Không cần tiền vẫn có thể tặng con món quà vô giá

2016-09-28 19:09
- Nhiều cha mẹ bao biện vì bận rộn nên không thể dành thời gian cho con cái. Thế nhưng, trong khoảng thời gian rất ít ỏi của mình, chị Nguyễn Thị Mai Hương (Hà Nội) vẫn có thể tặng con những món quà vô giá.

Chị Mai Hương chia sẻ: Trước hết, cần cho trẻ cảm nhận được việc đọc sách là một việc vô cùng thú vị. Khi đọc sách nên dùng văn viết, cách đọc sách xấu là bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói. Cố gắng không đọc cho trẻ “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”.

Cha mẹ cần gợi hứng thú đọc sách của trẻ với việc định hướng và tôn trọng sở thích của trẻ. Ảnh minh họa internet.

Khi trẻ đã biết đánh vần thì cho trẻ tập đọc những đoạn ngắn để trẻ cảm nhận nội dung của sách. Cha mẹ có thể giám sát để giúp đỡ trẻ. Để trẻ đọc hết đoạn văn cho dù có những từ trẻ chưa hiểu. Cũng không nên giải thích ngay những từ ngữ trẻ chưa hiểu mà cần khai thác cách suy nghĩ, cách hiểu của trẻ về từ ngữ đó. Việc này sẽ giúp trẻ phát huy được những suy nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới xung quanh một cách tự nhiên, thậm chí người lớn còn có thể học hỏi được rất nhiều từ cách giải thích của trẻ. Một điều đáng lưu ý khi đọc sách cho trẻ đó là cha mẹ cần thể hiện cảm xúc phù hợp trong giọng đọc để trẻ cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa của những câu từ trong cuốn sách.

Vấn đề nữa cần nói đến đó là việc “làm gương đọc sách” cho trẻ. Đừng bao giờ yêu cầu con trẻ “đọc sách đi”, thậm chí cha mẹ không nên lấy chuyện con trẻ có thích đọc sách hay không làm chủ đề để nói chuyện; không nên lấy chuyện đọc sách để giáo huấn con trẻ; cách giáo dục không lời đối với trẻ đó là dành thời gian đọc sách cho trẻ hay cùng trẻ đọc sách. Ví dụ, như khi trẻ đã biết đọc thì cha mẹ có thể ngồi đọc sách bên cạnh con, đứa trẻ sẽ rất hứng thú khi được cùng cha mẹ làm việc mà chúng yêu thích. Cha mẹ cần gợi hứng thú đọc sách của trẻ với việc định hướng và tôn trọng sở thích của trẻ, dần dần uốn nắn trẻ đọc những thể loại sách mang tính chất giáo dục cao. Việc này đòi hỏi bản thân cha mẹ cũng cần phải có trình độ hiểu biết nhất định để định hướng và kiểm soát nội dung những cuốn sách cho trẻ đọc. 

Bên cạnh việc đọc sách cùng con, các cha mẹ cũng cần khoảng thời gian để gia đình cùng nhau đi dạo bộ, đạp xe, chơi thể thao, ăn uống hoặc chuyện trò. Điều này đòi hỏi sự “hy sinh” của các cha mẹ trong bối cảnh bận rộn ngày nay, đó là sự từ bỏ những điều quan trọng của bản thân để dành thời gian vui chơi cùng con cái, tặng con món quà vô giá để các con thấy chúng là một phần quan trọng trong cuộc sống của cha mẹ và cha mẹ là người rất biết quan tâm con cái. Sự quan tâm chăm sóc đó sẽ là rào chắn bảo vệ con bạn trước những sóng gió của cuộc sống sau này.

Khi chơi với trẻ em, điều quan trọng là chúng ta cần phải kiên nhẫn. Trò chơi đối với trẻ em là một điều mới mẻ nên trẻ em cần có thời gian để làm quen. Chúng ta cũng cần để cho trẻ em mắc lỗi và học được từ những lỗi lầm đó. Khi chơi với con, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nên để cho các con thắng, các con có thể vẫn biết được bố mẹ nhường nhưng chúng vẫn thích được thắng bố mẹ. Khi các con lớn hơn một chút, có thể chơi cùng con những trò chơi phức tạp hơn và dĩ nhiên, cần giải thích rõ với trẻ về luật chơi, đồng thời hướng dẫn trẻ đối diện với việc thất bại. Nhận diện và ứng xử với cảm xúc là một trong những hành trang không thể thiếu khi trẻ trưởng thành.

Không cần tiền vẫn có thể tặng con món quà vô giá

Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ không bao giờ quên đươc những khoảnh khắc cùng đạp xe với bố mẹ. Ảnh minh họa internet.

Bên cạnh việc đọc sách và chơi với con, chia sẻ kinh nghiệm, trò chuyện với nhau là điều cực kỳ ý nghĩa với con trẻ. Ví dụ, trẻ em thích nghe chuyện ngày bé của cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ chúng ngày bé sống ở một nơi khác và trong một hoàn cảnh khác bây giờ. Sự chia sẻ này sẽ có ích khi trẻ em lớn lên, vấn đề giao tiếp, tương tác trở nên quan trọng hơn. Một trong những cách để con có thể nói lên tâm sự của mình chính là chúng ta hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình trước. Bằng cách này, cuộc nói chuyện trở thành một cuộc đàm luận hơn là cuộc xét hỏi, trẻ sẽ cảm giác gần gũi, cởi mở khi chia sẻ, điều này rất ý nghĩa với mối quan hệ gắn bó của trẻ với người thân trong gia đình.

Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày thơ bé, hàng ngày mẹ tết hai bím tóc và chở tôi đi học trên chiếc xe đạp phượng hoàng. Năm lớp 3, được bố tập cho đi xe đạp, rồi lần đầu tiên biết đi là đâm vào hàng rào râm bụt, tôi tin là bất cứ đứa trẻ nào cũng không bao giờ quên đươc những khoảnh khắc cùng đạp xe với bố mẹ hay bạn bè, thiên nhiên xung quanh hay bất cứ một cú ngã nào cũng đều là những bài học đầy ý nghĩa về sau. Có ngã, vẫn biết phải đứng dậy như thế nào! Thế nên, đạp xe cùng con, cha mẹ nhé!

(Theo Phụ nữ Việt Nam)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những điều cần lưu ý khi tắm vào mùa lạnh