Bí mật động ba cô tiên cầu duyên linh thiêng, nơi trai gái độc thân nào cũng 'có đôi có cặp'

2017-05-24 16:03
- Theo người trông coi động này cho biết, hầu như bất kỳ cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ nào cầu duyên tại đây đều được. Do đó, tiếng đồn động thiêng cứ thế lan tỏa và được nhiều người biết.

Con dốc thoai thoải men sườn núi là con đường dẫn chúng tôi lên động ba cô tiên (xóm Thăng, xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình). Đứng từ xa nhìn lại, dãy núi đá Thăng giống như một con rồng khổng lồ, bao quanh xóm Thăng. Động Thăng tọa lạc ở độ cao 100m so với mặt ruộng. Theo nhiều người dân địa phương, đây là một trong những hang động linh thiêng có tiếng của vùng núi xứ này. 

Khám phá động Ba cô tiên cầu duyên linh thiêng xứ Hòa Bình

Ông Nguyễn Văn Xuân, người đã có 6 năm trông coi tại đền ba cô tiên.

Vừa băng rừng bằng đôi chân nhanh thoăn thoắt, ông Nguyễn Văn Xuân (52 tuổi), người đảm nhận trách nhiệm trông coi động 6 năm cất tiếng sang sảng trò chuyện với chúng tôi: “Có lẽ trời sắp mưa rồi, những con kiến này đang chui ra khỏi tổ. Chúng báo hiệu trời sắp đổ cơn mưa. Các cô bước nhanh chân lên, đừng để nó cắn. Nó mà cắn thì tím thịt, độc lắm…”.

Sau một hồi vượt qua bao khe núi hiểm trở, qua bao triền dốc ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng đứng trước động ba cô tiên. Thoáng nhìn, động là một hốc đá rất rộng, được khoét sâu vào một bên hông núi.

Động có kiến trúc bằng gỗ hình chữ nhất, phía trên có chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên đốc được đặt thăng bằng bằng gỗ cùng những bức tượng đá gắn liền với kỳ tích đậm nét tâm linh.

Theo lời của các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây vùng này rất hoang sơ nhưng người dân sống no ấm. Nhưng có một năm trời đổ mưa không ngớt khiến mùa màng thất bát. Thương người dân cực nhọc nên ba nàng tiên đã dùng phép thuật của mình để cứu đói và may áo cho người dân nghèo.

Khám phá động Ba cô tiên cầu duyên linh thiêng xứ Hòa Bình

Hình ảnh tượng đá linh thiêng được trùm khăn hồng biểu tượng cho nàng tiên ngự tại đền.

Một chàng trai trong bản muốn tận mắt thấy ba cô tiên xinh đẹp nên đã lén lên động nấp sau vách đá để nhìn các cô tiên may áo. Tuy nhiên, bị phát hiện, các cô tiên biến vào trong vách đá trên động và không bao giờ xuất hiện. Từ đó, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ngay trong động Thăng để tưởng nhớ công ơn cứu giúp của 3 cô tiên nên gọi là động ba cô tiên.

Ngoài ra, một truyền thuyết khác cũng được truyền lại qua hết đời này đến đời khác. Đó là nơi đây là nơi dừng chân khi các cô tiên bay từ núi Ba Vì về. Cứ như vậy, ba cô tiên bay đi bay lại tại hai địa điểm trên. Khi về ngự tại đền, ba cô tiên suốt ngày chăm chỉ may vá quần áo đẹp.

Hàng năm, cứ đến dịp lễ hội, người dân nghèo không có quần áo đẹp mặc đi dự hội. Các chàng trai, cô gái lên động thắp hương cầu khấn mượn trang phục, xà tích, bạc để diện đi hội. Khi tàn hội, họ giặt sạch đồ và mang trả.

Động ba cô tiên còn là nơi cầu duyên rất linh thiêng cho những chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng. Cứ mỗi ngày rằm tháng Giêng, những nam thanh nữ tú muốn cầu duyên lại chuẩn bị con gà, đĩa xôi đặt lên ban thờ cầu khấn.

"Hầu như bất kỳ ai cầu đều được, chính vì thế, cuối năm họ lại làm lễ tạ vào ngày rằm tháng Chạp âm lịch. Lễ vật bao gồm một con gà trống thiến luộc và mâm xôi, một cút rượu cùng với hoa quả", ông Xuân kể.

Khám phá động Ba cô tiên cầu duyên linh thiêng xứ Hòa Bình

Một hốc đá phía sau lá cờ, nơi các nàng tiên thường thực hiện công việc may vá mỗi lần về ngự tại đền.

Ông Xuân nhớ lại: "Theo truyền thuyết kể lại, trên con đường vào động ba cô tiên, người ta phải đi qua cửa gác. Ở đó có con sư tử trắng đứng túc trực ngày đêm. Một ngày nọ, có người thợ săn đi lên động và mang theo cung với âm mưu muốn giết hạ con sư tử. Khi người đàn ông này vào động cầu khấn trước khi bắn hạ con sư tử. Nhưng khi sư tử bị bắn hạ, cả người đàn ông và sư tử đều biến mất mà không ai hay biết".

Hồi tưởng lại về một sự tích khác, ông Xuân trầm tư nghĩ về kẻ ăn trộm chiếc chuông đồng trong động: “Ở đây còn có một chiếc chuông đồng rất lớn, năm ấy bỗng dưng chiếc chuông biến mất. Mấy ngày hôm sau dân làng đồn rằng chiếc chuông vứt bỏ ở xã bên. Thì ra kẻ lấy trộm cho rằng chiếc chuông được làm bằng đồng đen giá trị nên lấy cắp mang đi bán nhưng hắn đã sai lầm. Cuối cùng hắn vứt chiếc chuông ở đầu cống xã bên. Sau đó gia đình nhà người đàn ông này tan nát, vợ chồng li dị, hắn ta hết trong nam lại  ngoài bắc. Cuộc đời cứ phiêu dạt nay đây mai đó suốt kể từ ngày hắn gây ra chuyện tày đình”.

Theo ông Xuân, trước đây động không được kê ngăn nắp và có sập như thế này. Nó chỉ được đặt một cây cọ. Nhưng có một người trong làng đỗ trạng nguyên, làm quan lớn trong triều. Mặc dù thế, bao năm hai vợ chồng sống với nhau nhưng vẫn không có một mụn con. Cuối cùng hai vợ chồng lên đây cầu nguyện. Không lâu sau người vợ mang bầu và sinh quý tử.

Khám phá động Ba cô tiên cầu duyên linh thiêng xứ Hòa Bình

Đền có kiến trúc bằng gỗ hình chữ nhất, phía trên có chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên đốc được đặt thăng bằng bằng gỗ cùng những bức tượng đá gắn liền với kỳ tích đậm nét tâm linh.

Để tạ ơn ba cô tiên đã ban phước lành, vị quan đã cho người tạo nên một kiến trúc bằng gỗ hình chữ nhất, phía trên có chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên đốc được thưng bằng gỗ. Hai bên trụ của ban có hai dòng câu đối.

Nhưng theo ông Xuân, cho đến nay vẫn chưa ai biết được ý nghĩa của hai dòng chữ trên, bởi vì nó là chữ nho hán, nên các cụ bô lão có nhiều năm nghiên cứu về chữ nho tuổi đã tám mươi nhưng vẫn không ai dịch được ý nghĩa của câu đối này.

Ngày hội chính ở đây được tổ chức vào ngày 06/1 hàng năm. Vào ngày này, người dân khắp nơi về đây trẩy hội cầu may. Mặc dù ở trên động đi lại rất khó khăn nhưng năm nào đến ngày này người dân đều tổ chức lễ hội rất linh đình. Các trò chơi như ném còn, múa hát cũng được tổ chức nhộn nhịp, sau đó cùng nhau phá cỗ, uống rượu vui vẻ.

“Năm đầu tiên tôi giữ vị trí trông coi đền, khách đến lễ và thăm quan động khá đông. Nhưng càng những năm gần đây, mỗi dịp lễ và ngày rằm khách thập phương đều đến nườm nượp, chật ních cả động. Họ mang đến những câu chuyện về điều ước khi đến đây cầu nguyện. Chính vì vậy, động linh thiêng tiếng lành càng đồn xa”.

Ngày 10/3/2017 vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận động ba cô tiên là một di tích lịch sử. Cùng chung vui trong ngày này, người dân khắp nơi và người dân xóm Thăng tổ chức lễ hội múa chiêng cồng, diện trang phục dân tộc Mường để đón nhận sự kiện trọng đại, tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 người đẹp lão hoá ngược - Toàn U40 mà trẻ đẹp như thiếu nữ!