“Hạnh phúc không lời” nơi quán ăn vặt dễ thương của đôi vợ chồng trẻ bị câm điếc ở Đà Nẵng

2017-05-27 08:12
- Nằm trước vỉa hè đường Nguyễn Chánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, quán “không lời” của đôi vợ chồng câm điếc từ lâu đã được giới sành ăn vặt mệnh danh là địa điểm ẩm thực độc đáo nhất Đà Nẵng.

Quán ăn vặt "không lời" nổi tiếng 6 năm qua 

Chỉ với một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa, hơn 6 năm nay, bất kể nắng mưa, chiều nào vợ chồng anh Nguyễn Đăng Bình (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Loan (32 tuổi) cũng mở bán. Cứ khoảng 5 giờ, vợ chồng anh lại tất tả dọn hàng ra góc vỉa hè quen thuộc mưu sinh. 

Quán nhỏ xíu, bày bán vài món ăn nhẹ như ốc hút, trứng lộn, nước giải khát… Quán không quá đông đúc nhưng niềm vui thì luôn đầy ắp từ ngoài vào trong. 

Nằm trên góc vỉa hè ở xa khu dân cư, thế nhưng hơn 6 năm nay, quán ăn vặt "không lời" này luôn đông nghịt khách. 

Khách đến đây chủ yếu là khách quen, đa số là sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở trọ xung quanh khu vực đó. Cách phục vụ ở đây thật lạ! Không phải là những lời mời gọi đon đả, dịu dàng; không phải là cách ân cần dắt xe, kéo ghế, khách hàng đến quán anh được phục vụ tận tâm, tận tình trong sự "giao tiếp không lời". 

Chủ quán kiêm phục vụ là đôi vợ chồng bị câm điếc bẩm sinh. 

Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi bằng cử chỉ, bỗng một chiếc xe máy rà tới và đỗ xịch trước quán. Anh Bình nhanh nhảu đứng dậy chào khách với một nụ cười tươi rói. Rồi anh ra hiệu khách ngồi, đưa thực đơn và lại kèm một nụ cười nữa trong sự tò mò của những vị khách lần đầu ghé đến. Trong suốt buổi phục vụ, miệng anh luôn tươi cười, khuôn mặt rạng rỡ. 

Khách gọi món chỉ bằng vài cử chỉ nhỏ như cái ngoắc tay hoặc đôi ba dòng chữ viết vội trên tờ giấy. Sau đó, chủ quán nhận mảnh giấy và làm thức ăn theo yêu cầu của khách. Sau khi ăn xong, khách tự tính tiền rồi gửi lại cho chủ quán, hai bên chẳng nói với nhau một lời nào, duy chỉ có nụ cười luôn nở trên môi. Người ta đến quán của vợ chồng anh một phần vì đồng cảm, phần nữa là ủng hộ để anh chị bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Đến đây, khách tự gọi món và tự trả tiền... 

Khách gọi món ăn bằng cách chỉ tay vào menu. 

Vợ chồng chủ quán trò chuyện với nhau... 

Càng về đêm, quán càng đông khách. Chị Loan tay thoăn thoắt chuẩn bị đồ ăn, xong thì vỗ nhẹ vai chồng ra hiệu để chồng bê cho khách. Bê đồ cho khách xong, kéo vạt áo lau mồ hôi trên trán, anh Bình chạy lại bóp vai cho vợ, rồi anh chị quay sang nhìn nhau cười. 

Qua những dòng chữ nguệch ngoạc viết vội dưới ánh đèn đường, anh Bình cho biết anh và chị Loan quen nhau qua một CLB dành cho người câm điếc tại Đà Nẵng. Kể từ lần đầu gặp mặt, anh Bình đã "say nắng" chị Loan. Nhưng vì ngại ngùng nên anh không dám làm quen.

Rồi những cuộc gặp sau, qua những lần chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ không lời, anh quyết định tỏ tình với chị Loan bằng những cử chỉ vụng về với đôi bàn tay kết lại thành hình trái tim. Thế nhưng, với chị Loan, đó là lời yêu chân thành và ngọt ngào nhất. 

Càng về khuya, quán càng đông khách 

Dù ở xa, nhiều bạn sinh viên vẫn tìm đến đây để ủng hộ cho cặp vợ chồng câm điếc. 

Ngày anh chị quyết định về chung một nhà, hai bên gia đình vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đã tìm được bến đỗ, có được hạnh phúc như bao người khác. Lo là lo anh chị sẽ cực khổ, vì cả hai đều khiếm khuyết như vậy rồi tương lai sẽ ra sao. Nhưng rồi, tình yêu của anh chị đã chiến thắng tất cả. Bỏ qua hết những lời gièm pha, anh chị dắt nhau về chung một mái nhà. Hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi sau đó hai đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời. 

Hạnh phúc trong lặng câm… 

Quán Bé Câm này do chính tay anh chị gây dựng nên. Những ngày mới bán, phần vì chưa có khách, phần vì không nói chuyện bình thường được nên vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Nhưng không nản chí, bằng ngôn ngữ riêng của mình anh chị động viên nhau, rằng họ tuy thiếu thốn nhưng vẫn còn may mắn hơn biết bao người.

Dần dà, người dân xung quanh quen với quán, lui tới quán đông hơn. Cuộc sống từ đó có đồng ra đồng vào, lo được cho con thêm gói bánh, hộp sữa. Từ đó, anh chị ngày lại ngày cặm cụi với vài món ăn đơn giản, cùng nhau mở quán, bán hàng đến tận lúc dọn về. 

Chẳng bí quyết gia truyền, những món ăn vặt giản dị, chân chất của đôi vợ chồng khuyết tật tự nhiên lại có sức hút với giới trẻ Đà Nẵng đến lạ kỳ...! 

Ngồi trên xe trong lúc chờ chị Loan lấy mấy quả trứng, chị Lê Khánh Như (30 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ: "Chị là khách ruột của quán từ những ngày đầu. Gần nhà cũng có mấy thứ này nhưng chị hay chạy ra đây mua. Phần vì chị muốn ủng hộ quán, một phần cũng cảm thấy ấm lòng trước tình yêu và nghị lực sống của hai anh chị". 

Không nói được nhưng nụ cười của anh Bình luôn nở trên môi. 

Bạn Bùi Thị Thùy Dương (sinh viên năm 2, đại học Duy Tân) chia sẻ, mỗi tuần đều ghé quán 3, 4 lần. Khi thì đi một mình, khi thì rủ bạn bè đi cùng: "Mình biết đến quán nhờ sự chia sẻ của một người bạn, lúc đầu đến ăn vì sự tò mò, sau này mình hay lui tới vì đồ ăn ngon mà giá cả cũng hợp lí. Đặc biệt là cách phục vụ rất chu đáo, nhiệt tình mặc dù vợ chồng anh không nói được. Mình rất ngưỡng mộ đôi vợ chồng này". 

Nhìn anh chị bên nhau khiến thực khách cũng thấy ấm lòng... 

Niềm hạnh phúc của anh chị là 2 đứa con gái dễ thương, kháu khỉnh và có thể nghe nói bình thường. 

Chia tay vợ chồng anh khi trời đã về khuya. Nhìn cách hai anh chị vừa dọn dẹp vừa tình tứ trao cho nhau những nụ cười rạng rỡ, mấy ai nghĩ rằng họ đang mang trong mình những khiếm khuyết không may. Họ tựa như hai mảnh ghép của số phận.

Tưởng chừng không bao giờ phù hợp với nhau nhưng họ lại là mảnh ghép vừa vặn nhất của cuộc đời nhau. Hai con người ấy đã tạo nên một tình yêu giản dị, hạnh phúc. 

Theo Nguyễn Huy - Hà Nam/Thời Đại

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dưa hấu - THẦN DƯỢC trẻ hóa, giúp da tuổi 50 căng khỏe như đôi mươi