Tết lặng lẽ của những bệnh nhân chạy thận phải ở viện ăn Tết

Trang Lê 2017-01-27 07:01
- 30 Tết, nhiều người đang hối hả dọn dẹp, đón Tết cổ truyền thì đối lập với không khí tất bật ấy là sự vắng lặng, lầm lũi của những bệnh nhân chạy thận tại khoa chạy thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 30 Tết nhưng không khí tại khoa chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội không có gì khác hơn ngày thường. Cảnh tượng vắng lặng ở đây ngày Tết làm bất kể ai cũng xót xa.

Từ cửa vào, khoa vẫn được đặt cây đào cho có không khí Tết. Nhưng dường như sự hiện diện của nó không đủ xua đi cái vắng lặng, cô đơn, lạc lõng khi không được đoàn tụ bên gia đình vào những ngày này. Với nhiều người trong xóm chạy thận, việc về quê ăn Tết là quá xa xỉ, vượt quá khả năng chi trả của họ.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Gặp chị Lê Thị Quyến sinh năm 1977 đang nằm viện tại đây cho biết, chị phải chạy thận từ năm 2012 đến nay cũng ngót ngét 5 năm.

Người phụ nữ này cho biết, chồng chị đã đột ngột qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau còn chưa nguôi, khó khăn còn chưa dứt thì sau đó, chị phát hiện ra mình mắc căn bệnh suy thận quái ác.

Gia cảnh nhà chị vốn nghèo khó nay lại càng khánh kiệt hơn vì cơn bạo bệnh. Hai đứa con của chị vì thế cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn. Đứa lớn chưa đủ tuổi đời đã phải bôn ba khắp nơi mưu sinh để nuôi mẹ.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Chị Quyến đọc báo để thời gian qua nhanh trong lúc chạy thận.

“Cuộc sống của tôi vất vả lắm, chồng mất rồi nên vừa phải lo tiền chạy thận cho bản thân, trong lúc nghỉ không phải chạy thận thì lại đan len làm thêm để nuôi con thứ hai đi học cho biết chữ. Con cả của tôi hiện cũng đã đi làm thuê cho người ta nên cũng phần nào nuôi sống được bản thân và đỡ đần mẹ”, chị Quyến nói.

Trong mấy năm chạy thận, tuần nào chị Quyến cũng phải đi xe buýt 6 lượt về quê ở Phú Xuyên. Có lần mệt quá không đi được chị phải ngồi ở viện mấy tiếng nghỉ ngơi mới bắt xe về nhà được. Ngoài những lúc nằm chạy thận trong viện, chị Quyến còn bán nước trong bệnh viện để kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng hiện tại chị cũng không còn được bán thêm nước trong viện nữa.

 “Năm ngoái tôi có thuê phòng trọ cho tiện đi lại nhưng từ khi họ cấm bán nước trong viện nên tôi không có tiền để thuê trọ nữa”, chị Quyến nói.

Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 đã đến, chị Quyến cũng không mong ước gì hơn. Chị chỉ mong Tết đến, bản thân không bị ốm đau bệnh tật là mừng nhất.

Chia sẻ về Tết năm nay, người đàn bà này cho biết: "Tôi không có nhiều tiền để sắm sửa đồ đạc hay quần áo nhưng chỉ mong không phải chạy thận vào ngày mùng 1 Tết để được đoàn tụ bên gia đình và người thân".

Một hoàn cảnh bệnh nhân chạy thận khác phải kể tới là chị Trần Phương Nhung. 30 Tết mà phòng chị vẫn không đào, không quất, không hoa, không kẹo bánh.

14 năm nay, chị Nhung phải gắn bó với bệnh viện. Một tuần người phụ nữ này không được lọc máu 3 lần thì căn bệnh suy thận sẽ cướp đi tính mạng của chị nhanh chóng.

Những ngày Tết này, chị vẫn lủi thủi ở trong phòng, hết nằm lại ngồi, rồi xem ti vi. Những lúc nằm trong viện lọc máu chị chỉ muốn thời gian trôi qua thật nhanh để được ngồi dậy và đi ra ngoài.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Một tuần 3 lần chị Nhung phải lọc máu trong viện.

Trong ngày 30 Tết, chị vẫn không khỏi chạnh lòng: “Tết là dịp nghỉ lễ thiêng liêng của mọi nhà, cả năm mới có 1 cái Tết. Những tưởng ai cũng mong Tết đến, nhưng với những bệnh chạy thận như chúng tôi, nói thật, ai cũng sợ Tết và xuân đến vì không biết còn sống được bao nhiêu nữa”.

Chị Nhung cho biết năm 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của cuộc đời người con gái, chị phát hiện mình bị bệnh suy thận, khi nhập viện cấp cứu chị Nhung bị thiếu máu trầm trọng. Độc tố lên rất cao gây suy đa phủ tạng, nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng đưa con gái đi bệnh viện để chạy chữa.

Đến nay, hơn 14 năm gắn bó với bệnh viện, chị Nhung không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bên bờ vực cái chết. Nhiều lúc chán nản, không muốn sống nữa nhưng chính những người bệnh giàu nghị lực ở xung quanh đã tiếp thêm sức mạnh cho Nhung vượt qua mọi đau đớn. So với những người cùng chạy thận với mình, chị Nhung thấy mình may mắn hơn vì còn được bố mẹ lo lắng, chăm sóc.

Tết là dịp để chị Nhung quây quần với những bệnh nhân chạy thận khác trên Hà Nội, chị chỉ tranh thủ về quê ăn Tết một ngày, hôm sau lại lên để lọc máu nên ba chữ “Tết đoàn viên” đối với chị Nhung vốn chưa bao giờ là trọn vẹn.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Bữa ăn trên giường bệnh khi đang chạy thận.

Nhưng không vì thế mà người phụ nữ này đau khổ, suy sụp: “Tôi đã từng mặc cảm, từng tủi thân không dám gặp bạn bè. Nhiều khi tôi thấy cô đơn, lạc lõng giữa nơi đất khách quê người, thậm chí không có một người thân nào ở Hà Nội. Song hiện tại tôi đang có rất nhiều người bạn chạy thận, họ luôn bên tôi động viên tôi và quan trọng nhìn họ tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Một người nhà bệnh nhân ngủ gục bên ghế.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán, chị Nhung chúc cho tất cả những con người đang phải chạy thận nhân tạo năm mới nhiều niềm vui, nhiều nghị lực và quan trọng là luôn vui vẻ.

“Cuộc sống luôn bất ngờ và ta không thể chọn lựa nhưng hãy chấp nhận hiện tại vì còn nhiều người không được hạnh phúc như mình. Đi được, nói được, nghe được là chúng ta hạnh phúc hơn người tàn tật nên đừng vì bệnh tật mà đau buồn, chán nản”, chị Nhung lạc quan nói.

Tại khoa chạy thận ngày 30 Tết này, những bệnh nhân nằm viện còn kể cho PV nghe về hoàn cảnh cô Nguyễn Thị Tới. Cô Tới sinh năm 1968 quê ở Hà Nam. Vì chạy thận nhiều năm nay nên thân hình cô Tới gầy guộc chỉ có da bọc xương, gương mặt khắc khổ đầy nếp nhăn cộng với nước da đen sạm khiến cô Tới già đi chục tuổi.

Lúc còn trẻ, nhà cô có vài sào ruộng nhưng hai vợ chồng cô rất thương yêu nhau. Vì thế, chắt chiu vợ chồng cô cũng đủ nuôi con ăn học.

Đâu ngờ, chỉ một thời gian sau cô Tới mắc bệnh suy thận phải lên Hà Nội chữa bệnh. Cả gia đình chạy vạy khắp nơi để có tiền cho cô đi chạy thận. Chồng cô cũng đi làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học và trang trải viện phí cho cô.

Mặc dù ốm đau, mệt mỏi là thế nhưng cô Tới vẫn luôn cố gắng đi bán nước kiếm tiền chữa bệnh. “Nhiều hôm cô mệt đến nỗi chân không muốn bước, hỏi chẳng buồn nói mà cô vẫn lê tấm thân gầy guộc đi bán. Đi làm vất vả là thế nhưng bữa cơm của cô không có gì ăn cả, chỉ có mấy con tép rang hay mấy bìa đậu phụ để sống qua ngày", một bệnh nhân chạy thận kể lại.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Những giấc ngủ chập chờn của các bệnh nhân chạy thận.

"Sau một thời gian làm lụng vất vả không có tiền bồi dưỡng thuốc men nên sức khỏe của cô Tới ngày một suy kiệt. Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối biến chứng khiến cô mắc thêm nhiều loại bệnh khác. Số tiền bán nước tích cóp cả năm trời của cô cũng dần tiêu tan”.

Nhiều người trong phòng này cho biết có đêm cô Tới ngủ mê sảng cứ như đang cầu cứu. Nhưng đáp lại tiếng gọi đó của cô, chỉ là âm thanh vắng lặng. Ai cũng thương cô Tới nhưng ai cũng nghèo như cô nên chẳng giúp được gì.

"Một hôm vào ngày cận Tết cách đây mấy năm, cô Tới dọn dẹp đồ đạc rồi đi khắp phòng chào mọi người để về quê. Khi cô Tới đi cả xóm chạy thận nghèo ai cũng nhói đau trong lòng vì mọi người biết rằng nếu không có tiền vay mượn của mọi người thì cô Tới không thể quay lại bệnh viện thêm một lần nào nữa", một bệnh nhân chạy thận đau xót kể lại.

Tết ở xóm chạy thận nhân tạo như thế nào?

Em Đức và bố đã ở khoa thận nhân tạo 5 năm.

chạy thận

1 bệnh nhân vừa ăn vừa lọc máu.

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Có ai hóng review chi tiết về em SRM này không