Trẻ nhỏ thường xuyên đau bụng, mẹ đừng lơ là vì con có nguy cơ mắc bệnh “người lớn"

Thu Hà 2018-06-12 11:00
- Nhiều người thường nghĩ viêm dạ dày là bệnh của người lớn nhưng trong thời gian gần đây, khi nội soi trẻ em, BSCKII Trần Văn Quang, chuyên gia nội soi tiêu hóa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện nhiều trường hợp viêm loét dạ dày.

Con gái 4 tuổi của chị Dương Thu Phương (Q. Đống Đa, Hà Nội) rất hay kêu đau bụng. “Cháu thường kêu đau bụng bất thình lình, sau khi ăn, khi thời tiết hay đổi hoặc chẳng vì lý do gì cũng kêu đau. Đưa đi siêu âm, bác sĩ nói do cháu đầy hơi. Khám xong cháu hết đau, cười toe toét. Nhiều khi gia đình bực mình vì nghĩ cháu giả vờ đau”, chị Thu Phương chia sẻ.

Khi đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương khám, chị mới tá hỏa hóa ra con bị viêm dạ dày.

Nhiều người thường nghĩ viêm dạ dày là bệnh của người lớn nhưng trong thời gian gần đây, khi nội soi trẻ em, BSCKII Trần Văn Quang, chuyên gia nội soi tiêu hóa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện nhiều trường hợp viêm loét dạ dày.

Là một chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về nội soi trẻ em tại Nhật Bản với hơn 30 năm kinh nghiệm, là một trong những bác sĩ đầu tiên triển khai nội soi tiêu hóa cho trẻ em tại bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Trần Văn Quang nhận định trẻ em hoàn toàn có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày bởi một số nguyên nhân.

Trẻ nhỏ thường xuyên đau bụng, mẹ đừng lơ là vì con có nguy cơ mắc bệnh “người lớn

Trẻ nhỏ hay kêu đau bụng, cha mẹ đừng lơ là vì có thể trẻ mắc viêm dạ dày. Ảnh minh họa.

Đó là nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn H. Pylori (HP), đây là loại xoắn khuẩn đã được chứng minh có liên quan đến viêm loét dạ dày của người lớn và cả trẻ em.

“Tỉ lệ người viêm loét dạ dày có Hpylori cao 80 - 90 %, cao hơn những người bình thường và người ta đã chứng minh khi tiệt trừ HP  thì quá trình lành bệnh nhanh hơn và giảm tần xuất tái phát của bệnh lý dạ dày. Bệnh lây theo con đường tiêu hoá nên trong gia đình có thể nhiều người nhiễm và lây cho trẻ”, Bác sĩ Trần Văn Quang cho biết.

Một nguyên nhân khác cha mẹ không ngờ tới đó là do trẻ có thói quen ăn uống không tập trung như vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện tử. Thói quen này làm hấp thu kém, giảm bài tiết dịch vị khi ăn, không tốt cho tiêu hoá, dễ viêm dạ dày.

Ngoài ra, trẻ dễ bị viêm dạ dày do cha mẹ dùng thuốc, nhất là các thuốc giảm đau, chống viêm có hoặc không có Corticoid. Viêm dạ dày còn là triệu chứng bệnh toàn thân nhiễm trùng huyết, stress, bỏng... hoặc bệnh xuất hiện do có yếu tố gia đình.

Điều trị sớm để tránh nguy cơ ung thư dạ dày sau này

“Tình trạng viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể diễn tiến thành viêm mạn tính, loét dạ dày - tá tràng, hoặc xuất huyết tiêu hoá cấp tính… nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Đặc biệt với những trẻ viêm loét dạ dày có nhiễm H. Pylori nếu không tiệt trừ sẽ rất dễ tái phát viêm loét dạ dày - tá tràng và đặc biệt khi các cháu có người quan hệ huyết thống như bố mẹ, ông bà...bị ung thư dạ dày, trẻ sẽ có nguy cơ cao ung thư dạ dày sau này”, Bác sĩ Trần Văn Quang cảnh báo.

Bác sĩ Trần Văn Quang khuyến cáo cha mẹ cần đưa con tới gặp chuyên gia tiêu hóa nhi nếu thấy bé có biểu hiện như đau bụng kéo dài, đặc biệt đau có liên quan đến bữa ăn, đau lâm râm khu trú thượng vị hoặc trên rốn… mà đã không tìm được tìm nguyên nhân rõ ràng. Trẻ hay bị nôn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua; biếng ăn, thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng, từ cấp tính đến mạn tính. Thậm chí xuất huyết tiêu hoá như nôn máu, đi ngoài phân đen...

Trẻ nhỏ thường xuyên đau bụng, mẹ đừng lơ là vì con có nguy cơ mắc bệnh “người lớn

Trẻ cần được đi khám sớm với chuyên gia tiêu hóa nhi để phát hiện bệnh viêm dạ dày. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, cha mẹ hãy cho trẻ đi khám nếu tiền sử gia đình có người bị viêm dạ dày, hay phải dùng thuốc giảm đau, chống viêm có hoặc không có corticoid.

Hiện nay, nội soi dạ dày ống mềm là kỹ thuật rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiêu hoá. Kỹ thuật này rất an toàn nếu bác sĩ nội soi được đào tạo chuyên sâu cho trẻ nhỏ, bác sĩ giảm đau có kinh nghiêm và tất cả là quy trình theo dõi thực hiện chuẩn mực.

Đau bụng của trẻ em thường là triệu chứng nổi bật nhất khiến cha mẹ đưa các cháu đến khám nhưng thực tế phần lớn các cháu là đau bụng chức năng, không có tổn thương thực thể. Do vậy cần có các bác sĩ có kinh nghiêm lâm sàng để khám và phân loại bệnh, tránh những can thiệp không cần thiết như một số cơ sở y tế hiện nay chỉ định nội soi quá rộng rãi cho trẻ em”, Bác sĩ Trần Văn Quang nhấn mạnh.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vì sao người bị chó dại cắn cứ đến đám tang là phát dại?