Không cần camera cũng có thể vạch mặt những BÀ GIÚP VIỆC HUNG ÁC chỉ bằng những chiêu đơn giản này

Mai Anh 2017-11-24 09:00
- Bản thân những bảo mẫu độc ác bạo hành trẻ là những con người chỉ lớn về tuổi đời chứ không có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.

Câu chuyện về người giúp việc hành hạ bé 1 tháng tuổi ở Hà Nam một lần nữa lại cho thấy những khoảng tối trong gia đình mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng không thể kiểm soát được. Công việc mưu sinh bận rộn đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh buộc phải giao con mình cho những người giúp việc mà thậm chí, còn chưa có thời gian để tìm hiểu về con người họ.

Không cần camera cũng có thể vạch mặt những BÀ GIÚP VIỆC HUNG ÁC chỉ bằng những chiêu đơn giản này

Dư luận sục sôi vì bà giúp việc hung ác ở Hà Nam.

Nhưng việc hàng loạt các vụ bạo hành trẻ tại gia đình liên tiếp xảy ra trong thời gian qua một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các ông bố bà mẹ, đừng thờ ơ, đừng vô tâm, trao con mình vào tay những bà giúp việc hung ác.

Theo kinh nghiệm của chị Đào Thị Mỹ, ở Hoài Đức, Hà Nội, chia sẻ với PV Emđẹp dù ban đầu đặt niềm tin vào người giúp việc đến đâu, các bậc cha mẹ cũng luôn phải dành thời gian để quan sát về cách chăm sóc, đối xử của người đó với con mình.

Cũng như nhận định về bất kỳ một người nào, với người giúp việc, thì chúng ta càng cần để ý. Để ý ở đây không phải là xét nét từng ly từng tý, nhưng chúng ta phải để ý bằng sự nhạy cảm cùng với lòng yêu thương con thì sẽ rất dễ nhận ra đâu là những người giúp việc có lòng nhân ái, yêu quý con mình thật lòng.

Ví dụ như bản thân mình, khi bắt đầu trở lại đi làm sau sinh, tôi đã dành ra một tháng trước đó để giúp việc làm quen với con mình. Trẻ con thường hay khóc lóc, nôn trớ, gắt ngủ, nếu như người giúp việc đó tốt thì luôn luôn điềm tĩnh, không bao giờ than ngắn, thở dài về tình trạng của con. Đồng thời, luôn cưng nựng con với thái độ nhẹ nhàng.

Tất nhiên, cũng có nhiều người giúp việc muốn qua mắt chủ nhà, giả vờ yêu thương trẻ trước mặt, nhưng bạn chỉ cần để ý 4-5 lần, xem nếu bé khóc, có vội vàng dỗ nín hay không. Hoặc bé tè nhiều, có nhanh chóng thay tã, bỉm cho bé không. Vì nếu để lâu nước tiểu ngấm ngược dễ khiến bé bị lạnh, bị ốm. Vì thế, nếu họ sốt sắng thay đồ, lo lắng cho con bạn, thì nghĩa là họ thực lòng có trách nhiệm”.

Không cần camera cũng có thể vạch mặt những BÀ GIÚP VIỆC HUNG ÁC chỉ bằng những chiêu đơn giản này

Đừng giao phó con mình hoàn toàn cho giúp việc.

Còn theo kinh nghiệm của chị Hoàng Lan ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ khi con 3 tháng, gia đình chị đã để con làm quen với giúp việc. Thế nhưng, chị cũng đã thay đến 3 đời giúp việc trong vòng một năm chỉ bởi vì hai người trước đó “nhìn rất thiếu thiện cảm”.

Chị Lan cho biết: “Người ta thường nói nhìn người qua đôi mắt. Ban đầu khi thuê họ, mình có thể vì cần người, vì lơ là mà không để ý, nhưng càng ở lâu, càng dễ nhận ra con người của họ, tính cách của họ ra sao. Như mình thì thường để ý vào ánh mắt, xem họ có nhìn con mình trìu mến không, xem khi họ cười nói kể chuyện về con mình có vui vẻ hay không, hay chỉ là gượng ép?

Thậm chí, khi con xảy ra một vấn đề gì, ví dụ bị ốm, khóc nhiều, khi đi làm về mình hỏi, người đó có dám nhìn thẳng vào mặt mình để nói lại tình hình. Hay ánh mắt của họ ẩn chứa sự lẩn tránh trách nhiệm, thì đó cũng không phải là người thương con mình thực lòng”.

Một cách nữa mà chị Lan cũng mách cho các mẹ đó là phải cần có nhiều người “giám sát” giúp việc. Cụ thể, như gia đình chị, cả hai vợ chồng đều khá bận rộn với công việc buôn bán, vì thế con cũng hoàn toàn giao phó cho giúp việc. Tuy nhiên, chị luôn nhờ hàng xóm để ý, những lúc bà giúp việc ở nhà mở cửa hay đưa bé ra ngoài chơi. Nhận định của nhiều người xung quanh cũng giúp chị phán đoán được nhiều hơn về tính cách thực sự của người giúp việc để có cách đối phó.

Không cần camera cũng có thể vạch mặt những BÀ GIÚP VIỆC HUNG ÁC chỉ bằng những chiêu đơn giản này

Bố mẹ cần quan tâm và có các giao ước cụ thể với người giúp việc (Ảnh minh họa).

Thực tế hiện nay, nhiều gia đình tìm đến với việc lắp camera để giám sát người giúp việc, nhưng đối với một số gia đình ở tỉnh lẻ, nông thôn, không có điều kiện làm việc này, thì tinh thần cảnh giác của các bậc phụ huynh lại đặt lên hàng đầu. Chị như Thảo Duyên ở Nghệ An, hằng ngày chị vẫn xin về giữa giờ để cho con bú và cũng là cách “canh” người giúp việc, đến khi thực sự an tâm, chị mới thôi.

Chị Duyên cho biết: “Mình cũng rất hiểu cho áp lực của người giúp việc, rằng luôn phải chăm sóc một đứa trẻ dễ quấy khóc, hờn, lười ăn. Nhưng mình xác định rất rõ, mình bỏ tiền thỏa đáng để thuê họ, thì họ cần đảm bảo giao ước về việc chăm sóc con mình. Không thể mong đợi người giúp việc thương con mình như con cháu của họ, vì thế, cơ sở tốt nhất là mối quan hệ làm công ăn lương – trả tiền. Mình thường nói thẳng những điều không vừa lòng để giúp việc rút kinh nghiệm. Ví dụ, để con khóc quá lâu, thay đồ cho con chậm… Rõ ràng như vậy để “dằn mặt” họ ngay từ đầu, tránh hậu quả về sau”.

Tìm giúp việc vẫn là câu chuyện gian nan với nhiều gia đình trẻ. Không ai có thể đảm bảo, người giúp việc của gia đình bạn là người tốt, toàn tâm toàn ý với công việc. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của các bậc phụ huynh để tránh làm tổn thương con mình.

Mai Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 mẹo làm trắng da từ nguyên liệu tự nhiên