Những mẹo hay xử lý bất cứ triệu chứng khó chịu nào sau sinh

2015-11-13 09:43
- Trải qua cơn vượt cạn kéo dài, cơ thể người mẹ sau sinh rất yếu và thường gặp những triệu chứng như đau bụng, chảy máu âm đạo, đau tức ngực...

Sáu tuần đầu sau sinh được gọi là giai đoạn hậu sản. Trong giai đoạn này, cơ thể được phục hồi dần dần để trở lại trạng thái bình thường. Một số mẹ sẽ gặp các triệu chứng khó chịu, nhưng hầu hết sẽ tự biến mất sau 6 tuần. Các triệu chứng như đau lưng, đau núm vú và đau đáy chậu vẫn có thể tiếp diễn trong nhiều tuần sau đó. Một số trường hợp bị đau lưng sau sinh sẽ dẫn tới nguy cơ sức khỏe giảm sút khi nhiều tuổi.

Sau sinh, tâm lý chung của nhiều phụ nữ sau khi làm mẹ là dồn hết sức lực, tâm trí vào việc chăm sóc đứa con yêu bé bỏng mới chào đời. Tuy nhiên giai đoạn hậu sản là thời kỳ rất quan trọng, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Có như vậy, cơ thể mới phục hồi nhanh, tránh mắc các bệnh mạn tính sau này.

Những triệu chứng chung thường gặp sau sinh

Các triệu chứng gặp phải sau sinh sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và quá trình sinh nở trước đó của bạn. Nếu bạn sinh mổ, thường bạn sẽ gặp các triệu chứng như đau nhức vết mổ; chân, tay, mặt sưng phồng do phản ứng thuốc tê, đau nhức vùng tiêm thuốc tê. Nếu bạn sinh thường và bị rạch tầng sinh môn, bạn sẽ gặp khó khăn trong vệ sinh cá nhân…

Hướng xử lý các triệu chứng sau sinh

Chảy máu âm đạo

Máu chảy từ âm đạo trong thời gian này thực ra là sản dịch (máu và các chất nhầy trong cổ tử cung và bộ phận sinh dục). Sản dịch cần phải được đẩy ra hết nếu không sẽ gây các biến chứng nguy hiểm. Trong giai đoạn này mẹ vẫn phải dùng băng vệ sinh loại dày và thấm hút tốt. Chú ý vệ sinh vùng kín thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Thông thường sản dịch sẽ hết sau 6 tuần.

Đau bụng do tử cung vẫn co bóp

Sau sinh tử cung vẫn tiếp tục co bóp để thu nhỏ kích thước và trở về hình dạng ban đầu. Thời gian tối đa để tử cung hoàn thành nhiệm vụ này vẫn là 6 tuần. Nếu quá đau bụng, bạn có thể sử dụng thuốc acetaminophen (Tylenol) để giảm đau song phải xin ý kiến của bác sỹ chuyên môn trước khi sử dụng.

Những mẹo hay xử lý bất cứ triệu chứng khó chịu nào sau sinh

Đáy chậu khó chịu, đau hoặc tê

Nếu gặp phải triệu chứng này, cố gắng giữ vệ sinh vùng kín. Bạn có thể sử dụng túi chườm lạnh, các loại xịt làm dịu da, kem, thuốc mỡ. Nên nằm nghiêng khi ngủ, mặc quần áo rộng thoải mái và dùng acetaminophen để giảm cảm giác đau. Nếu có thời gian bạn nên tập các bài tập Kegel, chúng sẽ giúp lưu thông máu và rút ngắn thời gian hồi phục.

Đau nhức xung quanh vết mổ

Bạn có thể dùng thuốc giảm đau theo đơn thuốc của bác sỹ. Nếu vẫn tiếp tục đau trong nhiều tuần, hỏi ý kiến bác sỹ về việc có thể tăng liều lượng hoặc dùng thuốc khác mạnh hơn hay không. Lưu ý không làm việc nặng và bê vác đồ đạc sau khi sinh.

Tiểu khó

Vài ngày sau sinh bạn sẽ gặp vấn đề về tiểu tiện như tiểu khó, tiểu buốt. Hãy uống nhiều nước và đi dạo để cải thiện tình trạng này. Có thể đổ một ít nước ấm, chườm nước đá lên vùng đáy chậu hoặc xả vòi nước để kích thích tiểu tiện dễ dàng hơn.

Táo bón

Đây là triệu chứng thường gặp nhất sau sinh. Biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng này là uống nhiều nước, ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau. Một số cách khác như đi dạo, tập bài tập Kegel, tránh căng thẳng và sử dụng các chất làm mềm phân cũng giúp cải thiện tình hình. Ngoài ra nhai kẹo cao su để kích thích phản xạ tiêu hóa cũng là một mẹo hay.

Bệnh trĩ

Các mẹ sau sinh thường bị trĩ độ 1 hoặc độ 2, tuy nhiên búi trĩ sẽ từ từ biến mất. Trong thời gian khó chịu vì búi trĩ, bạn có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm cảm giác đau rát.

Mệt mỏi

Trải qua cuộc vượt cạn lớn mất nhiều sức lực, cộng thêm việc phải thích nghi với lịch sinh hoạt của bà đẻ ở cữ và bận bịu chăm con nhỏ khiến các mẹ đều mệt mỏi tột độ sau sinh. Tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, ngủ khi bé ngủ để lấy lại sức và tránh trầm cảm sau sinh.

Đau nhức toàn thân

Một số mẹ phải rặn đẻ nhiều lần hoặc cơn chuyển dạ kéo dài thường bị đau nhức, ê ẩm toàn thân sau sinh. Mẹ có thể dùng acetaminophen và giảm đau cơ bằng cách tắm nước nóng, tắm dưới vòi sen hoặc massage cơ thể.

Mắt sưng

Có thể chườm lạnh mắt khoảng 10 phút mỗi ngày để cải thiện tình hình.

Đổ mồ hôi vào ban đêm

Đặt một chiếc khăn xô thấm hút tốt lên gối của bạn và uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất đi.

Vùng ngực khó chịu

Ngực căng tức, nóng, khó chịu là những triệu chứng thường gặp ở sản phụ sau sinh. Bạn có thể đặt một chiếc khăn ẩm và hơi ấm lên ngực. Nhẹ nhàng mát xa hoặc sử dụng nước chườm đá. Lưu ý không nên mặc áo ngực quá chật và bó.

Núm vú bị đau hoặc nứt

Đau núm vú, nứt núm vú thường gặp ở những bà mẹ nuôi con lần đầu, thường do cho con bú sai tư thế. Khi bị đau núm vú, chú ý giữ núm vú khô, luôn sạch sẽ. Vệ sinh núm vú bằng nước muối sạch, sau đó lau khô và thoa các loại thuốc trị nứt núm vú. Trước khi cho con bú, vệ sinh sạch núm vú.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là hiện tượng thường gặp và phổ biến nhất. Trầm cảm sau sinh do nhiều yếu tố gây nên như rối loạn hormone trong cơ thể người mẹ dẫn tới rối loạn cảm xúc, mệt mỏi sau ca sinh nở kéo dài, chưa thích nghi với cuộc sống có con nhỏ. Ngoài ra, việc kiêng cữ, ở lì trong phòng và không nói chuyện tiếp xúc với ai cũng dẫn đến trầm cảm sau sinh. Hiểu được nguyên nhân gây trầm cảm sẽ giúp mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chú ý nghỉ ngơi điều độ, nói chuyện gặp gỡ bạn bè. Nên nói hết ra những vấn đề của mình sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn.

Xem thêm

The duc giam can

Giam can sau sinh

Cach giam can hieu qua

Việt HàNguồn: WTE
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hồng Đăng và Thanh Hương nói gì khi được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?