Phó mặc con cho giúp việc, nhiều gia đình lao đao

2014-07-08 14:07
- (Em đẹp) – Giúp việc về quê, cuộc sống cả gia đình đảo lộn vì chỉ có cô mới chiều được con, hiểu các sở thích và thói quen của con. Thậm chí con còn đòi ngủ với giúp việc, ăn cùng giúp việc!
Giúp việc về quê, nhà cửa đảo lộn
 
Giúp việc về quê lo cưới con nên xin nghỉ một 10 ngày, đó là quãng thời gian “khủng khiếp” đối với gia đình chị Thảo.
 
Lý do là vì mọi sinh hoạt trong gia đình chị hoàn toàn đảo lộn khi thiếu vắng người giúp việc. Hàng ngày chị đi làm nhưng không phải cuống quýt về trông con, đón con, vì cả 2 đứa học chung trường mẫu giáo đều có giúp việc đón. Tan giờ học giúp việc cũng là người tắm rửa, cho các bé ăn. Các bé đòi đi công viên, người đưa đi cũng là giúp việc!
 
Có thể nói thời gian các con ở bên giúp việc nhiều hơn là ở với vợ chồng chị, thậm chí lúc đi ngủ bé cũng đòi ngủ với giúp việc vì … quen hơi! Việc chăm sóc con cái chị Thảo gần như phó mặc cho người giúp việc vì công việc cơ quan quá bận rộn. Có lúc thông báo nhà trường gửi về nếu người giúp việc không nhắc anh chị cũng không biết!
 
Cho nên, khi người giúp việc về quê lo việc cưới con gái và xin nghỉ liền 10 ngày, chị Thảo như rơi vào trạng thái hỗn loạn: Đi làm phải về sớm đón con, chợ búa, cơm nước, tắm rửa và cho con ăn, vv … Mệt mỏi nhất là cháu bé 2,5 tuổi nằng nặc khóc đòi gặp giúp việc mới chịu ăn, lúc đi ngủ cũng đòi bác giúp việc dỗ dành. Còn con lớn thì bỏ ăn vì “mẹ nấu không giống bác giúp việc”.
 
Không ít gia đình, con quấn người giúp việc hơn bố mẹ. 
 
Lúc này, chị Thảo mới nhận ra rằng chị đã ỉ lại, phó mặc con cái cho giúp việc trong suốt một thời gian dài – điều mà chị không chú ý và cũng không coi là vấn đề nghiêm trọng trong suốt những ngày tháng qua. Thậm chí, người giúp việc dường như thành “mẹ” của lũ trẻ và chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống cũng như tâm trí của chúng.
 
Cuộc sống đảo lộn trong vòng 10 ngày khiến chị và chồng không kiểm soát được vì phải nghỉ làm, phải trông con, vừa trông vừa tìm hiểu sở thích, thói quen của con như khi ở với giúp việc để đáp ứng. Sự việc đã khiến anh chị phải nhìn lại cách sống của mình vì đã quá ỉ lại, dựa dẫm vào người giúp việc mà quên đi phần nào trách nhiệm, bổn phận của mình với con cái, gia đình.
 
Cô giáo không cho đón con vì … không quen!
 
Còn gia đình anh Hoàng (Khâm Thiên, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự khi thiếu giúp việc. Vợ chồng anh Hoàng làm doanh nghiệp, thường xuyên phải đi công tác, tiếp khách nên bận rộn, thời gian cho con rất ít ỏi, mỗi tuần nhiều nhất vào thứ 7 và chủ nhật. Vì vậy, anh thuê hẳn 2 người giúp việc để trông coi 2 con cùng lo việc nhà, chợ búa, cơm nước đồng thời đưa con đi học thêm.
 
Khi giúp việc có việc xin về quê vài ngày, ngày đầu người giúp việc nghỉ, anh đến trường đón con, cô giáo còn ngần ngừ vì nghĩ anh không phải bố của cháu! Đến khi bé chạy ra gọi bố thì cô giáo mới yên tâm giao con cho anh! Tối về nhà con anh cũng chỉ hỏi bác giúp việc, hầu như không có thói quen trao đổi với cha mẹ.
 
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Kim Quý, hiện tượng trên khá phổ biến ở các thành phố lớn, khi cha mẹ quá bận rộn, tìm được người giúp việc tốt nên giao phó cả cho họ mà quên đi những trọng trách của mình dù được thể hiện bằng những việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt đời thường.
 
Việc này khiến họ phải phụ thuộc người giúp việc, đồng thời phải đáp ứng những “yêu sách” mà người giúp việc đưa ra (nếu có). Nguy hiểm hơn, chuyên gia tâm lý Vũ Kim Quý cho rằng điều này khiến cuộc sống của họ dần trở nên xa lạ trong mắt con cái, sợi dây tình cảm cũng phai nhạt dần, cha mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc giáo dục, gần gũi con.
 
Nhiều người mải kiếm tiền, lo nhà lầu xe hơi mà quên mất rằng con cái mới là tài sản quý giá nhất, chẳng tiền nào mua được.
 
Yến Ngọc
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hà Hồ sẽ 'khóc thét' khi nghe được những bản hit của mình bị đạo trắng trợn