Mẹ bầu “dính” MỤN RỘP VÙNG KÍN cần làm gì để tránh truyền bệnh cho con khi lâm bồn?

Thu Hà 2018-04-24 13:30
- Bệnh mụn rộp sinh dục không chỉ gây khó chịu, ngứa rát cho mẹ bầu mà còn có khả năng lây nhiễm cho thai nhi rất cao, nhất là lúc sinh nở.

So với nam giới, phụ nữ dễ mắc virus Herpes Simplex ( Herpes simplex virus – HSV, virus gây bệnh mụn rộp) hơn do nội tiết thay đổi và cấu tạo vùng kín ẩm ướt, nhiều “ngóc ngách”. Bác sĩ lưu ý, đặc biệt là bà bầu mắc phải virus “chưa có thuốc đặc trị” cần phải nắm vững một số lưu ý để tránh truyền bệnh cho thai nhi.

PV Em Đẹp đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều xung quanh vấn đề này.

Mẹ bầu “dính” mụn rộp vùng kín cần NẮM VỮNG BÍ KÍP để tránh truyền bệnh cho con khi lâm bồn

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều. Ảnh: BSCC

PV: Thưa bác sĩ, phụ nữ có thai mắc mụn rộp sinh dục có nguy cơ lây truyền cho thai nhi như thế nào?

Bác sĩ Lương Trường Sơn: Phụ nữ có thai bị Herpes sinh dục có nguy cơ lây truyền cho thai nhi khi sinh thường, nhất là khi gần lúc sinh đẻ, nguy cơ lây truyền từ 30 - 50%. HSV có 2 tuýp: tuýp 1 và tuýp 2 (HSV1 và HSV2).

HSV1 thường gây bệnh ở niêm mạc phần trên cơ thể như môi, miệng, lưỡi, lợi, lưng, dễ gặp ở cả người lớn và trẻ sơ sinh, trẻ từ 0 – 5 tuổi. Còn HSV2 thường gặp ở người lớn, gây tổn thương ở phần dưới cơ thể, chủ yếu là ở bộ phận sinh dục, gặp 90% các trường hợp. Vì vậy, bệnh mụn rộp này còn được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

PV: Triệu chứng điển hình của bệnh mụn rộp sinh dục là gì?

Bác sĩ Lương Trường Sơn:

Tổn thương khu trú ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ở quanh môi, ở mép vùng sinh dục và mông. Theo y văn, bệnh hay gặp về mùa xuân, mùa thu. Bệnh có thể gặp ở nam cũng như nữ với mọi lứa tuổi, nhưng tần suất gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Trước khi xuất hiện thương tổn ngoài da, bệnh nhân thấy ngứa hoặc rát ở một vùng da. Sau đó xuất hiện một rát đỏ phù thũng, trên rát đỏ có nhiều mụn nước.

Mẹ bầu “dính” mụn rộp vùng kín cần NẮM VỮNG BÍ KÍP để tránh truyền bệnh cho con khi lâm bồn

Nốt phỏng rộp, ngứa rát là triệu chứng điển hình của bệnh mụn rộp. Ảnh minh họa.

Các mụn nước này hình tròn, hình cầu, bằng nhau, kích thước 2-4 mm đường kính, trong suốt có chứa một chất nước vàng chanh, về sau trở nên đục. Có thể chỉ có 3-4 mụn nước hoặc có khi hàng chục mụn, sắp xếp thành chùm. Các mụn nước có thể liên kết với nhau tạo thành một phỏng nước, bờ gồm nhiều cung nhỏ, một số mụn nước khổng lồ thể hiện bằng những phỏng nước.

Ở nữ giới, mụn rộp sinh dục hay gặp ở môi lớn, môi bé, đáy chậu, mặt trong đùi. Herpes tái phát gặp ở môi lớn, môi bé và hông. Cảm giác ngứa rát, nóng bỏng. Sau vài ngày mụn nước vỡ ra khô đét lại, đóng vẩy tiết nhỏ màu vàng hoặc hơi nâu, về sau rụng đi để lại một rát đỏ, sau một thời gian ngắn màu da sẽ trở lại bình thường, không để lại sẹo. Tiến triển chung của đám tổn thương là khoảng 8 - 1 5 ngày.

PV: Mẹ bầu và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe như thế nào khi mắc mụn rộp sinh dục?

Bác sĩ Lương Trường Sơn: Thai phụ cảm thấy khó chịu, ngứa rát, đi tiểu khó, tiết dịch niệu đạo và âm đạo là triệu chứng thường gặp. Chùm mụn nước vỡ để lại vết trợt tròn, đau rát. Trợt có thể tạo thành loét, phủ vảy tiết, ẩm ướt và sau đó sẽ lành trong vòng 2-4 tuần.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu mẹ bầu mắc vi rút này cuối thai kỳ thì có thể làm lây nhiễm sang thai nhi do cọ xát làn da mỏng manh của trẻ với thành âm đạo của mẹ trong lúc chuyển dạ. Bởi vi rút gây bệnh mụn rộp có thể lây qua việc tiếp xúc trực tiếp qua da, đường máu hoặc gián tiếp qua dụng cụ sinh hoạt, khăn lau, thậm chí cả ghế ngồi.

Mẹ bầu “dính” mụn rộp vùng kín cần NẮM VỮNG BÍ KÍP để tránh truyền bệnh cho con khi lâm bồn

Mẹ bầu mắc bệnh mụn rộp cần được khám và tư vấn đầy đủ để tránh lây nhiễm cho thai nhi. Ảnh minh họa. 

Trong thời kỳ virus bùng phát, bà mẹ lây cho trẻ sơ sinh qua tiếp xúc da, qua núm vú mẹ. Trong khi đó, một khi virus đã nhiễm vào thì sẽ ở tồn tại mãi mãi trong cơ thể, dễ tái phát. Bệnh tái phát nhiều lần có thể gây nên các biến chứng cho trẻ như viêm phổi, viêm gan, viêm não, màng não.

PV: Vậy mẹ bầu mắc mụn rộp sinh dục cần phải lưu ý những gì, thưa bác sĩ?  

Bác sĩ Lương Trường Sơn: Khuyến cáo trong thời kỳ bị bệnh, mẹ bầu cần có ý thức vệ sinh sạch sẽ, sử dụng riêng đồ đạc cá nhân. Không nên dùng chung son môi, quần áo lót để tránh lây bệnh cho người khác.

Tốt nhất khi xuất hiện đám vết tổn thương nghi ngờ là mụn rộp, ngứa rát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, mẹ bầu nên đến chuyên khoa da liễu để được khám và kê đơn điều trị đầy đủ, tuân thủ điều trị theo lời dặn của bác sĩ chuyên khoa, được tư vấn đầy đủ về hành vi tình dục an toàn, dự phòng lây nhiễm khi sinh con.

Sau sinh, người mẹ bị mụn rộp có thể vắt sữa cho trẻ ăn, tránh thơm má, thơm môi, tay, tiếp xúc vùng da đang bị tổn thương với làn da của trẻ. Cần hết sức cẩn trọng bởi sức đề kháng còn yếu ớt của trẻ sẽ khiến vi rút nhân lên trong người trẻ.

Tuyệt đối không được điều trị bằng các phương pháp truyền miệng như đắp lá trầu không, lá chè tươi, vì những cách làm này là phản khoa học, có thể gây lan rộng, nhiễm trùng vết thương. Ngoài ra, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt để nâng cao sức đề kháng và khống chế không cho virus nhân lên trong cơ thể. 

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hướng dẫn khắc phục lỗi iPhone không rung khi có cuộc gọi, tin nhắn