Cuộc sống xáo trộn nặng nề, đầy ám ảnh vì thất nghiệp ở nhà

2017-03-19 06:50
- Thất nghiệp, nhiều chị em rơi vào cảnh phải ngửa tay xin tiền chồng. Không những vậy, đó còn là nguồn cơn khiến họ bị rơi vào stress.

Xáo trộn gia đình, ám ảnh ngày 3 cuộc gọi điện hỏi… việc

Sau Tết, công ty may của chị Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã liên tục tăng ca nhưng số tiền phụ cấp thì giảm đều không lý do. Bắt đầu ngày làm việc nào, quản đốc cũng “vứt” câu đầy “ám chỉ” rằng công ty đang cắt giảm nhân công. Công nhân nào không tăng ca, hàng bị lỗi trả về sẽ phải “chia tay trong hoà khí”.

Con gái mới được hơn một tuổi, con trai lớn đang học lớp 2, chị Hằng không thể ngày nào cũng giao trắng việc nhà, việc chăm con cho mẹ đẻ được. Chị cố nhẫn nhịn đi làm để có chút tiền chi tiêu để đến 1-2 tháng nữa, tìm được việc mới chị sẽ quyết định nghỉ.

Nhưng rồi, vì quá ức chế và nặng nề với công việc mà chị đành ra quyết định nghỉ sớm hơn dự định. Dù biết trước thất nghiệp ở nhà không phải là dễ nhưng chị không thể tưởng tượng thất nghiệp lại khiến chị ức chế nhiều như vậy.

Một mình chị lo việc nhà, chăm 2 đứa con, chợ búa cũng đã hết ngày. Nhưng không vì thế mà chị quên được thực tế chị đang thất nghiệp, ăn bám chồng.

Mỗi ngày, tranh thủ gửi đứa nhỏ cho hàng xóm, chị ra các trung tâm môi giới việc làm tìm việc. Nơi cần lao động phổ thông đều là các khu công nghiệp ở ngoại thành và họ chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi.

Cuộc sống xáo trộn, đầy ám ảnh vì thất nghiệp ở nhà

Những lời chồng nói lúc say, chị biết là không chấp nhưng nó cứ cứa vào tim chị khiến chị đau đớn. Ảnh minh họa.

Không tìm được việc buồn một, về nhà ngày 3 cuộc điện thoại của mẹ chồng, chị chồng… hỏi đã tìm được việc chưa khiến chị nóng lòng.

Đỉnh cao sự xáo trộn trong gia đình chị Hằng là những trận cãi vã của hai vợ chồng chị xung quanh vấn đề kinh tế. Chị Hằng nhớ như in những câu gằn lên của chồng sau một trận nhậu say về.

Minh (chồng chị) chì chiết: “Giờ mọi gánh nặng dồn lên vai tôi. Tôi vừa phải lo ăn uống cho cả nhà, tiền học hành của con rồi trả lãi ngân hàng mỗi tháng cho khoản vay mua nhà. Vậy mà tôi đi uống một tí, tụ tập một tí cũng cằn nhằn? Cô nên nhớ, ai đang nuôi cả nhà này. Không có tôi, liệu mẹ con cô lấy gì đổ vào mồm mỗi ngày?”.

Những lời chồng nói lúc say, chị biết là không chấp nhưng nó cứ cứa vào tim chị khiến chị đau đớn. Trong khi đó, chị cũng có nói gì nhiều, vì đã 22h đêm không thấy chồng về, chị gọi điện dặn: “Anh đừng uống say”.

“Mới nói như vậy mà tôi đã bị chồng nói cho chẳng ra gì. Có lẽ do tôi không đi làm, đang thất nghiệp nên bị chồng khinh. Không biết tình cảnh này bao giờ chấm dứt. Tôi chỉ mong có một nơi gọi đi làm”, người phụ nữ 36 tuổi thổ lộ.

Tìm đến bác sĩ tâm lý vì… bỏ việc

Lắng nghe câu chuyện của một bệnh nhân tại phòng khám chuyên khoa tâm lý, PV mới thấy không phải ai cũng vượt qua cửa ải thất nghiệp một cách dễ dàng.

Khác với trường hợp của chị Hằng, chị Thuý (27 tuổi) thất nghiệp vì chị cảm thấy quá chán với công việc hiện tại. Là một người từng đi học 3 năm ở Pháp về kiến trúc, vừa về nước, bố mẹ chị đã vun vén cho chị một chân trong ngành xây dựng của cơ quan Nhà nước.

Chị Thuý tâm sự: “Khi đi làm, tôi luôn tự hỏi mình: ‘Mày làm việc này thì có học được cái gì mới không?’, ‘Hôm nay mày sẽ giải quyết thêm được việc gì?’. Xa hơn, tôi hỏi mình ‘Tháng tới, năm tới mày sẽ phát triển đến mức nào?’. Tôi sợ nhất một công việc sáng xách túi ra khỏi cửa, ngồi đúng 8 tiếng, làm cho xong việc và trở về nhà theo kiểu thoát khỏi ngục tù”.

Theo chị Thúy thì, đây không phải là thứ chị lựa chọn dù công việc này là mơ ước của nhiều bạn bè chị: “Nhưng bản thân tôi không muốn tuổi trẻ của mình trôi qua như thế. Hơn nữa, mỗi ngày đến cơ quan tôi luôn phải nhìn trước ngó sau vì sợ sự soi mói của đồng nghiệp. Tôi không tìm thấy mục đích để làm việc và học hỏi mỗi ngày ở chỗ làm việc. Tôi sợ mình bị ì nếu ngồi ở đây thêm một thời gian nữa”.

thất nghiệp

Quãng thời gian này ở nhà, chị Thúy càng stress nặng, đầu nhiều khi muốn nổ tung. Ảnh minh họa.

Không chia sẻ với bố mẹ, chị bất ngờ nộp đơn xin nghỉ. Ngay sau đó, bố chị đang đi công tác ở nước ngoài phải về nước và cho chị Thuý một tràng giáo huấn. Hết khuyên giải, đe doạ, bố mẹ chị tuyên bố nếu chị không thay đổi quyết định thì đừng nhìn mặt họ.

Bố mẹ chị bắt đầu lục đục vì chuyện con gái nghỉ việc Nhà nước. Mỗi tối đi làm về, việc đầu tiên của họ là cãi nhau. Bố chị đổi lỗi cho mẹ chị là quá chiều con gái.

Ngày nào cũng phải nghe những đôi co, tranh cãi của bố mẹ khiến chị Thúy mệt mỏi. Sau 2 tuần thất nghiệp, chị bắt đầu có dấu hiệu đau khắp người, đầu liên tục đau. Và chị phải tìm đến bác sĩ tâm lý để được giãi bày.

Chị Thuý tâm sự: “Tôi đã có ý định cùng bạn mở công ty riêng cùng bạn. Tôi chỉ muốn làm việc mình muốn tại sao bố tôi lại gây sức ép với tôi! Họ đâu sống hộ được cuộc sống của tôi. Quãng thời gian này ở nhà, tôi càng stress nặng, đầu nhiều khi muốn nổ tung”.

Minh Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng