Dân mạng thi nhau tìm trên mạng mỗi khi đau ốm mà không lường được mối họa treo lơ lửng

Thu Hà 2019-05-14 06:45
- Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, không khó để gặp những topic hỏi cách chữa bệnh của cư dân mạng. Cứ bị ốm là dân mạng lại “hỏi bác Gúc” mà không biết việc làm này là vô cùng tai hại.

Bệnh gì cũng hỏi Google

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc tìm kiếm thông tin trên mạng trở nên phổ biến, ngay cả với các thông y tế, sức khỏe. Tiện ích là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người lệ thuộc “bác sĩ Google đến nỗi” cứ hễ ốm đau là tra Google, tự chữa mà không chịu đến bác sĩ thật.

Chị Trương Thị Quỳnh Trang, một dân công sở tại Hà Nội từng lâm vào tình trạng hoảng loạn chỉ vì tra Google vì bị khát nước thường xuyên. Bởi sau khi tra mạng internet, chị nhận được kết quả hàng tá bệnh khác nhau. Nào là bị rối loạn trao đổi chất, tiểu đường, thậm chí là…ung thư.

Dân mạng thi nhau hỏi “bác Gúc” mỗi khi đau ốm mà không lường được mối họa treo lơ lửng

Cứ đau trong tra "bác Gúc" là thói quen của nhiều cư dân mạng. Ảnh minh họa.

Dẫu sợ hãi nhưng chị không dám đi khám chỉ vì sợ “khám lại ra bệnh”. Thành thử cứ như một cái vòng luẩn quẩn, càng sợ chị càng lên mạng tra thông tin và lại lâm vào tình cảm sợ hãi.

Không chỉ vậy, những bà mẹ có con nhỏ cũng thường xuyên “nhờ bác Gúc” khám bệnh cho con mỗi khi con ốm đau.

“Không biết có phải là do bé nóng trong không? Em có thể cho uống lá gì để bé đỡ? Nếu em cho uống rau diếp cá thì giã uống sống có sợ bé đi ngoài không, hay là đun sôi lấy nước cho bé uống. Các mẹ có cách nào giúp em với, có cần đưa bác sỹ đi khám không?”.

Lời thỉnh cầu của một bà mẹ đã được hàng chục bà mẹ khác nhiệt tình “giải cứu”. “Bé có thể bị kê, mua kê về tắm là hết nhé!”, “Ra hàng thuốc tây mua một lọ hồ nước về bôi vào cho bé, vài lần khỏi sạch luôn”. Sau một hồi lên mạng hỏi, bà mẹ phải đóng topic vì quá bối rối, hoang mang trước những lời tư vấn.

Đừng dại dột tin vào “bác Gúc”

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai), việc phụ huynh tham khảo thông tin chăm sóc sức khỏe của con trên mạng là điều đáng hoan nghênh.

“Bản thân chúng tôi là thầy thuốc cũng phải tham khảo, cập nhật thông tin về thuốc, cách chữa bệnh trên internet hàng ngày. Thế nhưng biết được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin lỗi thời, không chính xác thì chỉ có người được đào tạo chuyên sâu về y học mới biết được.

Trong khi đó, các trang mạng copy, chính sửa bài viết của nhau rồi đăng tải. Vậy mà câu đầu tiên rất nhiều bà mẹ đưa con đến khám chữa tạị khoa đều nói với tôi là “Em thấy trên mạng nói/ khuyên là...”, PGS. Tiến Dũng cho hay.

Dân mạng thi nhau hỏi “bác Gúc” mỗi khi đau ốm mà không lường được mối họa treo lơ lửng

Tra cứu thông tin là tốt nhưng phải tỉnh táo, chớ mù quáng làm theo hướng dẫn trên mạng khi bị ốm. Ảnh minh họa.

Theo ông, một trong những điều đáng lo ngại nhất là việc các bà mẹ tự “kê” kháng sinh cho con khi ốm, chia sẻ cho nhau đơn thuốc điều trị cho con mà không biết việc làm này khiến trẻ bị nhờn thuốc, dị ứng thuốc rất nguy hiểm.

“Tham khảo thông tin trên mạng là cần thiết trong thời đại công nghệ, internet phát triển, thế nhưng áp dụng được hay không thì bạn cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc, bác sỹ. Đừng vì quá tin vào Google, lười đi khám mà đẩy người bệnh vào tình thế nguy hiểm”, TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 thói quen giúp phụ nữ Nhật trẻ mãi không già