Gần 40 tuổi, mẹ cố đẻ con trai nhưng vừa sinh ra con đã mắc bệnh nặng khó chữa

2017-06-18 16:40
- Niềm vui sinh được đứa con thứ 3 là con trai chưa được bao lâu thì vợ chồng chị H phát hiện con bị chậm phát triển, thường xuyên đau ốm, bị bệnh bạch cầu hạt cần phải thay tủy hết gần tỷ đồng.

Trong tiềm thức của nhiều người Việt, vẫn còn tư tưởng phải sinh bằng được một cậu con trai nối dõi. Vậy nên có những gia đình dù đã sinh được 2 người con gái nhưng vẫn cố gắng sinh cố thêm con trai, bất chấp nguy cơ sức khỏe và tuổi tác của bố mẹ. Gia đình chị Đỗ Thị H. và anh Nguyễn Văn N. sống tại huyện Lý Nhân - tỉnh Hà Nam là một trường hợp vướng vào hoàn cảnh trên.

Vợ chồng chị H. cưới nhau đã được hơn 20 năm, cùng nhau lập nghiệp, sinh sống tại vùng quê nghèo tỉnh Hà Nam. Mặc dù chị H. đã sinh được 2 đứa con gái đầu lòng nhanh nhẹn, ngoan ngoãn nhưng cả hai anh chị đều muốn có thêm một cậu con trai cho "có nếp, có tẻ", hương khói tổ tiên sau này.

Chị H. sinh năm 1971, ở thời điểm mang thai và sinh đứa con thứ 3 vào năm 2008, chị H. đã ở tuổi 39. Khi sinh ra cháu Nguyễn Văn P., cả gia đình hai bên nội ngoại đều vui mừng khôn xiết vì cuối cùng vợ chồng chị cũng sinh được cậu con trai. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì cháu P. bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ốm đau.

Mẹ cố đẻ con trai khi đã gần 40 tuổi, nhưng con vừa sinh ra đã chậm phát triển, mắc bệnh nặng khó chữa

Từ lúc sinh con trai thứ 3 đến nay, vợ chồng chị H. thường xuyên phải đưa con đi viện vì đau ốm liên tục

Chị H. cho biết: "Khi con vừa sinh được 5 tháng thì có dấu hiệu đi ngoài nhiều, tai bị sưng đỏ. Tôi đưa con đi khám thì bệnh cũng khỏi. Nhưng khi cháu được 10 tháng tuổi thì tai lại bị chảy nước, sưng to hơn nữa. Bố mẹ lại lục đục cho con lên nằm viện Tai Mũi Họng, các bác sĩ tiến hành mổ nhưng vẫn không khỏi.

Từ khi ấy đến khi cháu được 2 tuổi thì cứ phải nằm viện Tai Mũi Họng suốt. Dù được về nhưng sức khỏe kém lắm, hết ốm thì lại viêm phổi. Bố mẹ cho cháu lên viện Bạch Mai khám nhưng không ra được bệnh. Chỉ biết có bệnh gì thì chữa bệnh ấy".

Đến tháng 2 năm 2016, cháu P. bị sốt cao, vợ chồng chị H. đưa con lên bệnh viện nhưng không rõ là bệnh gì, cũng không biết là nguyên nhân tại sao. Nằm viện được ít lâu thì phát hiện cháu bị nổi nhọt ở trên đầu.

Mặc dù đã vệ sinh sạch sẽ nhưng vết nhọt vẫn bị nhiễm trùng, thậm chí bị hoại tử hết cả vùng đỉnh đầu. Tình trạng bệnh nặng kèm viêm phổi, suy hô hấp nên cháu P. phải điều trị tích cực 10 ngày trước khi được chuyển về khoa miễn dịch, bệnh viện Bạch Mai.

"Lúc này, tôi cho cháu đi xét nghiệm thì mới biết cháu bị suy giảm miễn dịch bạch cầu hạt. Lúc biết tin, tôi hoảng hốt lắm, không biết làm sao chỉ biết khóc vì bác sĩ bảo bệnh này không thuốc chữa, chỉ có thể ghép tủy, hết tận 700 triệu nhưng gia đình làm gì có số tiền lớn thế. Con ốm đau từ bé, từ lúc sinh con ra thì bao nhiêu tiền trong nhà cũng vét hết để con đưa đi chữa bệnh rồi" - chị H. nói trong nước mắt.

Từ thời điểm phát hiện bệnh của con đến nay được gần 1 năm, mặc dù các bác sĩ đã hết lòng chữa trị nhưng tình trạng bệnh của cháu P. vẫn không tiến triển là bao. Hiện giờ, cháu P. đã được 8 tuổi nhưng ý thức của cháu vẫn còn rất non nớt như một đứa bé mới lên 2, lên 3.

Mẹ cố đẻ con trai khi đã gần 40 tuổi, nhưng con vừa sinh ra đã chậm phát triển, mắc bệnh nặng khó chữa

Cậu bé mặc dù đã lên 8 tuổi nhưng ý thức giống như một đứa trẻ lên 3, từ sau cơn sốt đầu năm 2016, cháu P. càng thêm ngơ ngẩn, luôn cần có mẹ bên cạnh

Chị H. bộc bạch nỗi niềm: "Từ khi sinh ra đến giờ, cháu có dấu hiệu thiểu năng trí tuệ nhưng bố mẹ nói gì thì vẫn biết, các chị bảo gì thì vẫn dạ thưa. Nhưng từ khi phát bệnh đến giờ thì cháu cứ như người ngơ ngẩn, lưỡi khi nào cũng thè ra. Khi bị sốt còn lên cơn co giật, động kinh.

Việc sinh hoạt, đi lại, ăn uống của cháu rất khó khăn, phải có người trông nom bên cạnh. Cứ khi nào thời tiết khó chịu thì cháu lại quấy khóc, trở trời thì động kinh co giật. Thương con lắm nhưng không biết làm thế nào".

Trước khi sinh cháu P., vợ chồng chị H. vẫn còn cố gắng làm lụng được ít nhiều. Ngoài việc nuôi hai đứa con gái ăn học thì cũng tích cóp xây được một gian nhà mái bằng. Nhưng từ khi sinh thêm đứa con thứ 3 thì gần như anh chị không làm thêm được gì nữa.

Cô con gái lớn của anh chị đã tốt nghiệp cấp 3, còn cô con gái thứ 2 thì đã nghỉ học để kiếm việc làm thêm. Để có tiền chạy chữa cho con, gia đình anh chị cũng đã phải vay mượn rất nhiều.

"Giờ kinh tế chính trong nhà đều là một tay chồng tôi gánh vác, làm đủ thứ việc. Thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Tháng nào cũng đi viện, mỗi lần nằm viện kéo dài cả tuần liền nên tiền kiếm được bao nhiêu cũng tiêu hết.

Lần nằm viện này, tôi vay mượn dắt túi được 5 triệu đồng nhưng cũng sắp hết rồi. Thuốc bôi đầu cho cháu mỗi tuýp giá 400.000 đồng. Mỗi lần phải mua 4 tuýp liền, thuốc chống giật cho cháu thì 1 triệu đồng/hộp được 6 vỉ thuốc" - chị H. chia sẻ thêm, gia đình bên ngoại cũng đã phải hỗ trợ cho chị rất nhiều để giúp gia đình kiếm thêm việc làm nuôi cậu con trai đau ốm. 

Nói về tương lai của con sau này, chị H. buồn bã: "Bác sĩ bảo bệnh này càng lớn thì càng khó chữa, sợ không có tương lai vì nguy cơ tiến triển thành ung thư rất cao. Mà ý thức của cháu cũng không có, gần như không biết một cái gì, không thể tự lo cho bản thân mình được. Nếu một mai bố mẹ có mất đi rồi, các chị có cưới chồng xa thì không biết con tự mình xoay sở thế nào".

Mặc dù biết trước tiên lượng của con rất xấu nhưng chị H. vẫn phải nén nước mắt vào trong, tiếp tục động viên chồng con cùng cố gắng. "Con cái bị bệnh không ai mong muốn cả. Sinh con ra mà con bệnh tật thì bố mẹ phải chịu thôi. Trước đây chỉ mong cháu khỏe mạnh không bệnh tật để bố mẹ tập trung làm ăn nuôi con. Giờ thì chỉ biết có bệnh là chữa thôi, trăm sự nhờ bác sĩ cả".

Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 30% các trường hợp chọc ối để sàng lọc dị tật bẩm sinh là các bà mẹ sinh con thứ 3, nhiều người gần 50 tuổi nhưng vẫn mang thai.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ nữ trên 35 tuổi thường có nguy cơ gặp các vấn đề về nhiễm sắc thể, nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Làm đàn bà khổ lắm, nếu có kiếp sau xin được làm đàn ông