Cuộc chiến giành "suất" vào ký túc xá: Tân sinh viên và đủ mọi "mánh khóe"

2017-08-26 06:45
- Tìm được nơi ăn chốn ở của các tân sinh viên cũng là điều khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Thay vì lựa chọn ở trọ, nhiều cha mẹ quyết định để con vào ký túc xá, giúp gia đình đỡ được một khoản chi tiêu tốn kém.

Ngoài việc phải đóng các khoản phí trong ngày đầu nhập trường thì việc nơi ăn chốn ở của các tân sinh viên cũng là thứ khiến các phụ huynh đau đầu. Thay vì lựa chọn ở trọ, nhiều phụ huynh quyết định để con vào ở ký túc xá, giúp gia đình đỡ được một khoản chi tiêu tốn kém.

Chị Hồng Châu, phụ huynh của tân sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết, giá đình chị không thuộc diện hộ nghèo nhưng cũng không có nhiều của ăn của để. Để lo được cho con đi học Đại học ở thành phố đã khiến gia đình chị tiêu tốn không ít tiền bạc.

Sau khi tham khảo qua nhiều giá nhà trọ đắt đỏ ở Hà Nội, chị quyết định làm đơn xin cho con vào ký túc xá của trường để ở, giúp giảm bớt được 1 phần chi phí.

"Nếu con ở ngoài nhà trọ thì mỗi tháng phải chi ít nhất 1,5 triệu tiền trọ. Cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt phí, tiền điện nước thì cũng ngót nghét 4 triệu/tháng. Nếu được ở ký túc xá thì 1 học kỳ 5 tháng chỉ phải đóng 1.250.000 đồng bao gồm tiền ở và điện nước. Như vậy thì tôi chỉ cần gửi con tiền ăn thôi là đủ, như vậy thì sẽ tiết kiệm được cả chục triệu đồng" - chị Châu cho biết.

Nhưng để được vào ở ký túc xá không phải là chuyện đơn giản. Các tân sinh viên thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, con em chính sách... thì mới được ở ký túc xá. Những trường hợp như gia đình chị Châu thì rất khó để đưa được con vào ký túc.

Vậy nên chị Châu cố gắng trình bày hoàn cảnh, nói khó với ban quản lý, hi vọng có thể giành được một suất cho con vào ký túc xá. Thậm chí, chị còn ngồi chầu trực cả một buổi chiều ở trước cửa ban quản lý ký túc, xin bằng được số điện thoại của trưởng ban quản lý để xin xỏ.

Đủ mọi mánh khóe trong cuộc chiến giành suất vào ký túc xá

Phụ huynh và tân sinh viên đứng trước cửa ban quản lý ký túc xá tại HV BC&TT để xin được vào ở

Được biết, học viện Báo chí vừa xây dựng thêm một khu ký túc mới có cơ sở vật chất khá tiện nghi và sạch sẽ. Vậy nên nhiều phụ huynh mong muốn có thể cho con được sống và học tập tại đây, ngay sát trường nên rất tiện đi lại.

Chị Hồng Nhân - phụ huynh tân sinh viên trường Học viện Tài chính cũng đang tìm cách cho con vào ký túc xá của trường để ở. Mặc dù gia đình chị Nhân tương đối khá giả, không thuộc diện khó khăn, hoàn toàn đủ khả năng để chu cấp tốt cho con khi ở bên ngoài.

Chị cho biết lý do: "Ở ký túc xá vừa rẻ hơn ở ngoài, lại vừa giúp con giao lưu, gần gũi với bạn bè được nhiều hơn. Chưa kể ký túc xá quy định giờ giấc đàng hoàng, đảm bảo được nhịp sinh hoạt của con".

Chị Ngân cho biết, con trai chị ở nhà rất ít nói nên chị muốn cho con vào ký túc, ở chung cùng bạn bè trong thời gian đầu để con cởi mở hơn. Trong ký túc cũng có quản lý giờ giấc nên chị không lo con đàn đúm, đi chơi khuya bên ngoài như ở trọ. Chị kiên quyết tìm cách để con vào được ký túc xá bằng bất cứ giá nào.

Tại ký túc xá Mễ Trì cũng đang tiếp nhận các tân sinh viên mới vào nhập học. Được biết, ký túc này được trang bị nhiều cơ sở vật chất mới, hiện đại như nóng lạnh, điều hòa, máy giặt... Trong khi chi phí ở thì rất rẻ nên trở thành "tầm ngắm" của nhiều bậc phụ huynh và các tân sinh viên.

Đủ mọi mánh khóe trong cuộc chiến giành suất vào ký túc xá

Bạn Nguyễn Thị Thu Hà (Vĩnh Phúc) cựu sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn cho biết: "Em mình cũng mới trúng tuyển Đại học KHXHNV, gia đình có nguyện vọng cho em vào ở ký túc xá Mễ Trì để giảm bớt chi phí. Nhưng em mình lại không thuộc diện được ở nội trú. Vậy nên bố mẹ mình đã tìm mọi cách để xin cho em vào ở ký túc bằng được".

Thu Hà cho biết, trước đây, bản thân cũng không thuộc diện được ở ký túc nhưng đã tìm đủ mọi cách để vào ở nội trú bằng được. Vậy nên, khi em gái có mong muốn "đầu quân" vào ký túc xá Mễ Trì thì gia đình Hà lại áp dụng "chiêu cũ".

Phương pháp mà gia đình Hà sử dụng là tìm cách làm quen với bảo vệ, cán bộ của ký túc xá: "Mình tìm đến cán bộ, bảo vệ của ký túc xá để làm quen và quà cáp, nhờ họ giới thiệu em mình là con cháu trong nhà để xin suất vào ở dễ hơn.

Nếu thấy khó quá thì lên gặp hẳn ban quản lý ký túc xá, mang theo quà cáp để xin xỏ cho dễ. Mọi khâu chỉ việc thông qua ban quản lý ký túc chứ không cần phải lên làm việc với nhà trường".

Bạn Hà cũng cho biết, để có thể thuận lợi vào ở ký túc xá, gia đình cũng đã phải về chính quyền địa phương xin cấp giấy chứng nhận hộ nghèo bổ sung, có phụ huynh đi bộ đội nhiều năm... vào hồ sơ nhằm hợp thức hóa đối tượng chính sách.

"Mình từng ở ký túc xá Mễ Trì nên mình biết rất rõ, mỗi năm ký túc xá đều có thông báo những ai được ở, những ai phải ra ngoài. Vì ký túc xá được trang bị hiện đại, đầy đủ, giá lại rất rẻ nên nhiều sinh viên không muốn chuyển ra.

Cứ đến thời điểm có giấy thông báo là sinh viên tụi mình lại ngồi chờ la liệt ở hành lang tòa nhà ban quản lý ký túc. Nếu thấy tên mình bị loại thì lập tức tìm cách xin xỏ bằng được để ở lại" - Hà chia sẻ thêm.

Đủ mọi mánh khóe trong cuộc chiến giành suất vào ký túc xá

Nhiều phụ huynh mong muốn cho con em vảo ở ký túc để tiện việc sinh hoạt, đi lại gần trường, tiết kiệm chi phí.

Ông Phạm Đình Việt - trưởng ban Quản lý ký túc xá Mễ Trì cho biết: "Ký túc xá Mễ Trì có tổng số chỗ ở là 1.900 chỗ, dành cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của 4 đơn vị là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học khoa học Tự nhiên, trường Đại học Giáo dục và Khoa Y Dược.

Năm nay, quỹ phòng ký túc dành cho các sinh năm nhất giống như mọi năm. Cụ thể, trường ĐH Giáo dục 40 chỗ, trường ĐH KHTN 200 chỗ, ĐH KHXHNV 330 chỗ, Khoa Y Dược 20 chỗ. Việc bàn giao phòng ở cho các tân sinh viên của các trường đến thời điểm này đã gần như hoàn tất".

Nói về việc nhiều sinh viên vì muốn được ở ký túc xá đã làm đủ mọi cách, thậm chí là đi quà cáp cho các cán bộ nhân viên, bảo vệ để có suất ở nội trú, ông Phạm Đình Việt khẳng định: "Tôi khẳng định cán bộ, bảo vệ ký túc xá Mễ Trì không bao giờ nhận quà cáp để bố trí nơi ở cho sinh viên trong ký túc. Việc này tôi đã quán triệt rất kỹ trong các cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại ký túc. Thực tế, số lượng sinh viên thuộc diện chính sách có nhu cầu ở là rất cao. Bởi thế khi xét duyệt, các cán bộ quản lý phải có phương pháp để đảm bảo quyền lợi cho các em".

Ông Việt cho biết, khi tiến hành xét duyệt, các tân sinh viên vào ở ký túc xá, các cán bộ sẽ ưu tiên những sinh viên thuộc diện chính sách như con em thương bệnh binh, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, các em có gia đình hoàn cảnh khó khăn... Sau đó mới đến những đối tượng sinh viên khác. 

"Nhiều trường hợp sinh viên thuộc diện chính sách không đến nhập học hoặc không có nhu cầu ở ký túc xá thì những suất ấy sẽ được dành cho những trường hợp khác. Tất nhiên, phải còn chỗ ở thì chúng tôi mới xét cho các em sinh viên không thuộc đối tượng ở nhưng có nhu cầu, nguyện vọng muốn ở ký túc" - ông Việt cho biết thêm.

Theo ông Việt, nếu xảy ra trường hợp các sinh viên không thuộc diện được ở ký túc nhưng có hoàn cảnh khó khăn, thiết tha muốn được ở nội trú để giảm bớt gánh nặng cho gia đình thì ký túc vẫn có thể tạo điều kiện. Bằng cách tận dụng những gian phòng cuối cùng, mời phụ huynh và sinh viên lên tận phòng để xem xét, với điều kiện vật chất như hiện tại thì có đồng ý ở hay không. Nếu phụ huynh và sinh viên đồng ý với điều kiện như vậy thì sẽ bố trí ở.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Loạt người đẹp hết lộ ngực đến 'vùng cấm địa' trên đấu trường nhan sắc quốc tế