Cha mẹ đang tước đoạt quyền chủ động của con cái như thế nào? Đây là câu trả lời thấm thía của bà mẹ Việt sống ở Nhật

2017-09-30 11:00
- Câu chuyện về những đứa trẻ thụ động của mẹ Việt sống tại Nhật dưới đây có thể sẽ khiến nhiều bà mẹ hốt hoảng nhìn lại mình.

Những đứa trẻ thụ động

Câu chuyện thứ nhất:  Mình có một chị bạn thân người Nhật có con trai lên 5 tuổi và 7 tuổi. Chị tâm sự rằng chị cảm thấy lo lắng cho cậu con trai lớn hơn là cậu em. Bởi vì cậu em luôn chủ động trong suy nghĩ và hành động hơn là cậu anh. Ví dụ như hai anh em cùng mẹ đi tham gia các buổi ngoại khóa cho trẻ em thì cậu anh sẽ luôn phải hỏi mẹ như "Mẹ ơi mình nên đi đâu, mẹ ơi mình nên làm gì?", chứ không chủ động như cậu em là biết mình thích chơi cái này, cái kia một cách rõ ràng.

Câu chuyện thứ hai:  Trong buổi chia sẻ với giáo viên của mầm non về vấn đề tự lập cho trẻ buổi sáng cho trẻ có giáo viên lớp 4-5 tuổi hỏi mình:  “Hàng ngày trẻ đến trường phải tự mình mở cặp lấy sổ liên lạc, thứ hai hàng tuần đều tự cất chăn gối, cốc, bàn chải, khăn mặt, nhưng sáng nào cô cũng phải nhắc thì trẻ mới làm chứ không chủ động làm chị ạ”. 

Câu chuyện thứ 3: Có nhiều đứa trẻ được ba mẹ cho đến công viên tự do bảo con chơi gì con thích, có nhiều trẻ không biết nên chọn cái gì để chơi, và cứ “đứng im ở một chỗ hoặc bám lấy bố mẹ. Có một đống đồ chơi hay chẳng có đồ chơi gì cũng đều như nhau vì chúng không biết nên bắt đầu từ đâu, nên chọn chơi cái gì, nghĩa là bản thân không tự mình quyết định được mình muốn gì”.

"Những đứa trẻ trên chúng đều có một đặc điểm đó là chúng đang mất đi tính tự chủ, tự mình phán đoán và quyết định, mình gọi là “những đứa trẻ thụ động”. Đó là kết luận của chị Nguyễn Thị Thu. Chị là nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba. Chị và chồng sống ở Nhật đã 10 năm và có một bé trai khoảng 3 tuổi.

Cha mẹ đang tước đoạt quyền chủ động của con cái như thế nào? Đây là câu trả lời thấm thía của bà mẹ Việt sống ở Nhật

Chị Nguyễn Thị Thu, một bà mẹ Việt nổi tiếng đang sinh sống tại Nhật.

Khi người lớn cứ thích chỉ thị từng việc cho trẻ

Những đứa trẻ ấy dường như đang ngày một nhiều. Bởi vì hàng ngày chúng đã quen với việc làm theo những chỉ thị và mệnh lệnh của người lớn từ những việc nhỏ nhất rồi. “Con ăn đi, con đi học đi, con đi tắm đi, con cầm như thế này này, con xỏ giày chưa, mặc quần áo vào”. Nghĩa là mọi thứ đều có người nghĩ hộ hết rồi.

Đến trường thì chưa kịp nghĩ ra mình làm gì, giáo viên cũng chỉ thị “Con ngồi vào chỗ, con cất giày, ba lô đi, con chơi cái này này”. Thay vì chờ đợi để trẻ tự nghĩ ra mình nên làm gì, người lớn sẽ nhắc cụ thể ngay việc đó. Thành ra đứa trẻ đã thiếu đi những cơ hội để chúng được tự mình suy nghĩ, phán đoán và hành động.

dạy con chủ động

Cha mẹ đừng tước đoạt quyền chủ động của con.

Vì sao đứa anh thường có xu hướng không được mạnh mẽ hay chủ động như đứa em? Bởi vì khi sinh đứa con đầu ba mẹ sẽ dành mọi thời gian quan tâm, sát sao mọi việc của con hơn là khi sinh đứa thứ hai, dẫn đến đứa đầu hay được bao bọc, được quan tâm thái quá, chúng ít có những khoảng trống để cho mình được tự do phán đoán và suy nghĩ.

Những đứa trẻ lớn lên theo một lập trình có sẵn, chúng không cần suy nghĩ mình phải làm gì tiếp theo, lâu dần chúng mất đi tính tự chủ, và trở nên thụ động.

Thay vì chỉ thị, hãy đặt câu hỏi hoặc chờ đợi trẻ tự mình làm

“Về đến nhà rồi mình sẽ làm gì đầu tiên Bon nhỉ?”  “Chào cô giáo rồi mình sẽ làm gì nào?” “ĐẶT CÂU HỎI” để cho con suy nghĩ là cách mình vẫn làm với Bon hàng ngày mỗi khi Bon không nhớ hoặc làm sai các việc vẫn phải làm. Vì đặt câu hỏi cho trẻ tự mình nhớ ra, thay vì nhắc ngay cho trẻ biết, sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn những việc mình cần phải làm”, chị Thu cho biết.

Mỗi khi bước chân về đến nhà câu đầu tiên hai mẹ con mình làm khi mở cửa là “Xin chào ngôi nhà thân yêu. Tớ đã về đây”. Sau đó, mình cất giày đúng nơi quy định, còn Bon mình sẽ hỏi “Tiếp theo mình sẽ là gì Bon nhỉ?”, Bon sẽ nhớ ngay là “phải cất giày” ngay ngắn.

Chỉ 1 tháng sau khi thực hiện việc này khi chuyển về nhà mới ở Việt Nam, cu cậu đã quen mà không cần mẹ phải hỏi nữa. Tuy nhiên thi thoảng mải chơi vẫn vứt giày lung tung là mình lại gọi lại hỏi “Ơ Bon ơi, hôm nay đôi giày này chưa được cất đi thì phải”, là Bon sẽ chạy đến để cất lại. Giờ đây con đã nhớ và thực hiện rất tốt các quy tắc trong cuộc sống mà mẹ không bao giờ phải nhắc nữa.

Sao mẹ cứ giục con thế nhỉ, để con tự làm chứ

Ngày nay rất nhiều ba mẹ quan tâm đến giáo dục ngay từ nhỏ cho con. Nhưng đi kèm với nó cũng là một tâm lí muốn uốn nắn con thật tốt, muốn con lớn lên phải là đứa trẻ có quy tắc, thói quen tốt, nền giáo dục gia đình tốt, nên vô hình thi thoảng ba mẹ lại can thiệp quá nhiều, chỉ thị con làm theo điều mình nói quá nhiều.

Mình nhận ra điều này hồi Bon tròn 3 tuổi 4 tháng, mình rất hay nhắc Bon là “Con xem xong video oto rồi thì đi tắm nào. Con đi ra đây. Con cởi quần áo đi. Con bỏ quần áo vào giỏ đi”. Bon thấy mẹ nhắc nhiều mà cu cậu chưa làm kịp nên cu cậu cáu “Sao mẹ cứ nhắc con thế nhỉ. Để con tự làm chứ”. Có lẽ chính vì từ trước đến giờ mình luôn để con được quyền tự phán đoán, tự suy nghĩ nên có những lúc vội mình lại giục giã Bon nhanh cởi quần áo đi tắm, Bon cởi quần đi vệ sinh đi, Bon mặc quần áo vào chưa, khiến cu cậu cảm thấy khó chịu với việc mẹ cứ thúc giục và chỉ thị cu cậu làm từng việc một.

"Từ câu nói của Bon, mình như nhận ra rất nhiều bài học. Con không cần mẹ kè kè như cái loa ở bên, con chỉ cần mẹ bên cạnh, hỗ trợ khi con cần, còn lại hãy cho con khoảng trống để con được tự do và tự mình suy nghĩ", chị Thu nhắc nhở các ông bố bà mẹ Việt.

Mộc Miên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 mỹ nhân Việt hở bạo nhất ngày 20-10