"Khóc dở, mếu dở" vì bị những hàng ăn hết Tết xác định dẹp tiệm "chém đẹp"

2017-02-05 09:30
- Nhiều người ngán cỗ Tết, tìm đến những hàng bún riêu chỉ bán vào 10 ngày Tết để đổi vị. Nếu may mắn, thực khách sẽ được ăn ngon, nhưng nếu không may mắn sẽ phải ăn những bát bún có vị dở tệ và giá cả thì vô cùng "chát"

Tại Hà Nội, hầu hết những quán ăn lớn thường đóng cửa “dài hơi” đến tận hết ngày Thần Tài (mùng 10/1 Âm lịch) hoặc ngày rằm tháng Giêng mới hoạt động trở lại. Nhân cơ hội các quán lớn chưa mở cửa, hàng loạt quán cóc bán đồ ăn ven đường được mở ra, tranh thủ thu bộn tiền trong vài ngày Tết rồi sau đó "dẹp tiệm".

Quán bún cóc ven đường kiếm bộn tiền chỉ trong vài ngày Tết

Anh Lộc vốn mở quán kinh doanh sửa chữa xe máy. Nhưng trong 7 ngày Tết, anh cùng vợ mở một quán bún riêu nhỏ ngay bên vỉa hè để bán. Quán nằm ở lề đường, chỉ với 3 bộ bàn ghế đơn sơ, biển hiệu đơn giản được treo gần gốc cây nhưng trong mỗi ngày Tết, vợ chồng anh Lộc kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày.

“Từ ngày mùng 1 Tết, đã có nhiều người đi du xuân và muốn tìm một quán để ăn uống. Thời điểm sau Tết khoảng chục ngày cũng làm gì có nhiều nhà hàng nào mở bán. Vì thế, chúng tôi tranh thủ mấy ngày Tết, nhân lúc nhiều hàng quán còn chưa bán thì mở hàng bún riêu bán cho những người có nhu cầu ăn uống cũng kiếm được bộn tiền. Bún riêu dễ làm, lại là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người nên dễ bán”.

Thực khách dở khóc dở cười với những quán bún cóc chỉ bán dịp Tết

Vào những ngày Tết, ở nhiều con phố Hà Nội mọc lên những quán bún riêu tạm thời, chỉ bán đúng 7 ngày Tết, tranh thủ kiếm tiền lúc các hàng quán lớn chưa mở cửa

Anh Lộc cho hay, không riêng gì gia đình anh mà nhiều nhà khác cũng tranh thủ mở hàng ăn vỉa hè phục vụ khách trong những ngày Tết. Thậm chí, có những nhà còn tính toán mua đồ về trữ từ trước Tết để sau Tết mở hàng bán.

Chị Hậu mở một hàng bún riêu nhỏ ven đường Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho hay: “Tôi mở bán bún riêu từ ngày mùng 2 Tết. Bánh bún thì nhà tôi tự làm, còn các nguyên liệu khác như thịt bò, ốc, cua thì tôi phải trữ hàng từ 28 Tết nên bây giờ mới có để bán”.

Tại quán của chị Hậu, mỗi một bát bún riêu tạm gọi là đầy đủ cua ốc bò có giá 50.000 đồng/bát nhưng vẫn rất đông người tìm đến ăn, vì quanh khu vực này chưa có một hàng quán nào mở cửa.

Với mỗi một bát bún riêu như vậy, chị Hậu gần như thu được lãi gấp đôi so với số vốn bỏ ra. Mỗi ngày Tết, chi Hậu chỉ cần bán được 50 bát thì đã có thể thu lãi trên dưới 2 triệu đồng/ngày.

Thực khách dở khóc dở cười với những quán bún cóc chỉ bán dịp Tết

“Người ta tìm đến ăn đông lắm, đặc biệt là ngày 3, 4 và mùng 5, 6, 7 Tết. Khi ấy ăn bánh chưng, giò chả đã chán và ngấy rồi, muốn tìm đến một bát bún nước riêu cua chua để giải ngấy. Trong những ngày này, tôi bận đến tối mắt tối mũi, làm bún chan nước liên tục cho khách.

Mỗi ngày bán được 30 -40 tô bún là ít. Phải tranh thủ bán lúc các quán còn chưa mở hết, sau mùng 10 thì tôi không bán nữa vì lúc này bán cũng không ai ăn”, chị Hậu hăm hở cho hay.

Thực khách dở khóc dở cười với những quán bún cóc chỉ bán dịp Tết

Những quán mở theo “mùa vụ” này chỉ mở chừng 5 - 10 ngày Tết. Mỗi một mùa Tết như vậy, mỗi quán kiếm lời được khoảng 2 đến 5 triệu là ít. Và những quán này thường được nhiều thực khách đánh giá là ăn không được ngon mà giá cả thì đắt đỏ, thậm chí là “chặt chém” khách không nương tay. 

Nhiều người sau khi đã ngán ngấy cỗ Tết, cực chẳng đã tìm đến những hàng quán bán bún riêu bán theo mùa vụ để đổi vị. Nếu may mắn, các thực khách sẽ ăn được một bát bún ngon. Nhưng cũng có không ít người gặp phải “cái kết đắng” khi ăn phải những quán bún bán hàng "không có tâm", hương vị dở tệ nhưng giá lại vô cùng “chát”.

Thực khách dở khóc dở cười với những quán bún cóc chỉ bán dịp Tết

Những người ăn phải những quán bún bán trong 5 ngày Tết "không có tâm" post ảnh lên mạng để cảnh báo.

Anh Hoàng Luân, một thực khách đến ăn tại quán bún riêu chỉ mở trong ngày Tết ven đường Hoàng Quốc Việt cho hay: “Ngày mùng 2 Tết, gia đình tôi 4 người đi lễ Phủ Tây hồ về. Khi đó đã quá giờ ăn cơm nên cả nhà tôi vào luôn một quán bún ven đường để ăn.

Khi gọi ra thì không tài nào ăn nổi, nước lèo thì nhạt thếch, bún thì chua, chỉ có lèo tèo vài sợi hành. Đảo cả bát lên cũng chỉ thấy được dăm miếng thịt bò và 2 miếng đậu phụ rán. Tôi nhìn 4 bát bún chán không buồn ăn, gọi chủ quán ra tính tiền thì mới giật mình ngã ngửa. Một bát bún như vậy mà có giá đến 60.000 đồng/bát. Vì là ngày đầu năm, không muốn đôi co nên tôi cũng rút ví ra trả, tự nhủ sẽ không bao giờ ăn ở những quán như thế này nữa”.

Thực khách dở khóc dở cười với những quán bún cóc chỉ bán dịp Tết

Bát bún riêu chỉ có đậu và vài miếng thịt bò, nước lõng bõng có giá đến 60.000 đồng được bán tại một hàng cóc ven đường chỉ mở vào dịp Tết

Anh Đức (Ba Đình) cũng chia sẻ bản thân đã phải dở khóc dở cười khi ăn một bát bún bé con con có giá đến 50.000 đồng: “Ngày mùng 7 Tết tôi đi làm ngày đầu tiên. Vì 6 ngày Tết ăn nhiều đồ mỡ béo nên tôi tìm một quán bún để ăn cho đỡ ngấy, đổi vị. Đi đến mấy hàng quen thì chưa hàng nào mở cửa nên tôi tìm một hàng ăn ven đường rồi gọi 1 bát bún riêu cua”.

Anh Đức cho biết, bát bún riêu cua được mang ra chỉ đặt trong một chiếc bát nhỡ. Vì bát nhỏ nên nhìn bún riêu nhìn tương đối đầy đặn.

“Ăn thì cũng không đến nỗi nào, mỗi tội hơi ít, tôi chỉ lùa 3 lần đũa là hết bún trong bát. Chưa bao giờ tôi ăn một bát bún nhanh đến thế, chưa đầy 3 phút đồng hồ”.

Khi tính tiền, anh Đức mới “hết hồn” khi biết bát bún “ăn không đủ no” có giá đến 50.000 đồng. Khi thắc mắc với chủ quán, người chủ còn cau có mặt mày, tỏ vẻ khó chịu: “Tết nhất có chỗ nào bán cho với ngồi ăn là tốt rồi, bán đắt hơn một chút thì đã làm sao”.

Thực tế, những hàng quán cóc ven đường mở ra vào những ngày nghỉ Tết thường chú trọng nhiều về mặt số lượng và giá cả mà ít quan tâm đến chất lượng món ăn. Những người bán này thường có suy nghĩ chỉ bán 1 lần trong năm, hết Tết thì “dẹp tiệm” nên không bao giờ sợ mất khách.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội