ Thủ đô. Đi cùng với đó là hương cốm thơm nhẹ nhàng và tiếng rao cốm lảnh lót trên các khu phố nhỏ.

Tháng 9 dương lịch cũng là thời điểm mùa cốm đã về Hà Nội. Nhiều người cảm thấy hân hoan vì cuối cùng đã có thể được ăn những hạt cốm tươi mới, mềm mại, thơm nức mùi sữa lúa. 

Tại Hà Nội, ngoài cốm làng Vòng nổi tiếng, còn có làng cốm Mễ Trì, Từ Liêm vẫn còn lưu giữ được nét tinh hoa của món ăn vặt dân giã Hà thành. Từ cuối tháng 7 đến nay, các hộ gia đình làm cốm tại Mễ Trì đã bận rộn gặt lúa để chuẩn bị cho những mẻ cốm chính vụ đầu mùa thơm ngon nhất. 

Mùa thu gõ cửa, cốm non mềm chính vụ hớp hồn chị em Hà thành

Cốm có thể làm được rất nhiều món ngon như xôi cốm, bánh cốm, chả cốm, chè cốm... nhưng cốm tươi thơm mềm là thứ được yêu thích nhất. Người sành ăn thường thưởng thức cốm tươi với chuối tiêu chín, vị dẻo bùi của cốm kết hợp với hương thơm ngọt mát của chuối khiến món ăn vặt này rất hấp dẫn, khiến người ta muốn ăn mãi không thôi. 

Chị Ngọc Lân, một người làm cốm tại Mễ Trì, Hà Nội cho biết, cứ đến đầu tháng 5, gia đình chị lại bắt đầu thu gặt lúa non về để làm cốm: "Từ tháng 5 đã có cốm tươi rồi nhưng đấy là mùa cốm chiêm, ăn cũng ngon nhưng vì thời tiết nóng bức, không thích hợp để thưởng thức cốm nên ít người ăn. Phải đến sau Rằm tháng 7, lứa cốm tiếp theo được thu hoạch vào mùa thu mát mẻ mới được nhiều người yêu thích".

Mùa thu gõ cửa, cốm non mềm chính vụ hớp hồn chị em Hà thành

Chị Lân cho biết, đầu thu là mùa của cốm non. Nhiều người thích ăn cốm non tươi vì mềm dẻo, nhai trong miệng vẫn còn thoang thoảng mùi thơm tươi mới.

"Người làm cốm thường phân cốm ra thành 3 loại, cốm non đầu mùa vừa ngọt vừa dẻo thường được ăn trực tiếp hoặc ăn kèm chuối tiêu chín, cốm giữa mùa thường dùng để làm chả cốm. Còn cốm cuối mùa thì thường làm xôi, chè vì hạt thường to, dày và cứng", chị Lân nói.

Từ đầu tháng 7 trở lại đây, gia đình chị Lân đã xuất bán trên 1 tạ cốm non. Đặc biệt, trong dịp lễ Quốc khánh và Rằm tháng 7, mỗi ngày chị xuất đi gần 30kg cốm cho khách, bao gồm cả cốm tươi và cốm khô: "Cốm tươi mềm dẻo, vẫn còn ẩm nên chỉ có thể bán cho khách nội thành. Rất nhiều khách ở các tỉnh xa như Biên Hòa, Đồng Nai muốn mua cốm tươi nhưng tôi chỉ dám bán cốm khô. Cốm tươi hút chân không cũng chỉ để được khoảng 2 - 3 ngày, nếu gửi cốm theo đường bưu điện thì rủi ro rất cao nên tôi đành từ chối".

Mùa thu gõ cửa, cốm non mềm chính vụ hớp hồn chị em Hà thành

Chị Lân cho hay, hiện 1kg cốm tươi có giá khoảng 210.000 đồng/kg, cốm khô giá khoảng 220.000 đồng/kg. Cốm được làm sạch sẽ, có màu xanh đẹp tự nhiên, đóng gói bao bì và được chuyển tận tay khách hàng. Ngoài ra, còn có chả cốm làm từ cốm mộc và thịt lợn sạch, có giá khoảng 170.000 đồng/kg, xôi cốm giá 180.000 đồng/kg...

Anh Trung Dũng - chủ một cơ sở sản xuất cốm tại Mễ Trì cho biết, truyền thống làm cốm của Mễ Trì đã có từ rất lâu. Mặc dù cốm Mễ Trì không thực sự nổi tiếng bằng cốm làng Vòng nhưng vẫn luôn giữ được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Anh Dũng cho biết: "Đầu mùa thường có cốm non thành phẩm là loại cốm có màu xanh rất đẹp nên rất thích hợp để làm các món ngon bày biện trong các mâm cỗ, cưới hỏi. Cốm non cũng được phân ra nhiều loại, nhưng ngon nhất vẫn là cốm lá me.

Loại cốm này mỏng, ăn dẻo nhưng số lượng rất ít nên chỉ được bán theo từng lạng, 1 lạng cốm lá me có giá khoảng gần 40.000 đồng, đắt hơn một chút so với những loại cốm thành phẩm khác.

Hiện tôi cũng đang cung cấp loại cốm mộc, dùng để ăn trực tiếp như cốm non nhưng không có màu xanh đẹp mà chỉ có màu vàng xanh nhạt. Lý do là bởi cốm mộc được làm khi hạt lúa đã cứng, nhưng hương vị của chúng ăn khá ngon".

Mùa thu gõ cửa, cốm non mềm chính vụ hớp hồn chị em Hà thành

Chủ cơ sở sản xuất cốm cũng cho hay, gia đình anh có khoảng 5 sào ruộng trồng lúa nếp cái hoa vàng để làm cốm. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh làm việc hết công suất cũng thu được 1 mẻ cốm khoảng 40kg, đủ để đáp ứng nhu cầu của khách.

"Tính ra làm cốm lãi hơn nhiều so với bán thóc gạo thường nhưng cũng vất vả lắm. Nhiều người hỏi cốm cũng chỉ là lúa gạo thôi, có phải trân phẩm gì đâu mà sao giá đắt gấp 5, 6 lần gạo thường. Lý do là bởi nghề làm cốm cũng là một nghề lấy công làm lãi, để làm được 1 mẻ cốm như vậy thì cả gia đình 5 người phải quần quật suốt 8 tiếng, mất rất nhiều công sức" - anh Dũng bộc bạch.

Hiện trên trang fanpage mà anh Dũng lập ra để quảng bá sản phẩm luôn có khoảng 5 - 10 đơn đặt hàng mua cốm mỗi ngày. Anh còn sẵn sàng bán cốm và chuối theo suất để thu hút khách.

"Tôi bán suất 50.000 đồng gồm 1,5 lạng cốm non cùng 5 quả chuối chín, suất ăn này rất được nhiều người đặt mua ăn thử vì giá cả cũng vừa phải. Nếu khách mua cốm riêng thì sẽ phải mua từ nửa kg trở đi thì tôi mới bán được" - anh Dũng cho hay.

Hiện rất nhiều người bán cốm dạo bán với giá 30.000 đồng/lạng cốm. Nếu so sánh ra thì mua cốm tại các cửa hàng lớn sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Mùa thu gõ cửa, cốm non mềm chính vụ hớp hồn chị em Hà thành

Trước đây, Mễ Trì có đến trên 60 hộ kinh doanh sản xuất cốm. Nhưng do cơ chế thị trường, thương hiệu làng nghề chưa thật sự được người tiêu dùng biết đến nên nghề làm cốm tại đây chỉ xem như giúp người dân đủ ăn và trang trải cuộc sống. Đến năm 2014, sự cố phát hiện 1 hộ kinh doanh dùng phẩm màu nhuộm cốm đã khiến người dân Mễ Trì trở nên lao đao khi người tiêu dùng quay lưng với cốm làng nghề.

Khoảng 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã quyết định đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cốm Mễ Trì thông qua các lễ hội làng nghề, tổ chức nhiều đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sản phẩm cốm Mễ Trì "sạch" trở lại trong mắt người tiêu dùng. Hiện nay, xã Mễ Trì chỉ có khoảng trên dưới 15 hộ tiếp tục giữ lửa nghề làm cốm. 

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng