Tại sao đạo đức học sinh THPT xuống cấp nhưng điểm thi môn GDCD cao chót vót?

2017-07-09 06:50
- Xét điểm trung bình, môn GDCD năm nay khoảng 7,79 điểm. Đây là một trong những môn thi có điểm thi trung bình cao nhất trong các môn thi THPT Quốc gia. Tại sao đạo đức một bộ phận học sinh THPT xuống cấp nhưng điểm thi môn GDCD lại cao chót vót?

Mấy ngày nay, câu chuyện về điểm thi kỳ thi THPTQG 2017 luôn là một trong những vấn đề nóng bỏng mà dư luận hết sức quan tâm. Từ khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì có nhiều thí sinh đạt điểm 10.

Tại sao tệ nạn diễn ra ngày một nhiều nhưng điểm thi môn GDCD cao chót vót

Điểm thi trung bình môn GDCD là 7,79.

Bất ngờ hơn nữa đó là điểm thi môn giáo dục công dân (GDCD) năm nay cũng có điểm trung bình rất cao. Xét điểm trung bình, môn thi này năm nay khoảng 7,79 điểm. Đây là một trong những môn thi có điểm thi trung bình cao nhất trong các môn thi.

Nhiều người không khỏi nghi ngại đặt ra hàng loạt những câu hỏi trái chiều nhưng không phải không có lý. Đó là điểm thi môn này cao mà nhìn vào thực tế đời sống các học sinh hiện nay, họ không khỏi cảm thấy thất vọng khi tình trạng các học sinh đánh nhau hội đồng nhan nhản khắp nơi. Không chỉ nam sinh mà các nhóm nữ sinh cũng giải quyết sự việc bằng những cái túm tóc, bạt tai... Hay những cảnh yêu đương phản cảm của các cặp đôi tuổi teen diễn ra khắp các diễn đàn. Vậy có hay không sự trái ngược giữa “lý thuyết” và “thực hành” trong thực tế?

Học sinh mắc bệnh nói một đằng, làm một nẻo?

Trao đổi với PV Emdep.vn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là điều khiến nhiều người quan tâm đến đạo đức của giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng phải trăn trở. Bởi hiện tượng học giỏi nhưng hành kém, học một đằng làm một nẻo là hiện tượng rất phổ biến ở nước ta. Nói ngay người lớn chúng ta, cái kiểu nghĩ một đằng nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo, làm một đằng tính tiền một nẻo đang là hiện tượng rất phổ biến”.

Theo vị chuyên gia này, giáo dục là một bộ phận của xã hội; cho nên cách sống của nhiều học sinh cũng chỉ phản ánh một phần cách sống của người lớn. Và để khắc phục tình trạng này, theo ông cần có rất nhiều biện pháp, chứ không thể nói một cách đơn giản được.

"Hình thức thi tốt nghiệp sẽ được áp dụng ổn định từ nay đến năm 2020. Nhưng sau năm 2020, cách đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải khác đi, vì chương trình giáo dục mới là chương trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nếu tiếp tục duy trì một kỳ thi chung như thế này, chúng ta chỉ đánh giá được kiến thức và một số kỹ năng của học sinh. Muốn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh, cần phải giao cho trường, vì không ai có thể sát học sinh hơn giáo viên ở trường", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS.Thuyết lấy ví dụ cụ thể: "Môn Sinh học dạy học sinh về ô nhiễm môi trường. Nếu kỳ thi tốt nghiệp chỉ kiểm tra xem học sinh có nhớ nhiều kiến thức trong sách về ô nhiễm môi trường không thì giáo viên sẽ chỉ cố gắng nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Như vậy thì khó có thể thực hiện mục tiêu đào tạo những lớp người có năng lực thực tiễn.

Nhưng nếu giao cho học sinh thực hiện bài tập nghiên cứu về ô nhiễm môi trường ở một địa bàn cụ thể và nêu giải pháp khắc phục thì hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực tự học, năng lực thu thập và xử lý thông tin, năng lực hợp tác của các em. Việc này chỉ nhà trường và thầy cô trực tiếp dạy các em mới thực hiện được.

Tương tự như thế, đánh giá kết quả học tập môn GDCD cũng vậy. Thi trên giấy chỉ đánh giá được khả năng thuộc bài của thí sinh. Còn muốn đánh giá kết quả chuyển hóa từ kiến thức thành hành động như thế nào thì phải xem hành động thực tế của các học sinh thế nào. Việc này chỉ có nhà trường và thầy cô mới sát nhất. Trường ĐH có thể cấp bằng tốt nghiệp ĐH, thậm chí bằng tiến sĩ, thế thì vì sao trường THPT không thể cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh của mình?”.

Tại sao tệ nạn diễn ra ngày một nhiều nhưng điểm thi môn GDCD cao chót vót

Trong vấn đề này, giáo dục chỉ là một bộ phận trong xã hội. Điều ấy khiến học sinh cũng ảnh hưởng kéo theo một bộ phận giới trẻ có cách sống như vậy.

Trở lại với môn GDCD, GS.Thuyết nêu quan điểm: “Chương trình GDCD hiện hành được xây dựng từ năm 2000, nghĩa là cách đây đã 17 năm rồi. Bối cảnh mới, yêu cầu mới đòi hỏi nội dung và phương pháp dạy học môn này phải thay đổi.

Ví dụ, môn GDCD trong chương trình hiện hành dạy triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử cho học sinh THPT là không cần thiết và không phù hợp. Chương trình mới chúng tôi đang xây dựng sẽ khắc phục những nhược điểm này. Ở tiểu học, môn GDCD (có tên là Đạo đức) sẽ chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống. Lên THCS, trẻ sẽ tiếp tục được dạy kỹ năng sống, đạo đức và một số hiểu biết cơ bản về pháp luật, trong đó có những nội dung chuẩn bị cho hướng nghiệp như đạo đức của người lao động, đạo đức kinh doanh,...

Nhưng lên đến THPT, môn GDCD lại trang bị cho học sinh những kiến thức về kinh tế, pháp luật, phục vụ cho định hướng nghề nghiệp của các em, nhất là những học sinh có định hướng theo học các ngành kinh tế, pháp luật, hành chính,…".

Kiến thức sách vở xa rời thực tế khiến một bộ phận học sinh hư hỏng ngày càng nhiều

Bàn về vấn đề này, PGS. TS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: “Tôi chưa thấy quốc gia nào trên thế giới thi giáo dục công dân như ở Việt Nam. Bởi vì môn đạo đức, luân lý, giáo dục công dân là môn học sinh tự đánh giá là chính. Đánh giá đó căn cứ vào hành vi chứ không phụ thuộc vào việc thuộc bài. Vậy nên tổ chức thi môn này thì kỳ lạ. 

Tại sao tệ nạn diễn ra ngày một nhiều nhưng điểm thi môn GDCD cao chót vót

PGS-.TS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) trao đổi với PV.

Theo PGS.TS Mạc Văn Trang, học sinh tiểu học vẫn ngoan do có giáo viên bên cạnh. Hơn nữa, ở lứa tuổi này chúng vẫn phấn đấu cho những hoạt động tích cực. Lên đến lứa tuổi thiếu niên, trẻ đã biết tự ý thức, nhận xét, chúng nhận thức được thế nào là tiêu cực, thế nào là công bằng.

PGS.TS Mạc Văn Trang cũng cho hay, đối với học sinh lứa tuổi THPT, việc học chương trình giáo dục công dân như vấn đề quyền công dân, dân chủ, hiến pháp là điều cần thiết. Tuy nhiên khi nhìn nhận gia đình, xã hội, chúng thấy có nhiều điều khác biệt hoàn toàn, nên không còn niềm tin vào những kiến thức trong sách vở. Đó chính là lí do vì sao khiến những học sinh THCS, THPT hiện nay thường xảy ra cãi vã, ẩu đả, đánh chửi nhau, đạo đức suy đồi.... 

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trời chưa quá lạnh, bổ sung ngay cho tủ đồ 3 kiểu áo khoác mỏng nhẹ để phong cách thêm sành điệu