Rơi nước mắt nghe chuyện cuộc đời của cô bán hoa quả rong đất Cảng từng bị xâm hại, một mình nuôi con từ năm 14 tuổi

Thu Hà 2018-07-06 07:15
- Năm 14 tuổi, chị P.T.Hạnh (sinh năm 1986, Hải Phòng) bị xâm hại trong một lần đi làm thuê cho quán phở tại Hà Nội. Sau cú sốc đó, cuộc đời chị rẽ sang một lối khác, đầy chông gai và nước mắt.

Từng nhặt thịt gà, cá chết trong nồi cám lợn ăn “chống đói”

Nước mắt chị Hạnh đã rơi xuống rất nhiều trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Lần đầu tiên, chị có đủ dũng cảm để bộc bạch hết những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời chị. Chị bảo chị nhớ rõ từng chi tiết từ thuở ấu thơ vì nó hằn in rất sâu trong tâm trí.

Khi chị Hạnh được 6 tháng tuổi, bố ruột – một người đàn ông vũ phu đã đuổi chị và mẹ chị ra khỏi nhà. Không biết đi đâu về đâu trong đêm đông, mẹ đã đưa chị về nhà ông bà ngoại tá túc. Ông bà nói sẽ nuôi chị, còn mẹ cứ về ở với bố.

Rơi nước mắt nghe chuyện cuộc đời của cô bán hoa quả rong đất Cảng từng bị xâm hại, một mình nuôi con từ năm 14 tuổi (P.1)

Mặc cảm không được bố thừa nhận nên chị Hạnh tự nhủ mình phải tự lập từ sớm. Ảnh minh họa.

Từ nhỏ, chị Hạnh nhận thức mình không được bố thừa nhận nên đã tự nhủ phải cố gắng. 9 tuổi, chị đi ở cho một gia đình tại Hà Nội. 3 năm ròng rã, ngày nào cô bé Hạnh cũng phải dậy từ 5h sáng lau dọn 4 tầng nhà, giặt giũ, cơm nước rồi sau đó chăm một bà cụ bị ốm lâu ngày.

Chị được ăn sau khi nhà chủ đã ăn xong và thức ăn thừa còn lại chỉ có đậu phụ, cà pháo chấm mắm tôm. Không ăn được mắm tôm, chị lén đổ xuống cống. Một ngày nọ, chủ nhà phát hiện, chửi chị “nghèo mà còn sĩ”.

Không chịu được nhục nhã, chị xin nghỉ. Đồ gì chị mang lên, chị lấy về, mấy bộ quần áo cũ bác chủ nhà cho chị để lại hết, kể cả đôi dép mới mua. Chủ nhà còn lục soát xem chị có lấy món đồ nào không rồi mới đưa chị ra ga Hải Phòng với số tiền lương 175.000 đồng.

Từ ga về nhà 30 cây số, chị tiếc tiền nên chọn giải pháp đi bộ về nhà. Chị đưa toàn bộ tiền lương cho mẹ, nói mẹ mua cái xoong nấu cám lợn khác vì xoong cũ đã thủng.

Mùa hè năm đó, chị đi bê gạch thuê, rồi làm phụ quán cơm. Bố rất ác, cứ đến bữa ăn là đánh đuổi chị. Chị bị đói khát, thèm thuồng bữa cơm có thịt đến nỗi những con gà chết ở ngoài đường, mẹ đem về nấu cám lợn, chị tách lấy hai cái đùi của con gà và ăn ngon lành. Cá chết nắng ngoài đồng đem về nấu cám, chị gạt hết vảy cá, cạy thịt ăn cho đỡ đói.

“Cứ mỗi khi đi tắm là ghê tởm cơ thể mình”

14 tuổi, chị theo một người bà con lên Hà Nội phụ quán cơm vì nghe nói lương được 300.000 đồng/ tháng. Đó là số tiền đáng mơ ước, nếu có nó chị sẽ bớt khổ.

Chị Hạnh háo hức đi mà không biết có một cái “bẫy” đang chờ phía trước. Đúng buổi tối tháng tư năm 2000 – sinh nhật của chị Hạnh, có một người con trai đã tặng chị chiếc kẹp tóc và tấm thiệp phát nhạc.

Cô bé đen nhẻm, gầy gò chỉ nặng vỏn vẹn 31 kg xúc động lắm vì trong đời chưa bao giờ được ai tặng món quà đẹp đến thế! Họ mời chị uống một cốc coca, uống xong thấy mắt díp lại, buồn ngủ không biết trời đất là gì nữa.

Rơi nước mắt nghe chuyện cuộc đời của cô bán hoa quả rong đất Cảng từng bị xâm hại, một mình nuôi con từ năm 14 tuổi (P.1)

Cô bé 14 tuổi không thể ngờ những món quà đẹp đẽ đó chỉ là cái bẫy để người ta hại đời chị. Ảnh minh họa.

Khi tỉnh dậy, chị thấy mình ở trong một căn phòng lạ hoắc, quần áo không còn trên người. Biết mình bị người ta cưỡng bức, chị sốc và nghĩ đến cái chết.

Chị lao đi như con thiêu thân ngoài đường, mặc cho xe cộ sầm sập bên cạnh. Không có ai bên cạnh, cũng không thể chia sẻ cùng ai, chị chỉ muốn chết. Nhưng trong giây phút chới với giữa sự sống và cái chết, chị quyết định quay lại sự sống vì nghĩ đến mẹ ở quê nhà và lời dặn dò của ông ngoại “con người phải giữ được chính mình cho dù vấp ngã đến đâu”.

Rơi nước mắt nghe chuyện cuộc đời của cô bán hoa quả rong đất Cảng từng bị xâm hại, một mình nuôi con từ năm 14 tuổi (P.1)

Cứ mỗi khi đi tắm, chị lại cảm thấy ghê tởm chính cơ thể mình và tìm cách gột rửa. Ảnh minh họa. 

Trở về quán cơm, bà chủ quán hốt hoảng tưởng chị mất tích. Chị nói dối là “cháu có chút chuyện buồn” rồi lao vào làm để quên đi chuyện kinh khủng kia.

“Cứ lúc đi tắm là tôi lại thấy kinh tởm cơ thể của mình, sợ hãi không biết tương lai không biết có ai đến với mình nữa không?”, chị Hạnh nhớ lại.

Một thời gian sau, thấy bụng có sự bất thường, chị xin bà chủ cho nghỉ một tiếng, tranh thủ tới phòng khám ở cuối con đường. Cảm giác mọi thứ sụp đổ khi bác sĩ nói chị “đã có thai”. Sự thật trớ trêu là chị Hạnh đã mang thai khi chưa biết kinh nguyệt là gì.

Bà bác sĩ già cũng khuyên “Cháu còn bé quá! Cháu bé quá, cháu không thể phá bỏ vì sau này tương lai làm mẹ không còn”.

Không biết bác sĩ nói những gì, chỉ biết lúc đó tai chị Hạnh ù đi. Chị cũng không nhớ mình đã trả tiền khám hay chưa mà cứ thế đi về quán cơm.

Mặc cho bà chủ quán chửi chị lười biếng, chị xin nghỉ với lý do “bị cảm” và xin ứng tiền lương hơn 200.000 đồng. Chị đặt chân vô định lên xe khách và chuyến xe đã đưa chị vào tận Sài Gòn.

3 ngày trên xe khách, chị chỉ biết khóc, khóc rồi lại ngủ li bì. Nhà xe thấy chị còn quá nhỏ nên mỗi trạm dừng chân lại mua cơm cho chị ăn. Vào đến đất Sài Gòn, chị lang thang khắp nơi và dừng chân tại một ngôi chùa nhỏ.

Chị nhớ hôm đó sân nhà chùa rất nắng nhưng chị cứ ngồi đó phơi nắng từ sáng đến trưa. Thấy lạ, vị sư trụ trì nhà chùa đã ra hỏi thăm. Lúc này, bao nhiêu nỗi uất ức bị dồn nén lâu ngày có dịp vỡ òa ra như từng đợt sóng.

Chị Hạnh nói: “Cháu cũng không biết tại sao cháu đi vào đây, không biết tương lai ra sao và giờ cháu chỉ muốn chết”. Sư thầy xót xa, bảo chị ở trong chùa đến khi tâm tịnh rồi sau này sẽ tính.

Nhờ sự cưu mang của sư thầy, mẹ con chị Hạnh đã được sống. Một mình nuôi con khi mới 14 tuổi, chị chịu đủ nỗi vất vả, cơ cực.  Bản năng của người mẹ mách bảo, chị cần phải giữ gìn, nuôi nấng đứa con ngoài ý muốn này. Mời bạn đọc Emdep đón đọc kỳ tiếp theo.

(Họ tên nhân vật đã được thay đổi)

Thu Hà

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mẹo hay chia sẻ status bằng âm thanh trên Zalo tạo ấn tượng