Mẹ không có sữa, lại không nên cho con ăn bột sớm. Vậy phải làm sao?

Mai Anh 2017-12-14 16:00
- Sữa công thức sẽ là giải pháp tiếp theo, nhưng trước hết, mẹ hãy nỗ lực kích thích tuyến sữa hoạt động trở lại.

Đừng ép con ăn dặm sớm

Theo chia sẻ của một bà mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội, vì mẹ không có sữa nên mẹ chồng chị đã cho bé ăn dặm khi bé mới hai tháng tuổi.

Em stress quá, bà nội cho con ăn dặm 1 bữa bột một ngày, sau chuyển lên tận 2 bữa một ngày. Ban đầu là ăn bột ăn dặm bán sẵn, sau là ăn bột gạo với đường. Đêm con khóc thì bị mẹ chồng mắng là tại em không có sữa. Nhưng cho con ăn bột no thì nó vẫn khóc mãi vào ban đêm mà”, người này chia sẻ.

Đó cũng là tình cảnh của nhiều chị em lần đầu làm mẹ, thiếu hiểu biết về các kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ. Theo TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Quốc  gia Việt Nam, cho bé ăn dặm quá sớm như trường hợp bà mẹ này không những không làm cho bé phát triển mà còn gây hại cho bé về lâu dài.

Mẹ không có sữa, lại không nên cho con ăn bột sớm. Vậy phải làm sao?

Ăn dặm sớm không tốt cho bé (Ảnh minh họa)

Cụ thể: “Với những bé 2 tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn quá non nớt, chưa hoàn chỉnh, nếu phải làm việc quá sớm bởi mẹ cho ăn bột thì sẽ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống. Cơ thể bé vì thế cũng không thể hấp thu được thức ăn. Các mẹ đừng nghĩ là không có sữa thì ăn bột, cũng tốt. Đó là hại con”, TS Từ Ngữ cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, đã tiêu hóa được các loại thực phẩm mềm nên việc hấp thu các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ sẽ dễ dàng hơn. 

Vậy bé ăn gì?

Cũng là một bà mẹ ít sữa, nuôi con đến 20 ngày sau sinh, tự nhưng chị Lê Anh Đào (ở Hoài Đức, Hà Nội) mất hẳn sữa mẹ. Vì sống ở vùng ngoại thành, nên mẹ chị cũng nhất quyết đòi đun nước cháo cho bé uống với suy nghĩ “Ngày xưa nuôi con bằng cơm từ bé như thế có sao đâu!”. Tuy nhiên, chị Đào đã tìm hiểu về sự nguy hại khi cho con ăn sớm, nên giải thích kĩ càng cho mẹ chị, đồng thời, chị cũng lên mạng và hỏi xin sữa của một số bà mẹ khác.

Mẹ không có sữa, lại không nên cho con ăn bột sớm. Vậy phải làm sao?

Nên thận trọng với sũa mẹ trữ đông (Ảnh minh họa)

Chị Đào cho biết: “Đây là giải pháp mà mình cho là tốt nhất, nếu áp ứng được. Vì dù sao đi nữa, sữa mẹ vẫn tốt nhất cho những bé mới chưa được một tháng tuổi như con nhà mình. Nhiều người e ngại đi xin sữa liệu có an toàn cho con không, thì mình nghĩ là nên lựa chọn, ví dụ, xin của người quen, hoặc qua lời giới thiệu của các mẹ khác, vì có nhiều mẹ nhiều sữa, trữ đông được rất nhiều và cũng sẵn sàng cho”.

Khi xin sữa cho con, tốt nhất là của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, xin sữa của những người khỏe mạnh, không xin sữa của những người bị viêm vú, áp se vú hoặc bị các bệnh nguy hiểm như: HIV, viêm gan B, bệnh do siêu vi trùng... để tránh lây nhiễm cho trẻ.

Bên cạnh đó, trong trường hợp sữa xin cho con không đủ dùng, các bà mẹ cũng có thể bổ sung cho con sữa công thức bằng cách ti bình hoặc dùng thìa. TS Từ Ngữ cho biết: “Hiện nay, có nhiều loại sữa công thức được tạo ra từ sữa bò và gia giảm các thành phần sao cho giống với sữa mẹ nhất. Tất nhiên, không thể thay thế sữa mẹ nhưng trong tình huống này thì còn tốt hơn rất nhiều so với việc vắt nước cơm, nước cháo sớm cho bé”.

Theo kinh nghiệm của chị Lan Phương ở Ba Đình, Hà Nội: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sữa công thức cho bạn lựa chọn. Làm sao để chọn được loại sữa phù hợp với bé trong hàng loạt nhãn hiệu mới là điều quan trọng. Mình chọn sữa bột vì giá thành tiết kiệm nhất, nhưng nhược điểm là mất nhiều thời gian pha khuấy hơn các loại sữa công thức khác và bạn phải làm chính xác theo hướng dẫn. Còn sữa công thức dạng pha sẵn hay dạng sữa đặc thì khá đắt tiền”.

Mẹ không có sữa, lại không nên cho con ăn bột sớm. Vậy phải làm sao?

Mẹ có thể lựa chọn sữa công thức cho con (Ảnh minh họa)

Có một số bà mẹ khi dùng sữa công thức cho con tỏ ra nghi ngại vì con có dấu hiệu nôn trớ, đi ngoài, sẽ lập tức đổi sữa. Nhưng sự thực thì nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa của bé chưa đáp ứng được và theo thời gian sẽ có sự thay đổi.

Mẹ chú ý lượng sữa cho bé bú như sau:

Trẻ sơ sinh (1 tháng tuổi): 60-80ml/ bữa x 7-8 bữa/ngày (500-600ml/ngày).

Trẻ từ 2-4 tháng tuổi: 100-120ml/ bữa x 6-7 bữa/ngày (700-800ml/ngày).

Trẻ 5-6 tháng tuổi: 150-180ml/ bữa x 5- 6 bữa/ngày (800-1000ml/ngày).

Trẻ 6-12 tháng: Bé nên uống 500 – 600ml sữa công thức loại II (chứa nhiều dinh dưỡng và chất đạm hơn loại I), mỗi ngày chia làm 3 – 4 lần và công với việc bắt đầu cho trẻ ăn cháo, bột vào bữa ăn. Nên dùng sữa này để đảm bảo việc phát triển của trẻ.

Có thể thay đổi việc ít sữa mẹ hay không?

Trở lại câu chuyện mẹ ít sữa, không đủ cho con bú, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ về cách khắc phục để lấy lại nguồn sữa dồi dào.

Chị Hoàng Lan, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Thực ra, mất sữa không hẳn là bạn sẽ vĩnh viễn không thể khơi thông nguồn sữa nếu giãn cách thời gian cho bú sau sinh không quá dài. Dù mất sữa nhưng mình vẫn cho con bú, động tác bú của bé sẽ kích thích tuyến sữa hoạt động. Cùng với đó, mình chú trọng vào dinh dưỡng, ăn  một số món lợi sữa như cháo sung, bắp bò khoai lang, chân giò hầm đu đủ…”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên các bà mẹ dù mất sữa cũng giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước để giúp tuyến sữa hoạt động trở lại trơn tru hơn.

Mai Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những cặp đôi Cbiz từng hẹn hò nhưng ít người biết: Lưu Thi Thi có đoạn tình cảm với tài tử này!