Mùa thi đến: Bi hài chuyện chị em đau đầu khi nhà mình biến thành nhà trọ "bất đắc dĩ"

2018-05-07 17:14
- Để đỡ tốn kém chi phí, nhiều gia đình đã "gửi gắm" con mình ở nhờ nhà họ hàng tại TP để ôn thi. Nhiều câu chuyện đã xảy ra khi nhiều gia đình Hà Nội trở thành căn nhà trọ bất đắc dĩ cho các sĩ tử.

Những năm gần đây, mặc dù kỳ thi Đại học và thi tốt nghiệp THPT đã được gộp lại thành một và tổ chức ở các địa phương để giảm thiểu khó khăn đi lại cho các sĩ tử. Nhưng vì một số trường Đại học vẫn yêu cầu có môn thi năng khiếu hoặc thi đánh giá năng lực riêng nên không ít thí sinh ở các tỉnh vẫn đổ về các thành phố lớn để tham gia vào các lò luyện. Để đỡ tốn kém các chi phí ăn ở, nhiều gia đình đã "gửi gắm" con mình ở nhờ nhà họ hàng cô chú, anh chị tại thành phố. Cũng từ đây mà những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra khi nhiều gia đình Hà Nội trở thành căn nhà trọ bất đắc dĩ cho các sĩ tử.

Gia đình chị Phạm Hồng Ngân (Ba Đình, Hà Nội) ở tại một căn hộ chung cư rộng gần 100m2, có 3 phòng ngủ khá rộng rãi. Năm nay, ở dưới quê có đứa cháu thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nên đã xin lên ở nhờ nhà chị 1 tháng để luyện thi. Nghĩ thương anh chị ở quê xa xôi vất vả nên chị Ngân dọn hẳn một căn phòng riêng để cô cháu gái ở. Sẽ chẳng có gì đáng để nói nếu cô cháu gái này không mắc bệnh tự cho mình là dân thành phố, thường xuyên sống ảo và rất hoang phí.

"Mấy hôm đầu cháu gái mới lên thấy nó cứ mân mê đồ đạc trong nhà, cứ nhờ tôi chụp ảnh cháu nó tạo dáng sang trọng trong căn hộ thì mình cứ nghĩ đơn giản là chắc ở quê vừa mới ra, nên thấy cái gì cũng lạ lẫm. Nhưng đến một hôm, cô cháu quý hóa tự động vào bàn trang điểm trong phòng ngủ của mình tự sướng, rồi tự lấy mỹ phẩm dùng lên mặt rồi chụp ảnh đăng facebook khoe như thể đấy là đồ sở hữu của mình thì tôi không thể im lặng nữa, phải lên tiếng nhắc nhở và cấm tiệt không cho vào phòng ngủ tự tiện sờ mó đồ đạc" - có lẽ chuyện sẽ còn gì đáng kể thêm nếu chỉ dừng lại ở đấy, chị Ngân còn hết sức đau đầu để xử lý hóa đơn tiền điện tăng vọt lên hẳn 7 con số mà tháng này chị phải trả.

"Nhà tôi tuy rộng, tiện nghi nhưng nhà chỉ có 3 người, con cái bố mẹ đi làm suốt ngày nên điện đóm trong nhà chả dùng mấy. Họa chăng mấy hôm nay trời bắt đầu nóng lên thì tối ngủ có bật điều hòa cho mát mẻ. Nhưng cô cháu gái vừa đến ở được nửa tháng thấy hóa đơn tiền điện báo về đã vọt lên đến trên 1 triệu, trong khi bình thường gia đình tôi dùng chỉ hết 500.000 - 700.000 đồng tiền điện là căng" - hóa ra cô cháu khi ở nhà một mình thì đã bật hết tivi đến điều hòa ở cả phòng khách lẫn phòng của mình cả ngày lẫn đêm... cho mát, dù trời có nóng hay không.

Chị Ngân đã lên tiếng nhắc nhở phải tiết kiệm điện nhưng cô cháu vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn mắc bệnh sống quá sạch sẽ. Mỗi ngày phải thay ít nhất 2 bộ quần áo mới chịu, thay xong là phải cho vào máy giặt chạy ro ro ngay và luôn.

"Tôi hỏi sao thay đồ nhiều thế, cháu bảo là vì đi học vẽ ở lớp luyện thi toàn là các bạn thành phố, mình cũng phải mặc đẹp, thay đổi đồ liên tục để họ không biết mình ở tỉnh lên. Cô cháu còn khoe bạn bè ở lớp luyện thi cứ ngỡ mình là dân Hà Nội chính gốc. Có lần còn ngỏ ý với tôi muốn đưa bạn mới quen về nhà chơi, tôi phải từ chối thẳng thừng. Nhiều cái tôi góp ý cũng khá nhẹ nhàng nhưng không hiểu sao khi đến tai anh chị ở quê thì lại bị xem là nghiêm khắc, không nắm được tâm lý cháu đang căng thẳng ôn thi. Nhiều khi mình cực kỳ khó xử" - chị Ngân cho biết.

Bi hài chuyện chị em đau đầu khi nhà mình biến thành nhà trọ bất đắc dĩ

Vì nhận lời nhờ vả của họ hàng, nhiều gia đình Hà Nội đã trở thành nhà trọ bất đắc dĩ

Một trường hợp khác cũng đau đầu không kém, chị Lộc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Ngày thường đi làm về đã phải bù đầu tóc rối cơm nước cho cả gia đình, bây giờ còn phải hầu thêm ông cháu bên nhà chồng gửi lên để ôn thi 1 tháng ở Hà Nội. Nếu thằng bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn thì đã không có chuyện gì, đây lại có đủ tật xấu, từ tham ăn, không có ý tứ, ở bẩn cho đến lười biếng, lười học. Thằng cu cháu ở nhà được 2 tuần đã biến căn nhà của gia đình tôi thành nhà trọ thực sự, đến mức chồng tôi cũng phải nói khéo với bên nội để gửi cháu ở trọ bên ngoài".

Chị Lộc Anh cho hay, cu cậu lên đến Hà Nội chưa được bao lâu đã mò ngay đến quán net gần nhà để chơi điện tử. "Máy tính làm việc của chồng tôi cũng bị thằng cháu cài đủ trò chơi, vì lo cháu không chịu học hành nên chồng tôi đã chuyển dàn máy vào phòng ngủ. Thế nên thằng bé tìm đến những quán net bên ngoài để chơi, thấy nó cứ đi đi về về nên chẳng rõ có đến lớp luyện thi không. Vì ông bà ở quê gửi gắm nên về sau vợ chồng tôi phải thay nhau đưa nó đến tận lớp, nhìn nó đi vào lớp mới dám về".

Điều khiến chị mệt mỏi nhất chính là khoản ở bẩn vô đối của đứa cháu. Căn phòng riêng của cu cậu bừa bộn thì không nói, đây phòng khách, phòng ăn của gia đình cũng bị quậy tanh bành. Mỗi lần đi làm về, chị đều phải lụi cụi dọn dẹp hết đống vỏ trái cây, thức ăn thừa để lộn xộn trên bàn, vụn bánh rơi vãi khắp sàn nhà... Chưa kể khoản tự tiện của đứa cháu khiến chị phát khiếp.

"Vì có việc nhờ vả sếp nên tôi đặt mua 2kg táo Nhật Bản mang sang biếu, giá gần 1 triệu đồng mà chỉ được chừng 8 quả thôi, được đóng gói đẹp mắt rồi chỉ cần xách đi là được. Thế mà chiều hôm đấy về nhà thì thấy hộp táo bị mở toang, 4 quả đã không cánh mà bay. Thì ra cu cậu về nhà tự mở tủ lạnh, thấy táo thì lôi ra ăn mà không hỏi han xin phép. Phải con ruột thì tôi đã quất cho vài roi dạy dỗ rồi, đâu ra cái thói tự tiện như vậy. Chồng tôi về thấy thế, biết vợ bực nên cũng gọi nó vào dạy dỗ, nhưng chắc chắn đâu lại vào đấy thôi. Vì ông bà ở quê nhờ vả trông nom, tôi cũng không muốn căng thẳng với nhà nội nên đành chịu đựng, chỉ mong thời gian này qua nhanh nhanh. Cảm giác về nhà mình mà như nhà ai ấy, bực bội lắm" - chị Lộc Anh tâm sự.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chọn quần jeans ôm cho nàng mũm mĩm