Đua nhau kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mỹ, nhiều người ‘ôm’ cục nợ vào thân

2017-05-19 06:58
- Nhu cầu thể dục thẩm mỹ của cánh mày râu cũng như phái đẹp ngày càng tăng mạnh. Vì thế, không ít người đã “chuyển nghề tay ngang” để kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, nhiều người đã phải “ôm” cục nợ vào thân.

Trên trang facebook cá nhân của mình, chị Lê Thu Hà (Tạ Quang Bửu, Hà Nội) cho hay đang có ý tưởng tham gia phòng tập thể dục thẩm mỹ với cô bạn thân. Tuy nhiên, trước khi quyết định chuyển sang lĩnh vực này, chị Hà rất phân vân và lo ngại sẽ “đứt gánh giữa đường”.

Chị Hà chia sẻ: “Em có cô bạn thân rất tâm huyết với ý định mở phòng tập thể dục thẩm mỹ, mời em tham gia cùng, nhưng chỉ là phòng tập nữ (vì ít vốn). Bạn ấy đang tìm địa điểm thuê tầm 10 triệu/tháng trở lại thôi, ở khu đông dân cư, tiện đi lại.

Tuy nhiên, em có tham khảo ý kiến của một số người thì thấy bảo nếu chỉ riêng phòng tập nữ mà không có phòng tập thể hình của nam thì thu khó bù chi, chứ chưa nói đến chuyện có lời. Vì phòng tập nữ thu tối đa chỉ được 300.000 đồng/học viên/ tháng. Trong khi đó, chi phí phải thuê giáo viên đủ các ca dạy, tiền trả cho giáo viên ít nhất là 50.000 đồng/giờ, tiền thuê địa điểm, điện nước, trông xe nữa... khéo thu không đủ chi thật”.

kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mĩ

Phong trào tập thể dục thẩm mỹ của giới trẻ tại hà Nội khá rầm rộ. Ảnh minh họa.

Sau khi “trưng cầu ý kiến” của bạn bè, chị Hà đã rút ra được chút kinh nghiệm đó là phải mở phòng tập dành cho cả nam và nữ. Nếu như ngoài 2 buổi tập là sáng và tối, thì cơ sở của chị Hà và bạn cần mở thêm lớp dạy khiêu vũ, múa bụng vào ban ngày và buổi tối mới hy vọng có tiền lãi đút hầu bao.

Không chỉ riêng chị Hà mà rất nhiều người cùng có chung ý tưởng đều mơ hồ trước câu hỏi “kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mỹ có sinh lời không?”.

Chia sẻ với PV Emdep, anh Nguyễn Mạnh Hải (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, ban đầu anh cũng kỳ vọng kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mỹ sẽ đem lại lợi nhuận cao. Ai ngờ, sau một thời gian ngắn đầu tư vào mô hình này, anh đã phải rước đống nợ vào thân.

Anh Hải kể: “Hồi đầu, thấy phong trào tập thể dục thẩm mỹ của giới trẻ tại hà Nội khá rầm rộ, đâu đâu cũng thấy phòng tập “mọc ra như nấm”. Bản thân mình đi tập và chứng kiến nhiều phòng tập “hái tiền như nước” nên cũng bị cuốn vào vòng xoáy kinh doanh”.

Để có thể mở phòng tập, anh Hải đã bấm bụng chi ra số tiền ban đầu là 600 triệu đồng mua các thiết bị như: máy chạy bộ cỡ lớn, xe đạp tập chuyên dùng cho phòng tập, ghế nằm đẩy ngực bằng, ghế nằm đẩy ngực trên, ghế nằm đẩy ngực dưới, ghế tập cơ bụng, khung gánh tạ, ghế tập tay trước, bộ đĩa xoay eo, dụng cụ kéo xô trên/dưới, máy đạp đùi, đòn tạ dài, trung bình, ngắn…

“Ban đầu, mình thuê phòng tập với giá tiền nhà 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi ngày mở mắt đã phải trả 330.000 đồng tiền nhà chưa kể tiền tiền điện, nước, trông xe, thuê giáo viên... Một ngày trung bình, mình phải có 60 học viên theo học thì mới gọi là hòa vốn”.

Đua nhau kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mĩ, nhiều người ‘ôm’ cục nợ vào thân

Đâu đâu cũng thấy phòng tập “mọc ra như nấm”. Ảnh minh họa.

Hồi mới mở, khách đến phòng tập khá đông tầm 100-120 người/ngày. Thấy vậy, anh Hải nôn nóng đầu tư thêm 400 triệu đồng mua thiết bị máy móc, mở rộng phòng tập. Ai ngờ, ngay sau đó, có đối thủ cạnh tranh thuê được sân vận động với giá rẻ bất ngờ, mỗi học viên chỉ phải đóng 100.000 đồng/tháng. Lúc đó, khách của anh Hải “chạy” hết.

Điều đáng nói, do không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên anh Hải thuê giáo viên cũng “a-ma-tơ”. “Do họ không được đào tạo bài bản nên khi học viên theo học cũng không thấy thích thú và có cảm hứng tích cực với phòng tập”, anh Hải rầu rĩ kể.

Anh Hải bảo rằng, thời buổi kinh tế đang khó khăn mà chi phí tiền nhà, tiền phụ phí phải đóng cao thì khó mà kinh doanh có lãi được: “Khi mở phòng tập, mình cũng không lường trước được là địa điểm mình thuê ở khu dân cư nên khi mở loa to, người dân sống gần đó đã “tố” lên tận chính quyền địa phương nên mình cũng khá mệt mỏi về vấn đề này”.

Trò chuyện với PV, anh Hải thẳng thắn nói: “Kinh doanh thể dục thẩm mỹ không có lời. Với mô hình xoàng xoàng, không có gì nổi trội, không có dịch vụ nào đặc biệt như mình đã từng mở sẽ rất khó duy trì doanh số.

Bạn mình cũng từng mở lớp yoga, múa bụng nhưng rất khó bán vé với giá hơn 50.000 đồng/buổi tập, mà học viên thì kể cả đã đăng ký chắc chắn. Đến giờ giáo viên đến lèo tèo học viên, gọi điện cho khách lại bảo chị bận... vẫn phải để lớp hoạt động, tiền công giáo viên vẫn phải trả... coi như lỗ buổi đó”.

Theo anh Hải, hiện tượng này là thường xuyên và không thể khắc phục được ngay. Kể cả ra quy định với khách là nếu có confirm rồi mà không đến vẫn phải trả tiền buổi đó. Nhưng mà chính sách của phòng tập quá cứng thì khách lại không thích, không giữ được khách.

Đua nhau kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mĩ, nhiều người ‘ôm’ cục nợ vào thân

Vì thiếu kinh nghiệm, nhiều người đã phải “ôm” cục nợ vào thân. Ảnh minh họa.

Anh Hải bật mí, quá trình học làm “ông chủ” anh Hải đã phải trả chi phí quá đắt, sau khi thanh lý lại các thiết bị cũng như phá vỡ hợp đồng với giáo viên, anh đã bị lỗ mất 300 triệu đồng.

“Từ sau khi kinh doanh phòng tập thể dục thẩm mỹ, mình mới thấy chúng không đơn giản. Nhất là khi hiện nay, các phòng tập đã mọc lên như nấm và cạnh tranh nhau về đủ thứ. Số tiền thua lỗ trên, mình coi như là 1 bài học trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Giờ thì mình phải cày cuốc để lấy lại những gì đã mất”, anh Hải khẳng định.

Diệp Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hướng dẫn khắc phục lỗi iPhone không rung khi có cuộc gọi, tin nhắn