Thấy con khó thở, hãy nghĩ ngay đến bệnh mềm sụn thanh quản

2016-11-02 07:04
- Bệnh mềm sụn thanh quản vốn là bệnh lý khiếm khuyết bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bệnh có thể tự khỏi nhưng nếu không chăm sóc tốt có thể gây nên nhiều bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cho trẻ sơ sinh.

Sai lầm khi nghĩ con thở khò khè do ngáy ngủ

Đầu tháng 10, bé Vũ Phương mới hơn 1 tháng tuổi phải nhập viện Nhi TW vì thở mệt, thở rít và thường bị nôn trớ sữa, bú kém. Tại bệnh viện, bé được các bác sĩ chuẩn đoán là đường thở tắc nghẽn do mềm sụn thanh quản – một dạng bệnh lý khiếm khuyết bẩm sinh thường gặp ở vùng thanh môn và thanh quản.

Chị Hà Linh, mẹ của bé Vũ Phương cho biết: “Lúc đấy, mình đang cho con bú thì tự nhiên con khóc, rồi mặt tím tái, thở ngắt quãng và khó khăn. Hai vợ chồng lập tức đưa con đi bệnh viện, khi đấy mới biết là con bị mềm sụn thanh quản. Lúc mới sinh thấy con thở khò khè mình cứ nghĩ là con ngáy ngủ thôi, nhưng khi con bú thì tiếng thở nghe càng to, khi bú xong được một lúc thì nôn hết sữa ra. Dù đã được hơn 1 tháng tuổi rồi nhưng con không thấy lên cân. Các bác sĩ bảo bệnh của con mình sẽ tự khỏi sau một thời gian nữa, nhưng thấy con ngủ thở khó, lại hay nôn sữa nên xót ruột lắm”.

Chị Hiền Lương (Cầu Giấy – Hà Nội) có con bị mềm sụn thanh quản cũng chia sẻ: “Lúc 3 tháng tuổi con mình thở khò khè, thở rít, mình cứ nghĩ bị viêm phế quản. Đến một hôm thấy cháu hơi tím tái, hai vợ chồng liền đưa con vào bệnh viện khám khi đấy mình mới biết con bị bệnh mềm sụn thanh quản. Vì bị mềm sụn thanh quản nên con hay nôn trớ sữa dẫn đến viêm nhiễm nhẹ đường hô hấp trên. Hiện mình vẫn đang cho con bổ sung canxi, chăm sóc tốt nên con có vẻ cứng cáp hơn, đỡ khó thở hơn, ít nôn trớ hơn so với trước”.

Thấy con khó thở, mẹ hãy nghĩ ngay đến bệnh mềm sụn thanh quản

 Chị Hiền Lương sau khi phát hiện con bị mềm sụn thanh quản đã có cách chăm sóc hợp lý nên hiện con đã cứng cáp hơn so với trước.

Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào (bệnh viện Tai Mũi Họng TW) cho biết: “Thấy trẻ thở có tiếng khò khè, nhiều người nghĩ là trẻ bị viêm phế quản, viêm mũi nhưng nhiều khả năng bị bệnh mềm sụn thanh quản. Trẻ bị mềm sụn thanh quản dễ bị trào ngược dạ dày thực quản do nghẽn một phần thanh môn trong, khi hít vào trẻ phải cố gắng lấy không khí gây tăng áp suất trong lồng ngực khiến thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản, hạ họng. Vì vậy các trẻ bị bệnh lý này rất dễ bị viêm tai mũi họng và viêm phế quản, viêm phổi”.

Theo bác sĩ Bích Đào, trẻ bị mềm sụn thanh quản thường được phát hiện ở độ tuổi 4 – 6 tuần, cũng có thể sớm hoặc muộn hơn 1 đến 2 tháng. Bệnh này rất hiếm gây tử vong nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.

Cẩn trọng với bệnh hô hấp bị gây nên bởi mềm sụn thanh quản

Các mẹ có thể tự kiểm tra con có mắc bệnh mềm sụn thanh quản hay không bằng cách để con nằm ngửa có nghe thấy tiếng thở khò khè tăng lên hay không. Có một số triệu chứng thường xảy ra khi bé bị nặng như chậm lên cân, bú khó, ngưng thở, co kéo lồng ngực và cổ khi hít vào, tím tái.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng bởi những triệu chứng sẽ hết dần hơn sau khoảng 1 tuổi. Điều mà các mẹ nên lưu tâm là những bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên có thể xảy ra bởi mềm sụn thanh quản. Bé có thể mắc chứng bệnh như viêm phế quản, viêm phổi nếu các mẹ không kịp thời phát hiện và phòng ngừa sớm.

 

mềm sụn thanh quản

Để chăm sóc trẻ bị mềm sụn thanh quản, bác sĩ Bích Đào cho biết: “Là bệnh lý bẩm sinh nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bậc phụ huynh có thể bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ. Khi ngủ để trẻ ở tư thế nằm sấp hoặc nghiêng trên giường. Khi cho trẻ bú tránh để bé bị sặc, cho bé ăn đủ chứ không nên ép trẻ ăn quá no”.

Cũng theo bác sĩ Đào, bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ có thể tự khỏi nhưng những biến chứng về viêm nhiễm đường hô hấp trên ở trẻ cần phải điều trị sớm và triệt để. Cần theo dõi những chuyển biến của trẻ để đưa đến bệnh viện kịp thời như trẻ ngưng thở trên 10 giây, thở khò khè, tím tái quanh môi, co kéo lồng ngực và cổ không đỡ khi thay đổi tư thế nằm, khó thở khi bú, khó nuốt và nôn trớ liên tục.

Vì đây là bệnh lý bẩm sinh vậy nên không có cách nào phòng tránh triệt để cho trẻ. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả những bất thường bẩm sinh của thai nhi, các mẹ cần chăm sóc giai đoạn tiền sản tốt, dinh dưỡng đầy đủ, tiêm chủng ngừa theo lịch nhằm tránh sinh non, hạn chế tối đa mọi khả năng có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng.

 Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những Hoa hậu từng khiến netizen 'dậy sóng' vì nhan sắc 'xấu phát hờn'