Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi "phiếu giữ xe còn nhưng vẫn bị mất xe"

2016-01-19 08:33
- Hai ngày gần đây, dư luận đang xôn xao câu chuyện phiếu giữ xe máy đưa cho khách có dòng chữ: "Phiếu không có giá trị lấy xe" tại các điểm trông giữ xe như nhà hàng, quán cafe ở Sài Gòn.
Cụ thể, câu chuyện bắt đầu gây hoang mang từ một bài viết trên facebook chị P.T.K.T. Chị viết rằng trước đây mình từng bị mất chiếc xe SH khi đi ăn tại một cửa hàng KFC ở quận 6 (TP. HCM). Từ câu chuyện mất xe đó, chị T. còn phát hiện ra hiện nay có khá nhiều chỗ trông giữ xe "chơi chiêu" với hình thức đưa vé giữ xe có lưu ý: "Phiếu không có giá trị lấy xe".
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi
Nội dung lời chia sẻ của chị T. được hàng chục nghìn người quan tâm và khá lo lắng về vấn đề phiếu giữ xe hiện nay.
 
Đưa phiếu "không có giá trị lấy xe" cho khách để… tiết kiệm giấy
Qua câu chuyện của chị T. chia sẻ, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở hầu hết các nhà hàng, quán cafe, quán ăn ở TP. HCM đều sử dụng tập vé xe có 2 liên, nhưng liên có dòng chữ "không có giá trị lấy xe" thực chất chỉ là phần cùi phiếu.
Theo thông thường phiếu giữ xe thường có 2 phần gồm liên 1 (cùi vé) được bấm vào xe và liên 2 đưa cho khách giữ. Trong liên 1 được bấm vào xe có dòng chữ in đậm: "Lưu ý: Phiếu không có giá trị lấy xe", còn phần liên 2 ghi: "Lưu ý: Phiếu có giá trị trong ngày".
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi
 Tập phiếu giữ xe tại nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).
Lý giải về trường hợp đưa cho khách phiếu giữ xe của liên 1, một bảo vệ trông giữ xe tại một nhà hàng ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP. HCM) thừa nhận, đây là việc làm cẩu thả của một nhân viên giữ xe tại nhà hàng.
Vị bảo vệ này cho cho biết: "Theo quy định tại nhà hàng, khi khách vào phải ghi biển số xe lên phiếu liên 2 có dòng chữ "Phiếu có giá trị trong ngày", còn liên 1 giữ lại nhưng không bấm vào xe để đối chiếu với liên 2. Tuy nhiên, có thời điểm đã hết phiếu liên 2 nên người giữ xe phải lấy phần liên 1 (cùi vé) ghi lại biển số xe rồi đưa cho khách luôn".
Khi được hỏi tại sao phần vé liên 1 không ghi biển số giống liên 2 rồi bấm vào xe như một số chỗ khác? Người bảo vệ này nói: "Giữ lại phần cùi để phòng khi hết phiếu liên 2 còn lấy dùng tạm, kiểu tiết kiệm đó. Với lại có bao giờ mất xe đâu mà khách phải quan tâm đến vấn đề đó. Đặt trường hợp nếu có mất, chúng tôi vẫn sẽ chịu trách nhiệm bồi thường".
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi
 Phần phiếu có giá trị lấy xe trong ngày kể từ thời điểm gửi xe.
Trong khi đó, tại cửa hàng KFC ở quận 6 (TP. HCM) mà chị T. đề cập trong câu chuyện của mình bị mất xe, nhân viên trông giữ xe tại đây trấn an: "Hồi trước cũng có mất xe SH nhưng công ty bảo vệ đã bồi thường rồi. Trước giờ có ai thắc mắc về cái này đâu, em cứ vào đi khi ra lấy xe cứ đưa cái phiếu này tôi đối chiếu với biển số xe là được. Tôi đảm bảo là không có mất xe đâu, phiếu này cũng như phiếu kia thôi, quan tâm làm gì dòng chữ bên dưới".
Theo nhân viên trông xe này, anh làm việc cho công ty bảo vệ Sao Thái Dương có hợp đồng nhận giữ xe cho cửa hàng KFC. Trao đổi với chúng tôi ông Võ Hồng Quảng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ - bảo vệ Sao Thái Dương (đơn vị hợp đồng bảo vệ với cửa hàng KFC Bà Hom) khẳng định: "Tất cả thông tin trên mạng cho rằng phía cửa hàng KFC làm mất xe mà không chịu đền bù là đều là không đúng sự thật! Vào hơn tháng trước, đúng là tại đây có mất chiếc xe hiệu SH nhưng phía công ty bảo vệ đã chịu trách nhiệm bồi thường".
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi
 Bảo vệ tại KFC quận 6 giải thích về vấn đề ghi trên phiếu giữ xe khi khách thắc mắc. 
 
Theo ông Quảng, tất cả các trường hợp mất xe có liên quan đến công ty đều đã được đền bù, giải quyết ổn thỏa và có biên bản của công an xác nhận. Mọi vấn đề trông giữ xe đều do phía công ty bảo vệ đều chịu trách nhiệm.
 
Nhận giữ xe không có phiếu, khi mất xe vẫn bồi thường
Hiện nay, nhiều người lo ngại việc nơi nhận trông giữ xe không đưa thẻ giữ xe hoặc đưa thẻ giữ xe mang tính chiếu lệ diễn ra phổ biến, không phải vì người giữ xe có tâm lý qua loa, đại khái mà vì thiếu trách nhiệm, sợ phải đền bù nếu xảy ra rủi ro, nên cố tình né ghi chi tiết thông tin trên phiếu giữ xe.
"Tôi thật sự lo lắng khi nhận vé xe có dòng chữ lưu ý bên dưới "Phiếu không có giá trị lấy xe" vì lỡ xe mình mất, đưa phiếu ra nhưng nơi trông giữ từ chối bồi thường với lý do phiếu này không có giá trị gì cả. Trường hợp này đã xảy ra ở người bạn của tôi rồi nên cũng sợ khi gửi xe với tờ phiếu kiểu hên xui này", anh Nguyễn Minh Vương (quận Gò Vấp) chia sẻ.
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi
 Theo luật dân sự, dù có hay không có phiếu, bên nhận giữ xe vẫn có trách nhiệm bồi thường khi mất xe.
Cảnh báo khi gửi xe đi ăn-chơi 'phiếu giữ xe còn nhưng vẫn bị mất xe'
 Phiếu giữ xe tại KFC quận 6.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Luật gia Nguyễn Trung Tín (Công ty Luật Thiên An) cho biết, tại khoản 1 điều 401 Bộ luật dân sự về hình thức hợp đồng dân sự  thì có thể hiểu rằng, hợp đồng gửi giữ xe không bắt buộc phải bằng văn bản mà có thể thỏa thuận bằng lời nói hay hành vi cụ thể.
Luật gia Tín thông tin: "Tại quy định này nêu rõ hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định".
Vì vậy, theo Luật gia Tín, phiếu gửi giữ xe có thể được xem là một minh chứng cho sự tồn tại hành vi gửi giữ giữa hai bên đã xảy ra. Cho dù, phiếu gửi xe có nội dung: "Phiếu này không có giá trị lấy xe" hoặc không có phiếu giữ xe đi chăng nữa, nhưng trên thực tế hai bên đã phát sinh hành vi gửi và nhận xe thì bắt buộc sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên.
"Nếu bên nhận giữ xe làm mất xe thì theo quy định tại khoản 4 Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau: "Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiêt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng", vị Luật gia nói cho biết thêm.
Theo Tri Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập to mông không to đùi (Phần 2)