Nhận cái kết đắng đầy bức xúc vì không biết xu nịnh sếp tại công sở

2017-04-01 06:45
- Môi trường công sở luôn được ví như xã hội thu nhỏ, ở đó có đủ thứ “hầm bà lằng” và chuyện nhân viên bị sếp đì vì không biết…nịnh đang trở thành nỗi bi hài ở bất cứ công sở nào.

Hồng Lam (Thanh Trì, Hà Nội) đang làm việc cho một doanh nghiệp liên doanh về tân dược. Cô đã gắn bó với công ty được 6 năm và chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình phải rời xa công ty này. Nhưng, mới đây cô đã quyết định nghỉ việc để chọn một môi trường làm việc chuyên nghiệp và có sếp “quân tử” hơn.

Theo lời kể của Lam, chị nghỉ việc không phải vì không làm được việc mà vì chán ngấy với môi trường làm việc ở đây. Chẳng là, sếp của chị là người phụ nữ ưa nịnh nọt. Bất kỳ việc gì của sếp  làm cũng phải được nhân viên trong công ty dùng từ hoa mỹ để khen ngợi.

“Hôm nào chị ấy mặc một cái váy đẹp đến là mọi người cũng phải tán thưởng. Mình thì vốn là người thẳng tính, lại ít khi phải “uốn lưỡi” để khen ngợi ai vì mình thấy nó quá giả tạo. Cũng vì thế, mình bị sếp ghét, dù mình có làm tốt công việc đến đâu cũng bị bắt lỗi, không được ghi nhận”, chị Lam ngậm ngùi nói.

Nhận cái kết đắng đầy bức xúc vì không biết xu nịnh sếp tại công sở

Có lần chị đã trực tiếp gặp sếp nói khéo về việc sếp cần công tâm hơn trong đánh giá công việc của nhân viên. Nhưng cái kết chị nhận được khá bất ngờ. Ảnh minh họa.

“Cơ quan mình, nhiều người biết sếp tính ưa nịnh nên họ cũng tranh thủ cơ hội để thăng tiến. Có người còn mạnh tay chi hàng hiệu làm quà tặng để có một công việc nhàn hạ hơn. Khi đó, mọi người tung hô sếp mình được khen ngợi là hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân viên khiến sếp tự hào và hãnh diện vô cùng. Hàng tuần, trong cuộc họp cơ quan, sếp mình còn bóng gió nói về khả năng “tiềm ẩn” của nhân viên này, nhân viên kia sau khi đã nhận quà và mát tai bởi những lời xu nịnh”, chị Lam ấm ức kể.

Cũng vì chị Lam nghĩ, bản thân chị có năng lực thì chẳng phải ngại điều gì, cứ sống thật với chính mình. Thế nên, chị không a dua vào những thú “đổi quà, tặng lời khen” lấy công việc. Có lần chị đã trực tiếp gặp sếp nói khéo về việc sếp cần công tâm hơn trong đánh giá công việc của nhân viên. Nhưng cái kết chị nhận được khá bất ngờ.

“Năm nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu của công ty. Vậy nhưng vì tôi không biết nịnh nọt, xu nịnh nên sếp nhiều lần bóng gió nói tôi kiệm lời, cứng nhắc. Lại thêm những status trên facebook sếp ám chỉ, nói kháy để những người như tôi ngầm hiểu.

Có người vừa vào công ty, biết chiều lòng sếp đã được cất nhắc vị trí công việc nhàn hạ, lương cao. Thậm chí, sếp còn tạo điều kiện cho vay tiền cơ quan mua chung cư và trả dần hàng tháng. Trong khi, nhân viên lâu năm như tôi chỉ biết chống mắt lên mà nhìn.

Không dừng lại ở đó, cuộc họp cuối năm, sếp  chủ động “tấn công” tôi, đã tìm mọi lý do hạ tôi xuống 1 bậc xếp loại. Đã thế còn điều chuyển tôi sang vị trí công việc khác để nhường chỗ cho một “đại thần xu nịnh”. Ngẫm mà buồn, tôi cũng không vì thế mà phải chịu đựng cảnh chướng tai, gai mắt ở đây. Tôi quyết định nhảy việc”, chị Lam bộc bạch.

Không chỉ riêng chị Lam mà rất nhiều người phải sống trong môi trường làm việc đầy rẫy thị phi, ganh ghét. Điều đáng nói, ở môi trường mà sếp coi mình là “trung tâm vũ trụ” thì nhân viên phải biết…nịnh nọt!

Chị Minh Hải (Hồng Hà, Hà Nội) ấm ức chia sẻ, ở công ty chị, sếp lúc nào cũng lấy thước đo “ai nịnh giỏi” thì sẽ nhanh thăng tiến. Vì thế, ở công ty, nhân viên nào cũng cố chiều lòng sếp. Nếu ai không biết “chiều ý sếp” là ngay tức khắc bị o ép trong công việc hoặc “đì” cho không ngóc đầu lên được.

Chị Hải bức xúc kể về câu chuyện một nam nhân viên trong công ty mình vừa bị sa thải vì không “nhường” người yêu của mình cho sếp.

“Anh này làm cùng phòng với mình, tên là M. Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, M. vẫn chỉ là một nhân viên tiếp thị với đồng lương bèo bọt. Những đồng nghiệp vào cùng thời điểm với anh này đều được sếp đề bạt và tăng lương, duy chỉ có mình anh này vẫn giậm chân tại chỗ. M. biết là những đồng nghiệp kia đều giỏi nịnh bợ sếp nên luôn thuận lợi trong công việc, còn M. tính thẳng thắn, tuân thủ nguyên tắc, không thích a dua nịnh nọt.

Hôm ấy, công ty kỉ niệm ngày thành lập nên anh M. có dẫn bạn gái đi cùng. Cô ấy rất xinh, ai nhìn thấy cũng trầm trồ khen ngợi. Hôm đó, bạn gái M. đã làm sếp ham gái đẹp của mình xiêu lòng”, chị Hải kể lại.

Theo lời chị Hải, ngày hôm sau, M. được sếp mời vào văn phòng gặp riêng. Sếp đã thẳng thừng có cuộc nói chuyện đầy ẩn ý: “Tôi đã quan sát cậu từ khi cậu mới vào công ty. Bản chất cậu ngay thẳng, không ưa nịnh nọt. Ngay cả khi đồng nghiệp đấu đá nhau thì cậu cũng không đứng về phe nào. Nhưng thế là cậu không khôn ngoan. Bây giờ, ai làm chẳng phải có người chống lưng”.

nịnh nọt

Sau màn vòng vo của sếp với gợi ý sẽ thuyên chuyển anh M. về trụ sở chính làm việc, được bổ nhiệm trưởng phòng với điều kiện… sếp muốn mượn bạn gái anh M. đi nhậu một đêm. Thế nhưng, anh M. đã từ chối thẳng thừng.

Kết cục sau 1 tuần anh M. đã bị sa thải với lý do rất chung chung “không đáp ứng được công việc”: “Trước khi anh M. rời công ty mới “bóc phốt” và ai nấy cũng sững sờ khi nghe màn kịch “đổi tình lấy vị trí” của sếp”, chị Hải bức xúc kể.

Những câu chuyện trên khiến nhiều người bức xúc, tẩy chay thói xu nịnh. Đúng là, sống cùng “hành tinh” với những vị sếp ưa nịnh nọt, lấy thước đo vật chất, lời nói hoa mỹ để đánh giá năng lực, cất nhắc công việc, quả đang là nỗi khổ và cực hình với nhiều người khi đi làm tại các công sở. 

Diệp Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 động tác yoga giúp giảm đau lưng hiệu quả