7 tật xấu không bỏ, dù chuyển công ty nào cũng bị ghét cay ghét đắng

Trung Hiếu 2017-04-13 06:56
- Đạo đức giả, chia bè kết phái, xu nịnh cấp trên, nạt nộ cấp dưới, lười biếng, nhiều chuyện… là những tật xấu bạn nên bỏ nếu không dù chuyển đến công ty nào cũng bị ghét bỏ, tẩy chay, thậm chí bị sa thải.

1. Chia bè kết phái

Công sở điều cần nhất là sự đoàn kết, chung tay của tất cả các thành viên trong công ty. Nếu như đến công ty để lôi kéo, chia bè kết phái thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ là người thất bại. Chia bè kết phái không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, một nhóm người mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công việc.

Thay vì chia rẽ, bạn hãy sống vui vẻ, lạc quan, hòa đồng với mọi người, bỏ qua mọi thị phi… Điều này sẽ làm cho bạn cũng như môi trường làm việc lành mạnh, thoải mái.

7 tật xấu nếu không bỏ thì chuyển đến công ty nào bạn cũng bị ghét

 2. Hay phàn nàn    

Công việc khó khăn, áp lực, lương thấp, đồng nghiệp đố kỵ, nói xấu nhau… đó là những câu than thở của rất nhiều người khi không hài lòng với công việc của mình đang làm, của những người thường đứng núi này trông núi nọ. Nên nhớ, phàn nàn chỉ tạo thêm cho bạn cảm giác mệt mỏi, buồn chán mà thôi.

Thay vì than phiền, bạn nên tập trung vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi công việc hoàn tất sẽ tạo cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. Được cấp trên trọng dụng, đồng nghiệp tin yêu.

3. Đùa quá trớn

Đùa giỡn mang lại cho bạn cùng đồng nghiệp cảm giác thoải mái, xích lại gần nhau hơn. Nhưng nếu bạn đùa không đúng lúc hoặc đùa quá trớn sẽ mang đến những hậu quả khó lường.

Nếu trong giờ làm việc, bạn trêu đùa một người đồng nghiệp không đúng cách khi họ đang tập trung cao độ vào công việc thì sẽ làm cho người đó khó chịu, thậm chí còn phản kháng. Nhiều lúc cũng vì một câu nói đùa của bạn mà làm ảnh hưởng đến công việc, gây thất thoát cho công ty.

Dù bạn là người có tính hài hước như thế nào thì cũng nên nghiêm túc trong giờ làm việc.

4. Đạo đức giả

Những kẻ ném đá sau lưng người khác, cướp công đồng nghiệp được xếp vào loại người đạo đức giả. Người có tật xấu này trước sau gì cũng bị đồng nghiệp lật tẩy, thậm chí bị đuổi việc.

Chị Mai Lê (29 tuổi, ngụ Hà Nội) chia sẻ. Dự án mà chị dốc hết tâm huyết suốt nửa tháng ròng thành công tốt đẹp, được công ty trao thưởng lớn. Nhưng rồi người được xướng tên bước lên khán đài nhận thưởng không phải chị mà là đồng nghiệp thân thiết cùng phòng. Quá ngỡ ngàng, bức xúc, chị Lê phản kháng bằng cách chứng minh dự án trên là của mình.

Sau khi đưa ra những chứng cứ sát thực, giải thưởng kia đã được trao đúng chủ và tất nhiên người cướp công bị sa thải khỏi công ty.

“Dù nhận được giải thưởng giá trị nhưng tôi vẫn thấy buồn. Tôi buồn vì một người mình từng tin tưởng, xem như chị em ruột thịt suốt thời gian dài lại là người sống giả tạo như vậy”, chị Lê chia sẻ.

 5. Nịnh cấp trên, nạt cấp dưới

Đây là một thói xấu khá phổ biến trong công sở. Những người mới vào làm với những người có thâm niên đều cùng một chức vụ như nhau, việc làm như nhau, nhưng chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” khiến rất nhiều người phàn nàn. Những nhân viên mới thường bị đồng nghiệp sai vặt như lấy tài liệu, triển khai kế hoạch, thậm chí quét nhà, rửa chén, pha trà…

Thành phần trong công ty cũng phân biệt khá rõ ràng giữa cấp dưới và cấp trên. Cấp trên bắt nạt cấp dưới, nịnh bợ người có vị trí cao hơn mình. Nếu duy trì lâu dài tình trạng này sẽ tạo rất nhiều áp lực cho cấp dưới, trở thành một lối mòn khó mà từ bỏ được.

Thay vì quát nạt, xu nịnh, bạn hãy sống hòa đồng, không nên phân biệt để tạo cảm giác thoải mái trong công việc. Điều này không chỉ tốt cho riêng bạn mà còn cho đồng nghiệp, thúc đẩy công việc theo chiều hướng có lợi, thành công.

7 tật xấu nếu không bỏ thì chuyển đến công ty nào bạn cũng bị ghét

 6. Lười biếng

Đi làm không theo giờ giấc quy định, đi muộn về sớm, đến công ty không bắt tay vào công việc luôn mà chần chừ, pha cà phê, tám chuyện, lướt wed…

Thái độ làm việc vô tổ chức của những người này thường tạo cho cấp trên, đồng nghiệp cảm giác khó chịu. Cho rằng đó là những thành phần không tâm huyết với nghề, không có trách nhiệm với công việc. Đi làm chỉ với mục đích giết thời gian để đến tháng lãnh lương.

Bạn nên hiểu đồng tiền luôn tương xứng với năng lực, trách nhiệm. Nên tuân thủ nguyên tắc làm việc để hoàn thành trách nhiệm của mình. Có như vậy bạn mới có nỗ lực để phấn đấu và học hỏi, trau dồi thêm kiến thức.

7. Nhiều chuyện

Có những người đến công ty nhưng công việc chính không phải làm việc mà để chụm ba chụm bảy nói chuyện. Không phải nói chuyện của dự án này, kế hoạch kia của công ty mà bới đủ chuyện của bản thân, gia đình, đồng nghiệp, xã hội… Mặt hàng nào giảm giá, hàng nào kém chất lượng. Dịp này cô nào được sếp ưu ái, hôm qua quý bà nào bị đánh ghen ngoài chợ…

Họ còn thường xuyên nói xấu đồng nghiệp làm mất tình đoàn kết dẫn đến chia rẽ, tạo bức xúc khiến cho đồng nghiệp chửi bới, thậm chí đánh nhau.

Nhưng rồi trước sau gì đồng nghiệp cũng nhận ra ai là nguyên nhân khiến họ bị chia rẽ. Sếp sẽ truy tìm ra người tung tin xấu làm mất hình ảnh của mình với cấp dưới. Và cuối cùng, họ bị tẩy chay, đuổi khỏi công ty.

Bớt nói chuyện, chú tâm vào công việc không những giúp bạn cố gắng trong công việc mà còn hạn chế những tật xấu, đáng lên án.

Trung Hiếu

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 bài tập đơn giản trước khi đi ngủ giúp nàng 'lười chảy thây' cũng có eo thon, chân dài