Mẹ có biết: Trẻ ngủ muộn CHẬM PHÁT TRIỂN cả thể lực và trí tuệ?

2018-09-03 08:58
- Trẻ sơ sinh thường có thói quen ngủ ngày cày đêm. Trẻ ngủ muộn dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe. Nhưng nhiều cha mẹ dường như “bất lực” khi không thể cho con đi ngủ sớm hơn.

Sau khoảng thời gian suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, đến khi ra đời, bé phải đối mặt với nhiều sự thay đổi. Lúc này, bé cũng chưa phân biệt được ngày và đêm. Do đó, bé thường ngủ li bì vào ban ngày, thức khuya vào ban đêm. Cha mẹ cũng vì con mà mất ngủ theo.

Với những trẻ ngủ muộn, hay thức đêm, cha mẹ mệt mỏi vì phải thức theo con, phải dậy vào ban đêm để chăm sóc bé, thậm chí phải căng thẳng vì bé không chỉ thức mà còn quấy khóc và chỉ chịu ngủ khi đã mệt lả. Việc đi ngủ trễ, ngủ không đủ giấc còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bé.
Trẻ em từ 1 đến 2 tháng tuổi thường sẽ ngủ nhiều vào ban ngày và thức chơi vào ban đêm. Nhiều bé sau 4 tháng tuổi mới có thể phân biệt ngày và đêm. Nếu trẻ đi ngủ muộn, ngủ ít vào ban đêm, bé sẽ còi cọc chậm lớn, do hormone tăng trưởng chỉ tiết ra vào ban đêm và trong lúc bé ngủ.

Mẹ có biết: Trẻ ngủ muộn CHẬM PHÁT TRIỂN cả thể lực và trí tuệ?

Để nhanh phát triển, tăng cân, cao lớn, bé cần đi ngủ trước 10 giờ tối mỗi đêm. Bé cũng cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Có như vậy, hormone tăng trưởng mới có thể hoạt động tối ưu.

Những ảnh hưởng nặng nề khi bé thức khuya

1/ Ảnh hưởng đến trí não, khả năng nhận thức

Giáo sư Amanda Sarker đến từ Đại học London, Anh tiến hành nghiên cứu hơn 10.000 trẻ 7 tuổi, ông nhận thấy rằng các bé thường xuyên đi ngủ sau 9 giờ tối khá kém về môn đọc và tính toán. Từ nghiên cứu này, giáo sư đưa ra kết luận trẻ ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phản ứng và năng lực nhận thức không gian, không có lợi cho sự phát triển trí não.

2/ Giảm sức đề kháng

Khi ngủ, thể lực và các chức năng bên trong cơ thể sẽ được phục hồi. Nếu trẻ ngủ muộn, sức đề kháng sẽ bị giảm, dẫn đến trẻ dễ bị nhiễm bệnh, vi khuẩn, chất ô nhiễm từ môi trường…

3/ Ảnh hưởng đến chiều cao

Từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là khoảng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất, và hormone này chỉ tiết ra khi bé ngủ say. Do đó, nếu trẻ ngủ muộn, thiếu ngủ, sẽ chậm phát triển chiều cao.

4/ Ảnh hưởng đến tính cách

Trẻ ngủ muộn thường xuyên rất hay cáu gắt, nóng nảy, gào khóc, thiếu kiên nhẫn…

Làm thế nào để khắc phục tình trạng bé ngủ muộn?

Việc bé đi ngủ muộn không chỉ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe bé, làm bé chậm lớn, thấp bé, mà còn khiến mẹ mệt mỏi. Do đó, mẹ cần khắc phục tình trạng này, đưa bé vào “quy củ” ngay.

1/ Mẹ cần hiểu được thói quen ngủ của bé

Thói quen ngủ của trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: Bé sẽ ngủ đến 16 giờ mỗi ngày và thức dậy sau mỗi 3-4 giờ trong tháng đầu tiên. Khi bé sơ sinh đủ 3 tháng tuổi trở lên, con đã có thể tự ngủ vào ban đêm nếu được mẹ tập cho thói quen này cũng như dạy bé phân biệt ngày và đêm.

2/ Tại sao bé không chịu ngủ?

Có thể bé chưa phân biệt được ngày đêm, nên dù khuya bé vẫn thức chơi. Ngoài ra, có thể do bé còn đói. Bởi vậy, trước khi đặt bé xuống giường, mẹ cần đảm bảo con đã bú no. Việc bé bú không đủ no còn khiến con phải thức dậy giữa đêm đòi bú, và sau đó là bé thức luôn tới sáng mà không ngủ lại.

Nếu mẹ đã cho bé bú no trước khi đặt bé vào nôi, ru bé ngủ, mẹ không cần thiết phải đánh thức bé dậy để cho bú. Nhiều mẹ vì sợ con không tăng cân, do đó thường xuyên đánh thức con dậy giữa đêm để cho bú với ý nghĩ, bú vào lúc này sẽ giúp con tăng cân. Thực ra, khi bé đang ngủ sâu vào khoảng giữa đêm là lúc các hormone tăng trưởng phát ra và hoạt động mạnh nhất.

Nhiều khi bé thức khuya lại do nguyên nhân đến từ mẹ. Do mẹ thức khuya, nên thường cho bé đi ngủ trễ, khiến bé hình thành thói quen ngủ trễ ngay từ lúc sơ sinh. Sau này, khi bé lớn lên, sẽ rất khó để tập cho bé đi ngủ sớm.

Việc cho bé chơi các trò chơi hoạt động mạnh, kích thích bé lúc ngủ, tiếng ồn quá lớn… cũng khiến bé khó ngủ, trằn trọc, thao thức.

3/ Làm thế nào để cho bé đi ngủ sớm?

Làm thế nào để giải quyết vấn đề giấc ngủ của bé? Đây là câu hỏi rất nhiều phụ huynh đặt ra với mong muốn giải quyết rốt ráo tình trạng con thức khuya. Hãy xem đâu là cách mẹ có thể áp dụng trong số những giải pháp dưới đây nhé:

Cho bé ăn no, bú no để bé không bị đói khiến bé khó ngủ hoặc thức giấc giữa đêm để đòi ăn;

Cho bé ngủ trên giường nệm thơm tho sạch sẽ và thoải mái;

Cần để mắt tới bé luôn luôn để ru bé ngủ lại nếu bé thức giấc;

Phòng ngủ cần yên tĩnh sạch sẽ, không có các loại côn trùng;

Không mở máy lạnh quá lạnh hay quá nóng;

Tắt đèn trong phòng bé, để bé biết đã đến giờ đi ngủ;

Ngưng ngay những tiếng ồn có thể làm bé khó ngủ hoặc thức giấc như: tiếng máy giặt, tivi…;

Không đưa bé ra ngoài chơi sau 8 giờ tối;

Không cho bé chơi đùa, chạy nhảy, vận động mạnh trước giờ đi ngủ;

Cho bé đi ngủ đúng giờ mỗi đêm;

Có thể hát ru cho bé hoặc cho bé nghe những bản nhạc không lời êm dịu để bé có thể ngủ ngoan và bớt giật mình tỉnh giấc.

Theo Webtretho

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách trang điểm cho nàng tóc đen: Toàn mẹo 'nhỏ mà có võ'