Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Thu Hà 2018-10-14 06:45
- Sau vụ cháy nhà trong đêm đông, từ một cô bé xinh xắn mắt to, chị Đỗ Thị Thu Thủy (hiện sinh sống tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành một người con gái không có ngón tay, còn khuôn mặt thì biến dạng.

Đêm mùng 2 Tết định mệnh

Chị Thu Thủy quê gốc ở Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Đêm mùng 2 Tết năm 1979 đã trở thành một đêm định mệnh, cướp đi gương mặt và đôi bàn tay của chị Thủy. Chị được mọi người kể lại, khi đó chị mới lên 2 tuổi, đang ngủ trên chiếc giường được kê sát cửa sổ. Bố chị đi làm, mẹ chị trông em mới sinh.

Mùng 2 Tết, trẻ con khắp chòm xóm tưng bừng đón Tết, đốt những bánh pháo nổ đì đùng vui tai. Không may có quả pháo bị lạc, bay vào giường chỗ chị nằm và bốc cháy. Chị Thủy đang ngủ thật say, không hề biết chăn màn bốc cháy và ụp hết vào người chị.

Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Hiện chị Thu Thủy làm nghề thợ may tại tỉnh Hà Tĩnh. Dù không có ngón tay nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã học may thành công. Ảnh: NVCC 

Chị được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng thời đó điều kiện chữa trị không được như bây giờ. Đôi bàn tay chị bị bỏng, chín hết thịt phải băng bó lại. Qua Tết, bác sĩ tháo băng cho chị thì một cảnh tượng rùng rợn đã xảy ra.

Băng tháo đến đâu, ngón tay chị rụng lả tả đến đó. 10 ngón tay xinh rụng hết, chỉ còn mỗi hai bàn tay không có ngón. Sau vụ cháy nhà, từ một cô bé mắt to xinh xắn, khuôn mặt chị biến dạng, dúm dó vì da thịt bị co kéo.

Tuổi thơ buồn tủi với đôi bàn tay không ngón

Mang thân hình như một bệnh nhân hủi về làng, ai nhìn thấy chị cũng sợ hãi, tránh xa. Lên 6 tuổi, chị tới trường nhưng không bạn nào dám chơi với chị. Chị lớn lên với hai bàn tay không có ngón, bàn chân không hoàn hảo và gương mặt không còn nguyên vẹn.

Chị buồn tủi, hay khóc một mình.  Có lần cô hàng xóm đi chợ về, nhờ chị mang hộ bó rau sang cho bác ở cạnh nhà. Nhận bó rau, bác ấy đã ném ngay vào thùng rác ngay trước mặt chị.

Từ đó, chị rất sợ ra ngoài đường. Chính bản thân chị cũng không hiểu vì sao chị có thể học hết cấp 1, rồi hết cấp 2. Trong các môn học, chị thích nhất môn mỹ thuật, môn toán.

Nhưng vì nỗi tự ti “không ai nhận người khuyết tật vào làm việc” nên chị đã thôi học, dù trong lòng tiếc nuối vô cùng. Bố mẹ chị nghèo túng đến nỗi xe đạp chẳng có mà đi, chạy ăn từng bữa, chị không muốn mình đi học trở thành gánh nặng thêm cho bố mẹ. Ở nhà, chị mày mò theo mẹ đi bán rau nhưng thất bại vì nhìn thấy chị là không ai mua hàng.

Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Cầm kéo may là cả một câu chuyện dài. Nhưng chị Thủy đã làm được. Ảnh: NVCC

Chị lại theo bố đi chở cát bằng xe bò cải tiến nhưng chỉ được mấy hôm, chị ốm nằm bẹp giường. Nằm nhà, chị rủ em nhận vàng mã về làm. Ban đầu khó nhưng làm dần dần thành quen, chị bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên.

Hai chị em cùng nhau làm từ sáng đến 11h đêm, tích cóp mua được chiếc xe đạp mini màu vàng 1.2 triệu đồng. Chiếc xe đạp là gia tài lớn. Vậy mà hơn một tháng sau, trong một lần hai chị em rủ nhau để xe ở nhà, đi bộ ra phiên chợ thăm thú, kẻ trộm đã cạy cửa lấy mất.

Hai chị em lại bảo nhau cày cuốc để mua xe, khi mua được chiếc xe đạp khác cũng là lúc công ty giày da gần nhà tìm công nhân. Em gái chị xin đi làm công nhân, còn chị ở nhà in giấy tiền vàng.

Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Đồ nghề của chị là những cây kéo nhỏ được thiết kế riêng. 

Một lần bố chị đi làm về kêu khó thở. Cả nhà đưa bố đi viện, bác sĩ báo bố chị bị ung thư phổi, rồi viện trả về. Cả nhà giấu không dám nói cho bố chị biết điều đó, chỉ động viên bố về nhà uống thuốc là khỏi.

Về nhà, thấy con gái vừa làm vừa lo nấu cơm, bố chị ôn tồn khuyên: “Con hãy đi học lấy cái nghề, chứ nghề này không làm được mãi con ạ. Con phải ra ngoài giao lưu cho cho mở mang. Bố nghĩ con chỉ học được nghề may thôi”.

Nghe lời bố, chị Thủy đến các tiệm may xin học nghề. Mới nhìn chị, ai cũng xua tay nói: “Em không học được đâu, học làm gì cho phí tiền”. Có người bảo thẳng: “Em cầm cái nón ra cổng chùa sẽ nhiều người thương và cho em tiền”. Nước mắt chị trào ra. Lẽ nào trong mắt mọi người, chị chỉ có thể đi xin tiền?

Rồi một lần đi thăm người ốm ở bệnh viện, người nhà chăm bệnh nhân ở cạnh đó hỏi thăm. Chị kể ước mơ của chị là được đi học may. Không ngờ chị ấy nói: “Em đến chị, chị sẽ dạy em. Học ở nhà chị có đầy đủ các thứ để học”.

“Không được phép thua về mặt tâm hồn”

Lao vào học nghề may, chị đã động viên mình bằng câu nói: “Dù bạn xấu về mặt thẩm mỹ nhưng không được phép thua về mặt thẩm mỹ tâm hồn”. Chị nhận thấy sự tự ti không thể nuôi sống mình được, nên phải gạt bỏ nó ra khỏi đầu.

Về nhà không có máy may, chị ngồi khâu từng cái quần áo cái áo. Có hôm khâu tới gần sáng mới đi ngủ. Rồi bố chị đi vay tiền, mua cho chị một cái máy may đạp chân. Đó cũng là lúc bố chị gần ra đi vì bệnh đã quá nặng.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bố chị dặn dò: “Dù khó khăn thế nào con cũng phải cố học lấy cái nghề con nhé. Muốn làm chủ bản thân con phải có cái nghề. Nghề sẽ nuôi sống con không phải sống dựa vào ai. Mẹ con rồi cũng sẽ già, em con cũng phải lấy chồng”.

Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Sau tất cả sóng gió, chị đã có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc to. Ảnh: Thu Hà

Ba ngày sau, bố chị mất vào một ngày mưa gió bão bùng. Để chứng minh cho mọi người thấy mình là một cô gái tàn nhưng không phế, chị đã quyết tâm tập cầm kéo, may bằng cách riêng của mình.

Sau hai năm “nếm mật nằm gai” với cây kéo to, một lần vô tình chị sang hàng xóm thấy cái kéo cắt thủ công của học sinh cầm rất vừa tay. Chị bèn sắm luôn một cây kéo như vậy nhưng loại kéo này chỉ cắt vải mấy lần là cùn. Chị nhờ bác thợ rèn làm riêng cho mình chiếc kéo để có thể tì bàn tay không có ngón và cắt vải như một người thợ may bình thường.

Bác thợ rèn ngại làm vì khó lắm, nhưng sau khi nghe chị kể hành trình kiếm việc, tìm kéo, bác đã nhận giúp. Nhiều khi bác mài kéo giúp chị không lấy tiền và hóm hỉnh bảo: “Con cứ khỏe làm việc nuôi con, con con nên người rồi trả công mài kéo cho bác”.

Hai chiếc kéo nhìn rất nhỏ bé mà đáng quý với chị, dù nghèo khổ hay thành công, cây kéo cũng luôn ở bên. Có đêm, chị nằm mơ thấy đôi tay mình lành lặn. Chị cứ ngắm mãi, lật đi lật lại, đang ngắm chợt tỉnh hóa ra chỉ là giấc mơ.

Cảm phục nghị lực phi thường của cô thợ may có đôi bàn tay không ngón

Câu chuyện tình yêu, nghị lực của chị Thủy khiến mọi người khâm phục. Cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng hai anh chị luôn lạc quan, yêu thương nhau hết mực. 

Chị định không lấy chồng vì chẳng tin vào câu chuyện tình yêu với người có ngoại hình như mình. Nhưng hạnh phúc đã đến. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Bá, một chàng trai có hoàn cảnh đặc biệt, mất 95% sức lao động sau một tai nạn khủng khiếp năm 1999. Anh phải ngồi xe lăn từ đó đến nay là hai mươi năm.

Chị theo anh về Hà Tĩnh đã được một năm nay. Hiện vợ chồng chị sinh sống bằng nghề may tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Dù chị có bị mất cả mười đầu ngón tay, khuôn mặt không còn lành lặn nhưng trong mắt chồng, chị luôn là người con gái đẹp nhất. Bởi ăn nói có duyên, tay nghề cắt may không thua kém ai, giá thành rẻ nên chị đã sống được với nghề. Cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng vợ chồng chị luôn lạc quan, yêu thương nhau hết mực.

Xót xa thay những lần mưa bão ập về, chị phải trèo lên mái nhà bê gạch, bê cát chèn lên để tránh gió làm tốc mái nhà. Chị hy vọng có một ngày nào đó, cuộc sống bớt gian khó, thân cò như chị sẽ không phải trèo lên mái nhà chống bão nữa…

Thu Hà

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 bí quyết làm đẹp giúp bạn ngay lập tức trẻ hơn 10 tuổi